Lợi nhuận ngân hàng: Lãi giả “sướng” hơn lãi thật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Tình hình dịch bệnh khiến nợ xấu tăng mạnh, nếu trích lập dự phòng rủi ro đúng ngay bây giờ sẽ “đánh” thẳng vào lợi nhuận các ngân hàng”.
Lợi nhuận ngân hàng: Lãi giả “sướng” hơn lãi thật

Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với những thông tin không tệ. Ông có bình luận gì?

Lợi nhuận các ngân hàng hiện vẫn cao chủ yếu do thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro (mà trải dài trong 3 năm), nên giảm được chi phí. Theo đó, tôi cho rằng, con số lợi nhuận cao mà các ngân hàng công bố đó chính là lãi dự thu (lợi nhuận dự kiến) và nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Ngoài ra, không loại trừ khả năng các ngân hàng cố tình công bố lợi nhuận cao để kích thích giá cổ phiếu tăng lên. Khi các ngân hàng thương mại chia cổ tức, phần lớn đều không chia bằng tiền mặt (một phần vì yêu cầu của cơ quan quản lý và một phần vì thực tế lãi dự thu nghĩa là không có tiền thực để trả) mà bằng cổ phiếu. Cổ đông mang cổ phiếu ra thị trường bán để thu tiền về, biến lãi giả thành lãi thật nhờ thị trường chứng khoán.

Theo ông, các cổ đông liệu có biết khả năng ngân hàng cố tình công bố lãi cao?

Chỉ số chứng khoán đã tăng hơn 2 lần kể từ tháng 4/2020, cổ phiếu nhiều ngân hàng đã tăng gấp 3 trong cùng thời gian, điều đó có nghĩa 10.000 đồng cổ phiếu bán ra được 30.000 đồng. Cổ đông biết lợi nhuận được công bố cao, giá cổ phiếu tăng mang lại lợi ích cho chính họ. Phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu trước đây là câu chuyện “bị” phản ứng dữ dội tại các kỳ họp đại hội đồng cổ đông thì nay là cách “được” cổ đông ủng hộ và thấy hạnh phúc, vì lãi giả “sướng” hơn lãi thật. Do vậy, đương nhiên lợi nhuận ngân hàng công bố càng cao thì cổ đông càng hưởng lợi, dù rằng cổ đông nhỏ lẻ được lợi ít, mà chủ yếu là cổ đông lớn với món lợi lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh và ước tính của không ít lãnh đạo ngân hàng là lợi nhuận sẽ giảm do nền kinh tế gặp khó khăn bởi đại dịch?

Ngân hàng cho vay “sân sau” ít sẽ công bố đúng kết quả kinh doanh là lãi ít, thậm chí suy giảm và ngược lại.

Theo thông tin tôi được biết, nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN hiện nay đạt trên 400.000 tỷ đồng, dự kiến con số này sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới. Nguyên do bởi diễn biến phức tạp của đại dịch, sức khỏe của doanh nghiệp suy yếu, không riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác. Có những đơn vị sản xuất - kinh doanh hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng sản xuất - kinh doanh, đóng cửa do công nhân bị nhiễm bệnh. Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng, nợ xấu ngân hàng sẽ phát sinh và gia tăng.

Theo đó, những ngân hàng cho vay “sân sau” ít sẽ công bố đúng kết quả kinh doanh hiện tại là lãi ít, thậm chí suy giảm và ngược lại. Tôi muốn chia sẻ thêm là những ngân hàng cho vay tập trung vào doanh nghiệp “sân sau” nhiều thì với quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ sẽ giúp ích cho ngân hàng và doanh nghiệp “sân sau”, chứ không hẳn là lợi ích mang lại cho nền kinh tế. Tình hình dịch bệnh khiến nợ xấu tăng mạnh, nếu trích lập dự phòng rủi ro đúng ngay bây giờ sẽ “đánh” thẳng vào lợi nhuận các ngân hàng.

Nợ xấu là mối nguy cho chính các ngân hàng và cả nền kinh tế trong tương lai?

Đúng vậy, như tôi vừa chia sẻ, câu chuyện giãn hoãn nợ nếu dừng lại là các ngân hàng “ăn đòn”, còn các ông chủ ngân hàng chủ yếu lo cho “con ruột” là doanh nghiệp của mình và ngân hàng mãi chỉ là “con nuôi”.

Một vấn đề có liên quan đó là dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Bộ Tài chính cho biết, ngân sách nhà nước vẫn bội thu trong 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, thu ngân sách đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020; một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nên duy trì được mức tăng trưởng khả quan như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Điều này có nghĩa, ngân sách nhà nước đang thu được từ khối ngân hàng đến từ lãi dự thu không phải là nhỏ.

Tin bài liên quan