Một góc nhìn về sự trở lại của "cổ phiếu vua"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sóng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu từ hơn một năm nay và vẫn chưa có hồi kết. Nguyên nhân vì đâu các cổ phiếu đã tăng bằng lần, vẫn chưa có điểm dừng?
Một góc nhìn về sự trở lại của "cổ phiếu vua"

Sở dĩ cổ phiếu ngân hàng trong nhiều năm qua không khởi sắc là vì lý do nợ xấu. Nguyên nhân của nợ xấu ngân hàng trong thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, năm 2008 có một đợt lãi suất huy động tăng lên 19,2%/năm, lãi suất cho vay trên 20%/năm, sau đó có hạ nhiệt với lãi suất huy động trên 10%/năm, lãi suất cho vay 14%/năm.

Tiếp đó, tới năm 2011, lại có thêm một đợt tăng lãi suất nữa, thậm chí mạnh hơn 2008. Cụ thể, lãi suất huy động lên tới 20 - 22%/năm, lãi suất cho vay 25 - 30%/năm. Lãi suất cao lại kéo trong một thời gian dài, dẫn tới các doanh nghiệp và người vay không thể chịu đựng nổi, nên không còn khả năng trả nợ. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị khai tử trong thời gian sau đó.

Thứ hai, thời gian đó, các quy chế cho vay chưa được chặt chẽ, nên đã xảy ra việc định giá tài sản không chính xác. Rất nhiều tài sản bị định giá cao hơn thực tế, chẳng hạn như một ngôi nhà trị giá 20 tỷ đồng, được định giá là 30 tỷ đồng, sau đó được cho vay 20 tỷ đồng. Chính vì vậy, người vay sau khi vay được tiền chỉ trả lãi vài tháng, sau đó không trả nữa theo kiểu coi như bán nhà cho ngân hàng. Các nhân viên ngân hàng khi làm thủ tục cho vay không đi thẩm định lại tài sản một cách cẩn thận, dẫn tới bị tranh chấp pháp lý kéo dài sau này, tốn tiền, tốn công, tốn của.

Thứ ba, việc thu hồi phát mãi tài sản là nhà ở phải qua quy trình tố tụng kéo dài và phức tạp tại tòa án: Gửi đơn kiện, tòa thụ lý đơn kiện, thông báo đến bị đơn, lấy lời khai, hòa giải, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm (thường có kháng cáo). Đại đa số các vụ án kéo dài hàng năm trời. Kể cả khi xong phần xử án, thì công tác thi hành án cũng thường mất thời gian và phức tạp.

Chính nợ xấu nên tình hình tài chính của các ngân hàng không còn khỏe mạnh, đa số sụt giảm lợi nhuận, thậm chí có nhiều ngân hàng lỗ và phải trải qua quá trình tái cơ cấu, sáp nhập, hay được mua lại 0, dẫn tới cổ phiếu bị giảm giá trong thời gian dài.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mọi thứ đã thay đổi.

Sau gần 10 năm xử lý nợ xấu rốt ráo, hiện nay, tình hình kinh doanh của các ngân hàng đã thay đổi tích cực hơn rất nhiều. Một phần nhờ các thủ tục tố tụng đã thay đổi kịp thời (trước đây nếu bị đơn bỏ trốn sẽ rất khó xử lý, bây giờ là xử vắng mặt), vấn đề định giá tài sản cũng đã bài bản, sát với thực tế thị trường.

Một phần, cũng nhờ thị trường bất động sản phát triển trở lại, giúp giá nhà, đất tăng và thanh khoản cũng tốt hơn, nên sau khi phát mại tài sản, ngân hàng thu được cả gốc lẫn lãi.

Bên cạnh đó, các chế tài đối với các lãnh đạo, nhân viên làm sai đã cụ thể rõ ràng (có nhiều lãnh đạo, nhân viên ngân hàng đi tù vì làm sai), khiến các lãnh đạo và nhân viên không dám làm bậy, nên nợ xấu cũng khó phát sinh hơn.

Ngoài ra, nguồn vốn dồi dào và rẻ hơn nhiều so với trước đây, nên lãi suất cho vay đã giảm đi nhiều, từ đó hỗ trợ được các doanh nghiệp. Được hưởng lợi từ lãi suất thấp, các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, cùng với đó là được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nên làm ăn có lợi nhuận tốt hơn so với trước đây, từ đó dễ dàng trả được nợ ngân hàng.

Vì vậy, trong năm 2020 và quý đầu năm 2021, dù trong bối cảnh Covid-19, nhưng các ngân hàng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, lợi nhuận tăng mạnh mẽ, nợ xấu được kiểm soát.

Về triển vọng, với viêc cung tiền hàng năm tăng thêm khoảng 15 - 20%, nên dư địa phát triển của ngân hàng sẽ tăng liên tục cả về quy mô và lợi nhuận trong 4 - 5 năm tới, với lợi nhuận có thể tăng gấp đôi so với hiện tại trong vài năm tới đây.

Chính điều này đã hậu thuẫn cho con sóng cổ phiếu ngân hàng kéo dài từ năm 2020 cho tới hiện nay vẫn chưa có điểm dừng.

Tin bài liên quan