Phiên chiều 22/4: VHM và VIC giúp VN-Index lấy lại mốc 965 điểm

Phiên chiều 22/4: VHM và VIC giúp VN-Index lấy lại mốc 965 điểm

(ĐTCK) Cặp đôi lớn nhà Vin gồm VHM và VIC đóng vai trò lực đỡ chính giúp VN-Index lấy lại mốc 965 điểm bất chấp sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử cùng sự níu chân của "ông lớn" VNM.

Mặc dù thị trường đã khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần trước ngày 19/4 sau 4 phiên liên tiếp điều chỉnh, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh khiến giới đầu tư không mấy tin tưởng vào xu thế tăng đã trở lại.

Thị trường nhanh chóng trở về dưới mốc tham chiếu khi mở cửa phiên đầu tuần 22/4 do áp lực bán vẫn khá lớn, thậm chí VN-Index có thời điểm rơi xuống dưới mốc 960 điểm. Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán của HSC khi cho rằng vùng hỗ trợ quanh 860 điểm được xem là mức hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN30.

Ngay khi thủng ngưỡng kháng cự trên, lực cầu được kích hoạt giúp một số mã lớn hồi phục, đã kéo thị trường bật ngược đi lên. Tuy chưa thể lấy lại mốc tham chiếu nhưng đà giảm đã được thu hẹp đáng kể trong phiên sáng.

Lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp VN-Index tiếp tục tiến gần hơn với mốc tham chiếu và chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, thị trường đã lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá lo ngại trước những biến động khá mạnh trong thời gian gần đây trong khi lực bán thường trực khiến VN-Index thoái lui về dưới mức chốt phiên sáng.

Dù sau đó, một số bluechip và vốn hóa lớn nới rộng đà tăng giúp thị trường có cơ hội khởi sắc trở lại nhưng sự níu chân của VNM cùng sắc đỏ chiếm áp đảo khiến VN-Index chưa thể thoát khỏi phiên giảm nhẹ. Điều đáng nói trong phiên hôm nay là thanh khoản thị trường đã được cải thiện tích cực.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 196 mã giảm và 101 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,35 điểm (-0,04%) xuống 965,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 216,34 triệu đơn vị, tổng giá trị 4.017,45 tỷ đồng, gấp đôi về khối lượng và tăng hơn 87,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 100,54 triệu đơn vị, giá trị 1.547,26 tỷ đồng, trong đó riêng HNG thỏa thuận 69,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 995 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX cũng cố gắng lấy lại mốc tham chiếu nhưng bất thành do lực bán vẫn khá lớn.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,23%) xuống 105,63 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 31,2 triệu đơn vị, giá trị 365,8 tỷ đồng, tăng 31,81% về lượng và 70,75% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt gần 6,5 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn nhà Vin đã có đóng góp tích cực giúp thị trường tiến sát mốc tham chiếu khi kết phiên, đó là VHM tăng 1,1% lên mức cao nhất ngày 90.000 đồng/CP, VIC cũng tăng 1,6% lên mức cao nhất ngày 111.900 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã bluechip cũng đã đảo chiều hồi phục như HPG, MWG, hay nới rộng đà tăng như GAS tăng 2,3% lên 108.600 đồng/CP, SAB tăng 1% lên 243.000 đồng/CP…

Trong khi đó, dòng bank vẫn giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu. Đáng kể, “ông lớn” VNM tiếp tục là nhân tố chính cản trở thị trường khi giảm 2,6% xuống mức 129.600 đồng/CP nhưng giao dịch khá sôi động với khối lượng khớp 1,42 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ROS có thu hẹp đà giảm chút ít với mức giảm 1,6% và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 31.000 đồng/CP nhưng vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường đạt hơn 9 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo, FLC giảm 1,8% xuống 4.800 đồng/CP và khớp hơn 6 triệu đơn vị; AAA giảm 3,6% xuống 17.400 đồng/CP và khớp 3,63 triệu đơn vị…

Bên cạnh PPI và VHG tiếp tục tăng trần, một số mã nhỏ khác cũng kết phiên trong sắc tím như FDC, LCM, HTT, TDH…

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có ACB giảm 1% xuống 29.300 đồng/CP, VCS giảm 2,9% xuống 64.200 đồng/CP, VCG giảm 1,5% xuống 26.200 đồng/CP.

Trái lại, DGC tăng 4,2% lên 37.500 đồng/CP, PVI tăng 3,7% lên 41.800 đồng/CP, PVS tăng 2,2% lên 22.800 đồng/CP. Còn SHB, VGC, PHP, DL1 đều đứng giá tham chiếu. Trong đó, PVS là mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp 3,25 triệu đơn vị, tiếp theo là SHB khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, các mã vừa và nhỏ tiếp tục là điểm nhấn của thị trường với cánh đồng tím lan rộng với sự góp mặt của KVC, DPS, TIG, BII, DCS, PVV, PVL, HKB…

Trên UPCoM, giao dịch không có gì biến chuyển.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,72%) xuống 55,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,19 triệu đơn vị, giá trị 154,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần nửa triệu đơn vị, giá trị 8,22 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã khởi sắc với mức tăng nhẹ 1,56% lên 13.000 đồng/CP và vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 1,23 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo, SBS đạt 706.900 đơn vị, HVN với 652.800 đơn vị, LPB vpwos 647.500 đơn vị…

Tin bài liên quan