Thị trường tài chính 24h: Tiền vẫn dồi dào

Thị trường tài chính 24h: Tiền vẫn dồi dào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Lợi nhuận ngân hàng: Lãi giả “sướng” hơn lãi thật; Cổ phiếu ngành chăn nuôi hụt hơi theo đà giảm giá thịt; Điều gì xảy ra khi Sàn giao dịch kim loại London (LME) hết kim loại?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/10 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 57,50 – 58,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm tại Mỹ tăng 0,9 USD lên 1.783,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng khá mạnh lên quanh vùng 1.795 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 93,60 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.142 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.655 – 22.855 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,32 USD (+0,39%), lên 82,82 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,46 USD (+0,54%), lên 85,07 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 66.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã giảm khá mạnh và về gần 63.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

Thanh khoản thị trường dồi dào, VN-Index hồi phục nhẹ

Thị trường đã nhanh chóng khởi sắc trở lại dưới sự dẫn dắt của nhóm bluechip, sau phiên giảm khá mạnh trước đó.

Tuy nhiên, diễn biến chung của thị trường vẫn là phân hóa mạnh và chỉ số tiếp tục trong trạng thái sideway, và mốc 1.380 điểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ khá cứng cho thị trường.

Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức tốt, dòng tiền vận động nhanh theo từng nhóm ngành để tạo các cơ hội đầu tư mới chứ không có tín hiệu rút ra ngoài thị trường.

Nhóm vừa và nhỏ cũng phân hóa, trong khi HQC, FLC, ROS, HAI đảo chiều giảm, thậm chí DLG, HAR giảm sàn, thì HBC và SCR đóng cửa trong sắc tím; LCG, VGC, TEG, DIG cũng tăng trần hoặc sát trần...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14,69 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 262,54 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/10: VN-Index tăng 4,47 điểm (+0,32%) lên 1.389,24 điểm; HNX-Index tăng 2,75 điểm (+0,71%), lên 391,21 điểm; UpCoM-Index tăng 0,59 điểm (+0,59%), lên 100,36 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall xoá sạch đà giảm kéo dài 2 tháng trước sau khi tiếp tục tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm (21/10) nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế tích cực.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm xuống còn 290.000 đơn, mức thấp nhất kể từ sau khi đại dịch bùng phát.

Mặt khác, với khoảng 100 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh cho đến nay, các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ đạt mức tăng trưởng 33,7% trong quý III.

Tesla tăng vọt 3,2% phiên giới phân tích đánh giá hãng đang trên lộ trình trở thành "công ty ô tô đại chúng có lợi nhuận cao nhất thế giới”, ngay cả khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Cổ phiếu HP tăng vọt 6,9% nhờ kết quả lợi nhuận mạnh mẽ và nâng dự báo triển vọng năm 2022. Các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng hỗ trợ thị trường trong phiên đêm qua với Nvidia tăng 2,6% và Netflix tăng 4.4%.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones giảm 6,26 điểm (-0,02%), xuống 35.603,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,59 điểm (+0,30%), lên 4.549,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 94,02 điểm (+0,62%), lên 15.215,70 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, sau khi Evergrande Group của Trung Quốc thực hiện thanh toán lãi suất trái phiếu, nhưng sự thận trọng trước cuộc tổng tuyển cử và mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,34% lên 28.804,85 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,7% lên 2.002,23 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức tăng, với Tokyo Electron tăng 4,4, Advantest tăng 1,22% và Disco tăng 2,99% sau khi công bố lợi nhuận hai quý đầu năm tài chính vừa qua tăng vọt 71%.

Chứng khoán Trung Quốc suy yếu, do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngành khai thác và năng lượng, khi Bắc Kinh ra tín hiệu sẽ can thiệp để hạ nhiệt giá than.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,34% xuống 3.582,60 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,64% lên 4.959,73 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản bật lên, sau khi Tập đoàn Evergrande bất ngờ thanh toán lãi trái phiếu cho một số trái chủ nước ngoài, chỉ vài ngày trước thời hạn có thể khiến tập đoàn này rơi vào tình trạng vỡ nợ chính thức.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các nhà phát triển bất động sản hồi phục, nhờ tin tức Evergrande thông báo rằng họ đã trả một khoản lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đóng cửa, Hang Seng-Index đã tăng 0,42% lên 26.126,93 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enteprises tăng 0,9% lên 9.356,85 điểm.

Cổ phiếu nhóm bất động sản tăng mạnh với chỉ số phụ theo dõi tăng 4,7% với Longfor Group tăng 6,6%, China Resources Land tăng 3,8%.

Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho biết sẽ hỗ trợ những người mua nhà lần đầu và các ngân hàng sẽ bắt đầu nới các quy định tài chính thế chấp, sau một báo cáo cho thấy giá nhà đã giảm vào tháng trước.

Thị trường cũng được hưởng lợi từ việc China Evergrande được cho là đã trả 83,5 triệu USD tiền lãi cho các trái chủ ở nước ngoài, trước khi thời gian ân hạn 30 ngày hết hạn vào thứ Bảy.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa gần như không thay đổi, nhưng đánh dấu tuần giảm điểm, do các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu kinh tế quý III và báo cáo kết quả kinh doanh từ các nhà sản xuất chip lớn trong nước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm nhẹ 0,04% xuống 3,006,16 điểm. Chỉ số này đã giảm 0,30% trong tuần, sau khi tăng 1,99% một tuần trước đó.

Thị trường hồi hộp chờ đợi hai gã khổng lồ Samsung Electronics và SK Hynix dự kiến ​​sẽ báo cáo thu nhập quý III của họ vào tuần tới.

Kết thúc phiên 22/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 96,27 điểm (+0,34%), lên 28.804,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,18 điểm (-0,34%), xuống 3.582,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 109,40 điểm (+0,42%), lên 26.126,93 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 1,17 điểm (-0,04%), xuống 3.006,16 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng: Lãi giả “sướng” hơn lãi thật

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Tình hình dịch bệnh khiến nợ xấu tăng mạnh, nếu trích lập dự phòng rủi ro đúng ngay bây giờ sẽ “đánh” thẳng vào lợi nhuận các ngân hàng”..>> Chi tiết

- Cổ phiếu ngành chăn nuôi hụt hơi theo đà giảm giá thịt

Giá bán lao dốc, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang gặp khó chồng khó..>> Chi tiết

- Điều gì xảy ra khi Sàn giao dịch kim loại London (LME) hết kim loại?

Đó là câu hỏi mà LME đang khẩn trương giải quyết cho hợp đồng tương lai đồng và cũng là hợp đồng quan trọng trên toàn cầu đối với một trong những hàng hóa quan trọng nhất thế giới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan