Tuy nhiên, lần kiểm định này phát tín hiệu suy kiệt của áp lực bán tại vùng giá thấp, tạo điều kiện cho chỉ số bật tăng mạnh trở lại trong phiên. Nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và xu hướng tích cực từ dòng vốn ngoại, VN-Index duy trì đà phục hồi đến cuối tuần và khép lại với mức tăng 10,11 điểm, tương đương tăng 0,83%, chốt tại 1.229,2 điểm.
Về nhóm ngành, các cổ phiếu trụ như Vingroup, bất động sản, bán lẻ, và thực phẩm trở thành đầu tàu kéo chỉ số. Các nhóm ngành yếu như bất động sản công nghiệp, xuất khẩu và cảng biển cũng cho thấy tín hiệu cải thiện tích cực vào cuối tuần. Ngược lại, ngân hàng và chứng khoán phân hóa rõ rệt. Một số cổ phiếu như STB và TPB giữ được xu hướng tăng, trong khi các mã lớn khác như BID, LPB, TCB, VPB lại điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến đà phục hồi chung của chỉ số.
Về hoạt động của khối ngoại, mặc dù vẫn còn dao động trong từng phiên, xu hướng chung đã tích cực hơn. Lực bán có dấu hiệu giảm nhiệt và chuyển sang hỗ trợ thị trường trong các pha điều chỉnh. Tổng cộng, khối ngoại ghi nhận mua ròng gần 1.000 tỷ đồng trong tuần qua. Dòng tiền mua vào tập trung tại các cổ phiếu: HPG, MWG, STB, VIC và NVL. Ngược lại, áp lực bán ròng đáng chú ý xuất hiện ở các cổ phiếu HCM, TPB, KBC, FTS và GEX.
![]() |
Thị trường đang trong giai đoạn thăm dò cung - cầu sau nhịp hồi phục mạnh từ vùng đáy quanh 1.140 điểm của chỉ số VN-Index. Việc lực bán hạ nhiệt tại vùng 1.200 điểm, kết hợp với tín hiệu cải thiện từ dòng tiền khối ngoại, cho thấy xu hướng hồi phục vẫn còn dư địa, với mục tiêu gần là vùng 1.250 điểm, tiệm cận đường SMA200. Dù kỳ nghỉ lễ dài sắp tới có thể khiến thanh khoản suy giảm và đà tăng chậm lại, xu hướng chung vẫn nghiêng về tích cực. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh kỹ thuật để giải ngân chọn lọc, ưu tiên nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít chịu ảnh hưởng từ các rủi ro vĩ mô và chính sách thuế quan.
Ngành cảng biển: Trong nguy có cơ
Ngành cảng biển có thể chịu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Việc áp dụng các mức thuế mới có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là với các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Dù vậy, trong dài hạn, sự dịch chuyển thương mại và đa dạng hóa thị trường có thể giảm bớt tác động tiêu cực từ chính sách này, khi các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường khác.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cảng biển có thể gia tăng doanh thu khi các công ty xuất nhập khẩu đẩy mạnh hoạt động xuất hàng trước thời hạn thuế quan được áp dụng. Điều này dẫn đến sự gia tăng đột biến trong lưu lượng hàng hóa qua cảng, tạo cơ hội tăng trưởng doanh thu cho các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, giá thuê tàu biển đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu từ ALS, cước hàng đi từ TP.HCM đến Mỹ loại container 40 feet đã tăng lên 7.000 USD, trong khi hồi đầu năm, giá cước chỉ neo ở mức hơn 3.000 USD. Sự gia tăng này mang lại lợi ích cho các công ty vận tải biển, giúp cải thiện biên lợi nhuận và tạo động lực đầu tư vào nâng cấp hạ tầng và dịch vụ.
Năm 2024, ngành cảng biển Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê, 28 doanh nghiệp niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đạt tổng doanh thu hơn 11.100 tỷ đồng trong quý IV/2024, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của nhóm này tăng 33%, lên 1.169 tỷ đồng, nhờ đóng góp đột phá từ các doanh nghiệp lớn như Viconship và Gemadept.
Có thể thấy rằng, việc áp dụng thuế quan và thương chiến, tuy tạo ra nhiều khó khăn, nhưng có thể là một yếu tố thúc đẩy ngành cảng biển. Có thể xu hướng thương mại cũng đang chuyển dịch dần từ toàn cầu hóa sang thương mại cục bộ, từ đó vị trí địa lý của Việt Nam cũng là một yếu tố để thúc đẩy sự phát triển của ngành.