Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/6 giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,60 – 68,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 53,5 USD xuống mức 1.818,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về quanh 1.845 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,03 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.089 đồng/USD, tăng 18 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 – 23.370 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 26.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và về gần 24.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,78 USD (+0,65%), lên 121,71 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,91 USD (+0,74%), lên 123,18 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index hồi phục nhẹ
Sau những khó khăn nhất định của phiên sáng thị trường bước vào phiên chiều có phần khởi sắc hơn, khi chỉ số tăng dần lên ngưỡng 1.240 điểm.
Dù vậy, tâm lý thị trường vẫn còn khá mong manh và dòng tiền vẫn đứng ngoài khiến VN-Index hết lực đẩy và rơi dần vào trạng thái rung lắc, giằng co, có thời điểm về dưới tham chiếu trước khi hồi nhẹ ở những phút cuối.
Tâm điểm là GAS, khi +6,8% và là trụ đỡ chính khi đóng góp tới hơn 4 điểm tích cực cho VN-Index. Một số cổ phiếu cũng có mức tăng khá là FPT +3,4%, PNJ +3,3%..
Trái lại, nhóm thép với HPG -4,7%, HSG nằm sàn -6,9%, NKG -5,7%, TLH -3,1%, SMC -3,2%, POM -3,5%.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng lao với APG và TVB giảm sàn, SSI -6,2% FTS -6,6%, VND -6,5%, CTS -5,9%, VCI -5,8%, HCM -5,5%, VIX -4,3%, ORS -3,6%, VDS -3,4%.
Hàng loạt các cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm mạnh và “lau sàn” như DRH, FIT, FLC, LCG, PTL, CKG, HTN, KHG, UIC, LDG, VRC, TCD...
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,88 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 360,19 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 14/6: VN-Index tăng 3,27 điểm (+0,27%), lên 1.230,31 điểm; HNX-Index tăng 1,71 điểm (+0,59%), lên 290,08 điểm; UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 90,62 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall thêm một ngày giao dịch đen tối trong phiên thứ Hai (13/6), với những lo ngại dâng cao bởi chỉ số CPI được công bố vào cuối tuần trước sẽ khiến Fed không ngần ngại tăng lãi suất mạnh hơn thông thường.
Cuối tuần qua, chỉ số CPI tháng 5 của Mỹ được thông báo đã gây sốc cho thị trường khi tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1981, trong khi con số dự báo chỉ là tăng 8,3%.
Điều này khiến không gian Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trở nên rộng mở hơn và nhiều người đã bất an, bán tháo cổ phiếu khi ngày càng có nhiều dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tuần này, cao hơn mức thông thường là 0,5%.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số Dow Jones giảm 876,05 điểm (-2,79%), xuống 30.516,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 151,23 điểm (-3,88%), xuống 3.749,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 530,80 điểm (-4,68%), xuống 10.809,23 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do lo ngại về đồng yên tiếp tục giảm và sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dự đoán rằng Fed có thể sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,32% xuống 26.629,86 điểm. Chỉ số Topix mất 1,19% xuống 1.878,45 điểm điểm.
Tokyo lo ngại về sự giảm giá mạnh của đồng yên và sẵn sàng "đáp trả thích hợp" nếu cần, người phát ngôn chính phủ hàng đầu Nhật Bản cho biết hôm thứ Hai, đưa ra một cảnh báo mới cho các thị trường.
Nhận định này lặp lại tuyên bố chung hôm thứ Sáu của chính phủ và ngân hàng trung ương, nhưng không ngăn được sự lao dốc của đồng yên xuống 135,22 yên đổi một USD, mức thấp nhất từ tháng 10/1998.
"Điều quan trọng là tỷ giá tiền tệ di chuyển theo hướng ổn định, phản ánh các yếu tố cơ bản. Nhưng gần đây đồng yên đã giảm mạnh, điều mà chúng tôi lo ngại", Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Chứng khoán Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong ba tháng, khi các nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng kinh tế nước này sẽ phục hồi với nhiều hơn chính sách hỗ trợ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,02% lên 3.288,91 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,79% lên 4.222,31 điểm.
“Lạm phát của Mỹ có tác động trực tiếp đến cổ phiếu A, như chúng ta có thể thấy từ hoạt động của thị trường trong hai ngày gần đây. Nhưng hiệu suất chứng khoán Trung Quốc cuối cùng sẽ phụ thuộc vào kỳ vọng phục hồi kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nếu các đợt tăng lãi suất mạnh hơn dẫn đến tổng cầu toàn cầu giảm đi, thì các kỳ vọng trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng”, Wang Mengying, nhà phân tích hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán tại Nanhua Futures cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi, khi nhóm cổ phiếu công nghệ phân hóa.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng không đáng kể lên 21.067,99 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,09% xuống xuống 7.333,61 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ phân hóa và giảm nhẹ 0,1%, trong đó, các mã tác động mạnh đến chỉ số là Alibaba Group giảm 2,5%, trong khi Meituan tăng 3,3%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ sáu liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, do lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn của Fed trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 11,54 điểm, tương đương 0,46% xuống 2.492,97 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 12/11/2022.
Bộ tài chính và ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính nếu biến động gia tăng.
Trong số các cổ phiếu lớn, LG Energy Solution tăng 2,77% sau khi nhà sản xuất pin công bố kế hoạch đầu tư 730 tỷ won (567,53 triệu USD) để mở rộng năng lực sản xuất.
Kết thúc phiên 14/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 357,68 điểm (-1,32%), xuống 26.629,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 33,36 điểm (+1,02%), lên 3.288,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 0,41 điểm (+0,00%), lên 21.067,99 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 11,54 điểm (-0,46%), xuống 2.492,97 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nắn dòng tín dụng chảy đúng mạch
Dòng vốn tín dụng ưu đãi lãi suất 2% tiếp tục được hướng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh kỳ vọng sẽ tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững..>> Chi tiết
- Chọn ngành và doanh nghiệp dưới góc nhìn chuyên gia
Nhiều nhà đầu tư đang bối rối trong việc tìm cơ hội đầu tư, dù định giá P/E toàn thị trường cũng như đa số mã cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn so với nhiều năm trước, cũng như so với dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022..>> Chi tiết
- Cổ phiếu ngành sản xuất vượt qua trở ngại
Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành như thủy sản, dệt may, chế biến gỗ đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước gia tăng sau dịch Covid-19..>> Chi tiết
- Thị trường vốn lành mạnh và lời hứa của Bộ trưởng
Phát triển thị trường vốn minh bạch, lành mạnh, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên là thông điệp được Bộ trưởng Tài chính khẳng định trước đại biểu Quốc hội..>> Chi tiết
- ESM: Eurozone không có nguy cơ khủng hoảng nợ do tăng lãi suất
Giám đốc quỹ cứu trợ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) cho biết bất chấp mức nợ cao ở nhiều nước Eurozone, chi phí lãi vay hiện vẫn ở mức thấp lịch sử và các khoản nợ của các nước có kỳ hạn thanh toán dài..>> Chi tiết