Theo nội dung Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP về xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại vừa được Bộ Công Thương ban hành, các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, ngoại tệ, vàng; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền bán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép sẽ bị phạt tiền, tối đa là 30 triệu đồng. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/7/2009.
Ngày 26/5, UBND TP. HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng về việc tăng cường quản lý ngoại hối. Theo đó, NHNN - Chi nhánh TP. HCM chịu trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm của các đại lý đổi ngoại tệ đã được cấp phép; phối hợp các sở Công an, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Chi cục Quản lý thị trường, để có biện pháp quản lý, kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm như thu đổi ngoại tệ trái phép, quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng USD.
Trước động thái mạnh tay của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện giải pháp bình ổn thị trường, trong 2 tuần cuối của tháng 5/2009, nhiều cửa hàng kinh doanh cũng như nhà hàng, khách sạn tại khu vực TP. HCM đã chuyển sang niêm yết giá bằng VND, thay vì bằng USD như trước. Qua khảo sát của ĐTCK tại khu vực TP. HCM, hiện các trung tâm thương mại lớn - nơi trước đây khách hàng phải thanh toán tiền hàng hóa bằng USD thì nay chuyển sang thu bằng VND. Tuy việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm đến ngày 3/7 mới có hiệu lực, nhưng theo các chủ cửa hàng trên phố Đồng Khởi thì phải có sự chuẩn bị trước, nhằm thay đổi thói quen cũng như cách nhìn của khách hàng.
Nhìn chung, các chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm phục vụ khách du lịch cũng như một số nhãn hàng thời trang nổi tiếng nhập ngoại trên địa bàn TP. HCM không còn niêm yết giá bán bằng ngoại tệ. Các khách sạn lớn như Rex, New World… cũng bắt đầu chuyển đổi thói quen niêm yết giá bằng USD như trước. Song, trên trang web của các khách sạn lớn vẫn còn chào giá phòng bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực máy tính (hàng nhập khẩu) vẫn có nhiều “chiêu” lách luật rất tinh vi. Theo đó, một số cửa hàng bán linh kiện máy tính nhỏ lẻ trên phố Tôn Thất Tùng (TP. HCM) tuy đã chuyển đổi niêm yết giá hàng hóa bằng VND, nhưng các chủ cửa hàng đều tính theo giá USD. Có nơi vẫn ghi giá USD, nhưng chỉ ghi các con số, ngụy biện đó là mã số cửa hàng tự đề ra để quản lý. Điều đáng nói là một số chủ cửa hàng tính theo tỷ giá trên thị trường tự do, cao hơn tỷ giá niêm yết trong ngân hàng, gây thiệt thòi cho khách hàng. Tuy nhiên, theo lý giải của một số chủ cửa hàng, để có được ngoại tệ thanh toán cho nguồn hàng nhập khẩu là linh kiện máy tính, họ phải mua USD trên thị trường tự do và trả giá cao nên buộc phải bán theo giá USD trên thị trường tự do.
Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam là không được phép. Trong trường hợp muốn niêm yết giá bằng ngoại tệ thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đã là người Việt Nam thì phải sử dụng VND để giao dịch trong mua bán hàng hóa ở thị trường nội địa, nên đòi hỏi DN phải tuân thủ pháp luật. NHNN cho biết, với các biện pháp đồng bộ được đưa ra, NHNN sẽ phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành nhằm thực hiện quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ tình trạng đô la hóa.
Song, trong quá trình bắt đầu thực hiện việc kiểm tra đã gặp không ít khó khăn trong việc xử lý vi phạm, bởi nhiều hình thức được các cơ sở kinh doanh nghĩ ra nhằm đối phó với việc cấm niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ. Một cán bộ cấp cao của NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, tuy đã lập đoàn kiểm tra kể từ giữa tháng 5/2009 khi có chỉ đạo của Chính phủ, song so với thực trạng và hành vi vi phạm niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ hiện nay thì lực lượng của đơn vị còn quá mỏng.