Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Thông tin vĩ mô đáng chú ý nhất tuần qua chính là kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức được khai mạc vào ngày 20/5. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo về tình hình kinh tế năm 2014 và triển khai 5 tháng đầu năm 2015. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kinh tế nước nhà đang từng bước phục hồi và phát triển.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật và các dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 16 dự án luật khác. Đây là một nội dung trọng tâm của kỳ họp, với số lượng lớn dự án luật được xem xét, thông qua nhằm tiếp tục đưa Hiến pháp vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Xem chi tiết
Chờ dòng tiền lớn nhập cuộc
Thị trường chứng khoán tuần qua đã chứng kiến sự khởi sắc bất ngờ, nhất là phiên 20/5 đã thực sự bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản. Kỳ vọng sửa Thông tư 36, sắp nới room… là những thông tin nhà đầu tư truyền tai nhau để lý giải cho sự bùng nổ mạnh mẽ trong phiên giao dịch này. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, thì rõ ràng dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán năm nay kém hơn hẳn.
Trong vòng 6 tháng qua, thanh khoản thị trường đã giảm mạnh gần 3/4 từ mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên giao dịch xuống còn 1.000 - 1.500 tỷ đồng/phiên. Tác động của những quy định hạn chế tiền ngân hàng chảy vào chứng khoán trong Thông tư 36 đang thực sự ngấm vào thị trường.
Vì vậy, sự hứng khởi như phiên 20/5 là chưa có cơ sở vững chắc và thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận sẽ tiếp tục chịu thử thách nếu muốn vượt lên. Xem chi tiết
Chính phủ đánh giá thị trường chứng khoán phục hồi chậm
Báo cáo về tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2015, được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ vừa trình bày tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội đang diễn ra cho thấy, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán phục hồi chậm.
Sự khó khăn của thị trường chứng khoán, theo Bộ Tài chính được thể hiện qua các con số: tại thời điểm quý I/2015, chỉ số VN-Index đạt 545,19 điểm, giảm 8% so với cuối tháng 2 và giảm 0,1% so với cuối năm 2014. Mức vốn hóa thị trường đến cuối tháng 3/2015 đạt khoảng 1.144 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 87 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 2.
Giải pháp mà Chính phủ đề ra trong thời gian tới là thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán... Trong đó, giải pháp quan trọng đang được thị trường trông đợi là Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Sao đẩy khó cho nhà đầu tư?
Các công ty chỉ phải đóng thuế thu nhập khi kinh doanh có lãi, vậy tại sao nhà đầu tư cá nhân đầu tư chứng khoán lỗ vẫn phải nộp thuế? Đó chính là bức xúc hàng năm nay của nhà đầu tư, nhất là khi được biết, ở thị trường chứng khoán phát triển như Nhật Bản, nhà đầu tư cá nhân được miễn loại thuế này. Tuy nhiên, trả lời lời bức xúc này của nhà đầu tư chỉ là sự né tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý khi viện ra lý do khó xác định thu nhập làm căn cứ tính thuế để áp dụng cách đánh thuế dựa trên giá chứng khoán chuyển nhượng từng lần.
Rất nhiều ý kiến của nhà cho thấy tình trạng bất cập của chính sách thuế đối với nhà đầu tư cá nhân đầu tư chứng khoán, luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, chứ không như ý kiến của nhà quản lý vẫn đây đó đưa ra mang định kiến chủ quan: “có đáng gì, mức thuế đã quá thấp”, “đâu mấy ai quan tâm”, “chuyện có to tát gì”…
Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là, có phải vì nhà quản lý còn coi thuế khóa là chuyện “có to tát gì”, nên chưa quan tâm đến mức cần thiết, để khắc phục một vấn đề nhức nhối mà nhà đầu tư khản cổ đề cập từ nhiều năm nay? Nếu nhà quản lý coi đây là chuyện “có to tát gì”, “có đáng gì, mức thuế đã quá thấp”, thì sao không bãi miễn loại thuế này để kích thích nhà đầu tư đầu tư vào thị trường chứng khoán, hay chí ít là tính đúng, tính đủ thu nhập, chi phí khi đánh thuế, thay vì cứ để tiếp diễn tình trạng thuế “ăn” vào vốn của nhà đầu tư như hiện nay? Xem chi tiết
121 doanh nghiệp có báo cáo thường niên vào Chung khảo
Đến hẹn lại lên, Cuộc bình chọn báo cáo thường niên năm nay đã đi được nửa chặng đường, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 121 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất lọt vào vòng chung khảo năm nay.
Các báo cáo vào vòng chung khảo được bình chọn trong tổng số 581 BCTN tham gia chấm vòng sơ khảo năm 2015, trong đó có 253 báo cáo của DN niêm yết trên sàn TP. HCM và 328 báo cáo của DN niêm yết trên sàn Hà Nội. Đây là những BCTN đáp ứng đủ tiêu chuẩn của vòng sơ khảo, bao gồm: báo cáo được công bố thông tin đúng hạn, báo cáo không có ý kiến kiểm toán ngoại trừ và DN không bị xử lý vi phạm về công bố thông tin trong năm 2014. Tiêu chí chọn BCTN vào chấm sơ khảo năm nay khắt khe hơn so với các năm trước, nhằm nâng cao chất lượng bình chọn và tăng cường tính minh bạch thông tin từ DN niêm yết.
Hội đồng chấm chung khảo cuộc bình chọn sẽ tiếp tục làm việc đến cuối tháng 5 để chọn ra các báo cáo có số điểm cao nhất, trao giải thưởng Top 10 (10 BCTN có điểm số cao nhất), Top 30 (20 BCTN có số điểm cao tiếp theo Top 10) và Top 50 (20 BCTN còn lại trong nhóm 50 BCTN).
Danh sách doanh nghiệp có báo cáo thường niên loạt vào vòng Chung khảo
Tranh chấp bất động sản chưa chấm dứt
Trên thị trường bất động sản, tưởng chừng thị trường ấm lên thì các khiếu kiện, tranh chấp sẽ giảm đi khi mọi người cuốn theo làn sóng, mua mua, bán bán. Thế nhưng, hậu quả của giai đoạn thị trường trầm lắng vẫn cứ theo dai dẳng một số doanh nghiệp, mà trường hợp Dự án Sakura số 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ.
Dù đã đưa vào hoạt động, sử dụng từ vài năm nay, nhưng tranh chấp tại dự án này vẫn chưa chấp dứt khi khách hàng tố chủ đầu tư mắc nhiều nhiều sai phạm, thậm chí có cả dấu hiệu lừa đảo.
Trong khi đó, tranh chấp tại Toà nhà 93 Lò Đúc (Hà Nội) giữa cư dân và chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đã từng làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và thời gian giải quyết của chính quyền địa phương, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa thể chấm dứt. Đến nỗi, vụ tranh chấp này buộc Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc, nhưng xem ra mọi việc vẫn chưa thể kết thúc dễ dàng.
Căn hộ CT4 Vimeco: Tiền chênh trăm triệu vào túi ai?
Cũng liên quan đến những vụ lùm xùm về dự án bất động sản, nhưng vụ việc tại Dự án CT4 Vimeco Cầu Giấy lại diễn ra theo cách khác. Dự án chưa mở bán, nên chưa có tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng với việc tính toán một bài toán kinh tế khiến khoản tiền 30 - 40 tỷ đồng rơi vào túi của các cá nhân, nhất là trong danh sách này có tên của nhiều lãnh đạo cấp cao của Vinaconex, công ty mẹ của Vimeco, chủ đầu tư dự án, khiến nhiều cổ đông Vimeco cảm thấy “xót ruột” và đặt nghi vấn về việc có lợi ích nhóm trong câu chuyện này. Xem chi tiết
Sẽ có nhiều thương hiệu ngân hàng biến mất
Càng vào giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) xuất hiện ngày một nhiều hơn. Cùng với đó, lộ trình thoái vốn của các ngân hàng trong 1 năm theo quy định của Thông tư 36, sẽ là động lực để thúc đẩy thêm các thương vụ M&A mới. Chính bởi vậy, nhiều thương hiệu ngân hàng cũng sẽ biến mất khỏi thị trường trong năm nay.
Cái tên biến mất mới nhất có thể kể đến Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) khi lễ ký kết hồ sơ sáp nhập PG Bank vào VietinBank đã chính thức diễn ra vào chiều ngày 22/5.
Quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đang diễn ra theo đúng lộ trình và tới thời điểm này đã khẳng định, đây không phải là lời dọa suông của cơ quan quản lý.
Giá xăng tăng lên 20.430 đồng/lít từ 20h ngày 20/5
Câu chuyện thị trường được nhiều người quan tâm trong tuần qua chính là việc giá xăng tiếp tục tăng thêm 1.200 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 2 trong vòng nửa tháng với tổng cộng mức tăng 3.150 đồng/lít.
Lý giải cho quyết định tăng giá xăng lần này, Liên Bộ Tài chính - Công thương cho biết, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây biến động tăng liên tục (18/5, giá xăng RON 92 đã tăng lên mức 83,97 USD/thùng) khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 20 tháng 5 năm 2015 chênh lệch so với giá bán. Xem chi tiết