Thị trường tài chính 24h: Sóng tăng của nhóm ngân hàng vẫn chưa hết

Thị trường tài chính 24h: Sóng tăng của nhóm ngân hàng vẫn chưa hết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 14 điểm; Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam; Một góc nhìn về sự trở lại của "cổ phiếu vua"; Cách nhận biết thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn bong bóng; Mua cổ phiếu vua, soi kỹ sức bền lợi nhuận; Chứng khoán châu Á biến động nhẹ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/5 tăng 120.000 đồng/lượng chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,05 – 56,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 4,1 USD lên 1.880,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần lên 1.885 USD/ounce, nhưng sau đó đã yếu đi và thủng 1.880 USD/ounce, trước khi trở lại mốc này vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,16% xuống 89,87 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.160 đồng, không đổi so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.960 - 23.160 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,05 USD (+1,65%), lên 64,64 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent) tăng 1,15 USD (+1,73%), lên 67,59 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau khi tụt xuống gần 31.200 USD trong ngày hôm qua, đã hồi phục khá mạnh từ sớm hôm nay và đã ở trên 36.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hụt mốc 1.300 điểm đáng tiếc

Trong phiên sáng, diễn biến thuận lợi của thị trường khi đồng loạt bluechip đều giữ được đà tăng nhẹ, giúp VN-Index đứng vững trên 1.290 điểm.

Đà tăng tiếp tục nới rộng hơn trong phiên chiều kéo VN-Index áp sát ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, áp lực trên vùng giá cao khiến chỉ số hạ nhiệt và quay trở lại xu hướng giằng co cho đến khi đóng cửa.

Ở nhóm bluechip, CTG trở thành điểm nóng khi có thời tăng kịch trần, trước khi đóng cửa + 6,1%. Bên cạnh đó, tăng khá tốt khác như BID +2,8%, BVH +1,9%, VHM +2%, VNM +2,2%...

Nhóm bất động sản nổi sóng khi hàng loạt mã khoe sắc tím và trong trạng thái dư mua trần khá lớn như DXG, DIG, IJC, SCR, ASM…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 20,81 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 645,81 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/5: VN-Index tăng 14,05 điểm (+1,09%), lên 1.297,98 điểm; HNX-Index tăng 2,34 điểm (+0,79%), lên 300,33 điểm; UpCoM-Index tăng 1,01 điểm (+1,24%), lên 82,63 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đóng cửa trái chiều trong phiên thứ Sáu (21/5), khép lại một tuần giao dịch đầy biến động bởi những lo ngại và đồn đoán về chính sách Fed khi đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng.

Các nhà đầu tư đối mặt với các báo cáo kinh tế trái chiều. Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ do IHS Markit nghiên cứu tăng lên mức cao kỷ lục 68,1 điểm trong tháng 5.

Tuy nhiên, dữ liệu về nhà ở lại khá thất vọng. Doanh số bán nhà có sẵn giảm 2,7% trong tháng 4 (đã được điều chỉnh theo mùa), theo Hiệp hội môi giới nhà đất Mỹ.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,51%, S&P 500 giảm 0,43%, Nasdaq Composite tăng 0,31%.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Dow Jones tăng 123,69 điểm (+0,36%), lên 34.207,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,26 điểm (-0,08%), xuống 4.155,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 54,75 điểm (-0,48%), xuống 13.470,99 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, nhờ giao dịch tích cực ở nhóm cổ phiếu nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,17% lên 28.364,61 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,44% lên 1.913,04 điểm.

Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư đã có một cái nhìn tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau đà tăng của Dow Jones trên phố Wall cuối tuần trước, đó là lý do tại sao các cổ phiếu vận tải và nhà sản xuất xe hơi tăng mạnh”.

Theo đó, ngành vận tải biển tăng 5,31%, tiếp theo là ngành hàng không tăng 2,7%, với các cổ phiếu như Kawasaki Kisen tăng 7,64% và Mitsui OSK Lines tăng 4,58%, còn ANA Holdings và Japan Airlines lần lượt tăng 2,51% và 2,96%.

Nhóm cổ phiếu ô tô cũng nhích lên với Toyota Motor tăng 1,05%, trong khi Honda Motor và Nissan Motor lần lượt tăng 1,51% và 0,89%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ cổ phiếu tài chính, nhưng sự thận trọng chiếm ưu thế khi các nhà đầu tư chờ đợi các chỉ số lạm phát quan trọng của Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,31% lên 3.497,28 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,42% lên 5.155,59 điểm.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất và giá hàng hóa giảm, cũng như cuộc đàn áp tiền điện tử của Trung Quốc là điềm báo tốt cho thị trường chứng khoán, TF Securities nhận định trong một báo cáo.

Mặc dù vậy, phần lớn các nhà đầu tư đã thận trọng trước số liệu tiêu dùng cá nhân và lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Đáng chú ý là các cổ phiếu liên quan đến tiền kỹ thuật số suy yếu, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đàn áp các hoạt động khai thác và kinh doanh Bitcoin.

Theo đó, các nhà khai thác tiền điện tử, bao gồm cả Huobi Mall và BTC.TOP, đang tạm ngừng các hoạt động tại Trung Quốc sau động thái của Bắc Kinh.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các công ty vật liệu trượt dốc sau khi Trung Quốc tăng cường can thiệp vào thị trường hàng hóa.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,16% xuống 28.412,26 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,57% xuống 10.641,40 điểm.

Dẫn đầu mức giảm là chỉ số theo dõi ngành vật liệu giảm 2%, với Chalco và Zijin Mining Group Co Ltd lần lượt giảm 5,1% và 3,3%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi giới đầu tư lo ngại ảnh hưởng từ diễn biến xấu trên thị trường tiền điện tử và chờ đợi các chỉ số lạm phát quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,38% xuống 3.144,30 điểm, kéo dài chuỗi giảm điểm sang phiên thứ ba liên tiếp.

Kết thúc phiên 24/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 46,78 điểm (+0,17%), lên 28.364,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,73 điểm (+0,31%), lên 3.497,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 46,18 điểm (-0,16%), xuống 28.412,26 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 12,12 điểm (-0,38%), xuống 3.144,30 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam

Dịch bệnh xảy ra, song lượng kiều hối chảy về vẫn tăng mạnh, Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới..>> Chi tiết

- Một góc nhìn về sự trở lại của "cổ phiếu vua"

Sóng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu từ hơn một năm nay và vẫn chưa có hồi kết. Nguyên nhân vì đâu các cổ phiếu đã tăng bằng lần, vẫn chưa có điểm dừng..>> Chi tiết

- Cách nhận biết thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn bong bóng

Có cách nào để định lượng tiềm năng hình thành bong bóng thị trường chứng khoán thay vì dựa vào linh cảm và trực giác của chúng ta dựa trên dữ liệu lịch sử chắc chắn không?.>> Chi tiết

- Mua cổ phiếu vua, soi kỹ sức bền lợi nhuận

Những con số lợi nhuận quý I/2021 đã giúp nhóm cổ phiếu vua liên tục thăng hoa, song để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần xem xét kỹ sức bền lợi nhuận của mỗi ngân hàng..>> Chi tiết

- Nhà Trắng thu hẹp gói đầu tư hạ tầng về 1.700 tỷ USD

Nhà Trắng đề xuất giảm 550 tỷ USD quy mô gói đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu xuống còn 1.700 tỷ USD thông qua cắt giảm hạng mục đầu tư vào băng thông rộng và cầu đường..>> Chi tiết

Tin bài liên quan