Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/3 tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 420.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chiều ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã đảo chiều giảm mạnh 2,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 70,20 – 72,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng 25,7 USD/ounce lên 1.998,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng vọt lên trên 2.020 USD/ounce, trước khi hạ nhiệt về gần 2.010 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,21 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.171 đồng/USD, tăng 12 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.710 – 22.990 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về dưới 38.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và lên gần 39.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 3,32 USD (+2,78%), lên 122,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 3,63 USD (+2,95%), lên 126,84 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm hơn 25 điểm
Sau phiên sáng thu hẹp đà giảm đáng kể, thị trường bước vào phiên chiều đã quay đầu điều chỉnh với lực bán thường trực trên diện rộng khiến VN-Index lùi nhanh về 1.475 điểm và tiếp tục hạ độ cao trong phiên ATC.
Nhóm bluechip gây sức ép mạnh, với VCB -4%, MBB -3,7%, HPG -3,2%, GAS -3,1, VHM -2,1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi lên vẫn là các mã có tính đầu cơ cao như OGC, DAH, FCM, FTM, LCM, TGG, TNT, SJF, khi đều đóng cửa ở mức giá trần.
Ở chiều ngược lại, một số bị bán ồ ạt và đồng loạt giảm sàn như FRT, YEG, ACL, VOS, VIP, GIL, ASP, PET và DIG.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 32,12 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.472,83 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 8/3: VN-Index giảm 25,34 điểm (-1,69%), xuống 1.473,71 điểm; HNX-Index giảm 6,98 điểm (-1,54%), xuống 445,89 điểm; UpCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,54%), xuống 112,61 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của Phố Wall giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai (7/3), với Nasdaq Composite xác nhận đã ở trong thị trường giá xuống, do lo ngại lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trở thành hiện thực đẩy giá dầu thô tăng vọt và khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát.
Chỉ số Nasdaq kết thúc phiên này đã giảm tổng cộng 20,1% so với mức cao kỷ lục vào ngày 19/11/2021, xác nhận chỉ số nặng về công nghệ này bước vào vùng điều chỉnh. Đây là lần đầu tiên Nasdaq rơi vào tình trạng này kể từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.
Tương tự, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng rơi vào xu hướng điều chỉnh, khi đã giảm 10,8% so với mức cao kỷ lục đóng cửa ngày 4/1 vừa qua.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones giảm 797,42 điểm (-2,37%), xuống 32.817,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 127,78 điểm (-2,95%), xuống 4.201,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 482,48 điểm (-3,62%), xuống 12.820,96 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất trong 16 tháng, khi các nhà đầu tư lo ngại giá dầu và hàng hóa khác tăng cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp và làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,71% xuống 24.790,95 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 6/11/2020. Chỉ số Topix mất 1,9% xuống 1.759,86 điểm.
Giá dầu tăng hôm thứ Ba với dầu thô Brent giao sau ở mức 125 USD/thùng, thấp hơn khoảng 10% so với mức cao nhất trong 14 năm đạt được trong phiên trước.
Ikuo Mitsui, một nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities, cho biết: “Giá dầu và các hàng hóa khác tăng cao và điều đó khiến nhà đầu tư lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu và áp lực lên thu nhập doanh nghiệp”.
Tất cả 33 chỉ số phụ của ngành trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đều giảm, trong đó các nhà máy lọc dầu dẫn đầu với mức giảm 6,31%, tiếp theo là các nhà sản xuất thép, giảm 6,21%.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, sau khi chạm mức thấp nhất trong 20 tháng trong phiên trước đó, do có ít tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine, cũng như nỗi lo về lạm phát và sự bùng phát Covid-19 trong nước đè nặng lên thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 2,35% xuống 3.293,53 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 4/11/2020.
Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,01% xuống 4.265,39 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 1/7/2020.
Đà tăng của giá hàng hóa khiến cổ phiếu Tài nguyên, năng lượng, kim loại màu và than đá giảm từ 4,2% đến 5,5%.
Cổ phiếu của các cổ phiếu năng lượng mới giảm 2,2%, trong đó các phương tiện năng lượng mới giảm 3,7%.
Các nhà phát triển bất động sản giảm 3,4% trong bối cảnh nợ nần trong lĩnh vực này, và các ngân hàng mất 2,2%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức đáy trong nhiều năm, khi các cuộc đàm phán ở Ukraine có ít tiến triển, nỗi lo lạm phát và dịch Covid-19 trở nên phức tạp.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,39% xuống 20.765,87 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 8/7/2016.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,36% xuống 7.237,80 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 12/3/2009.
Đáng chú ý nhất là chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ đã giảm 3,2% xuống mức đáy mới.
Các nhà phát triển đại lục niêm yết tại Hồng Kông giảm 4,3%, trong đó, Logan Group giảm 13,2% sau khi Fitch và Moody's hạ bậc xếp hàng, với lý do số lượng lớn nợ đáo hạn trong 9 tháng tới và rủi ro tái cấp vốn gia tăng.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ở mức thấp nhất gần 6 tuần, kéo dài đợt bán tháo sang phiên thứ ba, do giá hàng hóa tăng cao làm gia tăng lo ngại về lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,91 điểm, tương đương 1,09% xuống 2.622,40 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/1.
Trong số các cổ phiếu lớn, các ông lớn ngành chip Samsung Electronics và SK Hynix giảm lần lượt 0,86% và 1,26% trong khi LG Chem giảm 2,14%.
Kết thúc phiên 8/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 430,46 điểm (-1,71%), xuống 24.790,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 79,33 điểm (-2,35%), xuống 3.293,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 291,76 điểm (-1,39%), xuống 20.765,87 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,91 điểm (-1,09%), xuống 2.622,40 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng tăng đẩy lãi suất tiết kiệm đi lên
Cầu vốn tăng trong 2 tháng đầu năm và dự báo tín dụng tiếp tục cải thiện trong những tháng tới đã đẩy lãi suất tiền gửi tiết kiệm dần tăng..>> Chi tiết
- Săn thông tin mùa đại hội
Trước bối cảnh biến động mạnh của các yếu tố bên ngoài, giới đầu tư càng mong chờ hơn những tin tức từ doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu cũng rục rịch "chạy" khi thông tin về đại hội cổ đông được hé lộ..>> Chi tiết
- Cổ phiếu phân bón “phất cờ” vì xung đột
Sau khi tạo đáy và phục hồi theo thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành phân bón đã tăng “bốc đầu” bởi hiệu ứng xung đột địa chính trị khiến nguồn cung hạn chế và giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao..>> Chi tiết
- Giá lúa mỳ tăng cao và nỗi lo an ninh lương thực do ảnh hưởng từ Ukraine
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã thúc đẩy giá lúa mì tăng cao và làm gia tăng mối lo ngại về đe dọa an ninh lương thực ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì và ngũ cốc..>> Chi tiết