Ảnh Shuttestock

Ảnh Shuttestock

Thị trường tài chính 24h: Mừng hụt

(ĐTCK) Tưởng chừng với sự hỗ trợ của cặp đôi VIC-VHM, VN-Index sẽ đảo chiều thành công trong phiên đầu tuần mới, nhưng thị trường đã có phen mừng hụt, bởi sự hỗ trợ này là chưa đủ. Bên cạnh thông tin về TTCK, thị trường tài chính 24h qua còn có nhiều thông tin đáng chú ý khác.

Chứng khoán Việt Nam

Sức ép từ nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới (22/4). Tuy nhiên, VN-Index dường như đang tìm được điểm tựa tạm thời 960 điểm, nên chỉ số này nảy nhẹ trở lại khi xuống dưới ngưỡng 960 điểm cuối phiên sáng.

Sang phiên chiều, lực cầu bắt đáy nhỏ bắt đầu nhập cuộc, đặc biệt là hoạt động tích cực tới 2 mã vốn hóa lớn nhất thị trường thuộc họ nhà Vin là VIC và VHM giúp VN-Index leo thẳng lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của cặp đôi này là chưa đủ để giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm điểm trong phiên đầu tuần mới, khi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Tương tự, HNX-Index cũng nỗ lực để có sắc xanh, nhưng cuối cùng cũng gặp thất bại khi 2 mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB và VCG quay đầu giảm giá, trong đó VCG đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,35 điểm (-0,04%) xuống 965,86 điểm với 196 mã giảm, trong khi chỉ có 101 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 216,34 triệu đơn vị, tổng giá trị 4.017,45 tỷ đồng, gấp đôi về khối lượng và tăng hơn 87,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, hôm nay ghi nhận giao dịch đột biến của HNG với 69,82 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 995 tỷ đồng, đóng góp phần lớn trong 100,54 triệu đơn vị, giá trị 1.547,26 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận.

Chỉ số HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,23%) xuống 105,63 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 31,2 triệu đơn vị, giá trị 365,8 tỷ đồng, tăng 31,81% về lượng và 70,75% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt gần 6,5 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,72%) xuống 55,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,19 triệu đơn vị, giá trị 154,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần nửa triệu đơn vị, giá trị 8,22 tỷ đồng.

Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua mua ròng trở lại hơn 1,45 triệu đơn vị, giá trị 92,87 tỷ đồng, sau khi bán ròng 3,02 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 63,1 tỷ đồng trong phiên cuối tuần trước.

Cổ phiếu VIC hôm nay bị khối ngoại bán ròng hơn 14 tỷ đồng, nhưng vẫn đóng cửa tăng 1,6% lên mức cao nhất ngày 111.900 đồng/CP.

Chứng khoán thế giới

Cuối tuần qua, chứng khoán Âu, Mỹ nghỉ giao dịch lễ Phục sinh. Do thiếu vắng thông tin vì thị trường Mỹ nghỉ giao dịch cuối tuần trước, nên trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên hôm nay, các thị trường giao dịch khá ảm đạm. Chứng khoán Nhật Bản giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi với thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 12/2011.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm khá mạnh, nhất là chứng khoán Trung Quốc sau khi phát biểu của các nhà hoạch định chính sách làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh sẽ làm chậm tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ sau một số dữ liệu kinh tế tích cực vừa công bố.

Chốt phiên 22/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,34 điểm (+0,08%), lên 22.217,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 161,42 điểm (-0,54%), xuống 29.963,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 55,75 điểm (-1,70%), xuống 3.215,04 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

Giá vàng SJC mở cửa ngày hôm nay vẫn ở mức 36,23 - 36,38 triệu đồng/lượng giống như ngày cuối tuần trước. Sau đó, khoảng 2 tiếng, giá vàng SJC tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng, lên 36,25 - 36,40 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó quay đầu giảm về mức 36,20 - 36,35 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với mức cao nhất ngày và giảm 30.000 đồng/lượng so với mức giá cuối tuần trước.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mở cửa ngày đầu tuần mới ở mức 36,16 - 36,64 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Sau 1 tiếng, trong khi giá bán ra vẫn giữ ở mức 36,64 triệu đồng/lượng, thì giá mua vào lại tăng 30.000 đồng/lượng, lên 36,19 triệu đồng/lượng để thu hẹp chênh lệch. Sau đó khoảng 1 tiếng nữa, cả giá mua vào và bán ra cùng tăng thêm 20.000 đồng/lượng lên 36,21 - 36,66 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, cuối ngày, giá giảm 40.000 đồng/lượng xuống 36,17 - 36,62 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng Rồng Thăng Long lên tới 450.000 - 480.000 đồng/lượng, trong khi chênh lệch của giá vàng SJC chỉ 150.000 - 170.000 đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) lình xình trong biên độ hẹp trong phiên giao dịch hôm nay.

Trong nước, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay 22/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 22.996 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với ngày cuối tuần trước. Biên độ dao động của tỷ giá USD ở mức 22.306 - 23.686 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.200 - 23.636 đồng/USD, không đổi ở chiều mua vào, nhưng giảm nhẹ 2 đồng ở chiều bán ra.

Các thông tin đáng chú ý

Vốn ngoại: Hai con số đáng nghĩ

Giá trị mua ròng của khối ngoại trong quý I/2019 đạt 4.700 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số mua ròng 41.000 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Trong 4.700 tỷ đồng khối ngoại mua ròng của quý I, giá trị mua ròng của các quỹ ETF là 3.608 tỷ đồng, chiếm 76%.>> Chi tiết

Quỹ ngoại đẩy mạnh “đảo hàng”

Thị trường chứng khoán năm 2019 dự báo có nhiều khó khăn hơn 2018 khiến các quỹ ngoại phải đẩy mạnh tái cơ cấu để tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới. Trong bối cảnh thanh khoản, dòng tiền suy yếu, dòng tiền khối nội thận trọng, giao dịch của các quỹ ngoại sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường.>> Chi tiết

Trước thềm Đại hội, ngân hàng tự tin với kế hoạch 2019

Kinh tế vĩ mô ổn định, cộng thêm nền tảng kinh doanh vững hơn khi năm 2018 đạt kết quả kinh doanh tích cực, nhiều ngân hàng tự tin lên kế hoạch tăng trưởng cao cho năm 2019.>> Chi tiết

Bộ Công Thương tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm ván gỗ công nghiệp

Sau thép, đến lượt các doanh nghiệp sản xuất ván gỗ công nghiệp MDF trong nước có đơn lên Bộ Công thương yêu cầu điều tra bán phá giá với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam.>> Chi tiết

Kinh tế quý II đối diện nhiều thách thức

Kinh tế quý II và các quý còn lại của năm sẽ đối diện nhiều khó khăn do các yếu tố nội tại cũng như diễn biến bất định của thị trường thế giới, xu hướng suy giảm tăng trưởng của các thị trường lớn. Đây là dự báo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019.  >> Chi tiết

Tin bài liên quan