VN-Index điều chỉnh
Ngay khi mở cửa, VN-Index đã giảm điểm do áp lực chốt lời xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ số cũng nhanh chóng hồi phục khi lực cầu gia tăng và động lực chính vẫn là nhóm ngân hàng.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, chỉ một mình nhóm ngân hàng là chưa đủ để nâng đỡ thị trường trước mức 1.130 điểm.
Điều này một lần nữa thể hiện trong phiên giao chiều khi áp lực bán ồ ạt khiến VN-Index rơi thẳng về mốc 1.110 điểm. Điểm tích cực là sức cầu thị trường vẫn rất tốt, giúp VN-Index hãm bớt đáng kể đà rơi.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hỗ trợ và "cứu vớt" VN-Index trong những phiên gần đây bị chốt lời mạnh và đồng loạt quay đầu giảm.
CTG (-2,7%, xuống 32.700 đồng), VCB (-3,1%, xuống 71.500 đồng), BID (-3,1%, xuống 37.800 đồng), MBB (-1,5%, xuống 33.900 đồng), STB (-2,2%, xuống 15.750 đồng), HDB (-1%, xuống 43.950 đồng), VPB (-0,7%, xuống 59.200 đồng) và EIB (-1,3%, xuống 15.300 đồng).
Các trụ đỡ khác như chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng... duy trì khá tốt đà tăng để hỗ trợ chỉ số.
HPG, HSG, NVL, ROS... cũng tăng tương đối mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, với lượng khớp từ 1-6 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường đa phần giữ sắc đỏ, trong đó có FLC, KBC, IDI, DXG, HNG, ITA, ASM, HAI, GTN, QCG, OGC, DLG... FLC khớp lệnh cao nhất nhóm, đạt 4,2 triệu đơn vị.
VHG có phiên giảm giảm sàn thứ 3 liên tiếp về 900 đồng, khớp lệnh 1,892 triệu đơn vị. Ngược lại, các mã HAR, DRH, VOS, NVT, CDO... tăng trần, riêng HAR khớp lệnh 3,3 triệu đơn vị.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 3,8 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 167,13 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 1,25 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 31,11 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 3,95 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 115,46 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/3: VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,51%), xuống 1.115,79 điểm; HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,74%), xuống 127,1 điểm; UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,45%), xuống 59,82 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 9.451 tỷ đồng.Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Dù lấy lại sự ổn định tâm lý sau tuyên bố hôm thứ Ba của tân Chủ tịch Fed Jerome Powell về khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm nay khi triển vọng kinh tế sáng sủa và lạm phát đang có áp lực gia tăng, nhưng phố Wall không thể đảo chiều, mà bị bán mạnh về cuối phiên.
Một lần nữa, nhà đầu tư vẫn chưa thể “tiêu hóa” hết nỗi lo về khả năng Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, cùng với nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc khiến phố Wall tiếp tục có phiên giảm mạnh.
Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng 1,26, lên mức 19,85 điểm, mức cao nhất trong 1 tuần.
Trong tháng 2, Dow Jones giảm 4,02%, S&P 500 giảm 3,89% và Nasdaq giảm 1,87%. Như vậy, Dow Jones và S&P 500 đã chấm dứt chuỗi 10 tháng tăng liên tiếp, chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 11/1959.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 380,83 điểm (-1,50%), xuống 25.029,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,45 điểm (-1,11%), xuống 2.713,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,35 (-0,78%), xuống 7.273,01 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm, đóng cửa ở mức thấp gần 2 tuần khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi phố Wall và đồng euro yếu kém.
Chỉ số Nikkei 255 kết thúc giảm 1,6% xuống 21.724,47 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/2.
Tâm lý nhà đầu tư bị sụt giảm sau khi 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 trên phố Wall phiên đêm qua chấm dứt 10 tháng tăng liên, cùng với đó là những lo ngại về sức mạnh của đồng yên so với đồng euro.
Đồng Euro giảm xuống mức 129,86 yên/Euro, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9 sau khi dữ liệu lạm phát tự do trong khu vực đồng euro đã làm giảm kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ quay lại chính sách kích cầu của mình.
Các nhà sản xuất thiết bị độ chính xác cao như Omron Corp và Terumo Corp, lần lượt giảm 2,2% và 2,8%.
Các nhà xuất khẩu khác cũng bị bán, với Toyota Motor giảm 2,1% và Keyence giảm 2,1%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trở lại, thu hẹp lại những mất mát của phiên ngày hôm qua.
Tâm lý cũng được củng cố bởi kỳ vọng Bắc Kinh có xu hướng duy trì sự ổn định trong thị trường tài chính trước các sự kiện chính trị quan trọng.
Shanghai Composite đóng cửa tăng 0,4% lên 3.273,75 điểm. Trong khi chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,6% lên 4.049,09 điểm.
Tăng trưởng trong khu vực sản xuất của Trung Quốc đột ngột tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng vào tháng 2 khi các nhà máy xả hàng từ các kho dự trữ để đáp ứng các đơn hàng mới, trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ tết kéo dài trước đó.
Phản ứng của thị trường cũng không bị ảnh hưởng khi có báo cáo rằng Chủ tịch của CEFC Trung Quốc, ông Ye Jianming đã bị chính quyền điều tra.
Ông Yan Kaiwen, một nhà phân tích của China Fortune, cho biết: "Tâm lý thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng lên, các nhà đầu tư sẽ không bận tâm quá nhiều đến các thông tin không mấy tích cực từ những tập đoàn lớn như Anbang và CEFC, do tác động trực tiếp lên thị trường cổ phiếu loại A rất hạn chế”.
Nhưng liên quan đến của CEFC, cổ phiếu An Huy International Holding đã có thời điểm giảm sàn 10%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014 trước khi phục hồi nhẹ và chốt phiên chỉ còn giảm 4,5%.
Còn lại, hầu hết các ngành đều tăng điểm, dẫn đầu là các công ty chăm sóc sức khoẻ và tiêu dùng.
Chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại, với tâm lý hưng phấn của giới đầu tư sau khi số liệu trong khu vực sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh.
Hang Seng-Index đóng cửa tăng 0,65%, lên 31.044,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises, tăng 0,38%, lên 12.428,88 điểm.
Stanley Chan, Giám đốc nghiên cứu của CTCK Hoàng Gia, nói: "Chứng khoán Hồng Kông đang theo mô hình của thị trường Trung Quốc, khi các nhà đầu tư luân chuyển khỏi lĩnh vực truyền thống như nhóm vốn hóa lớn sang nhóm cổ phiếu công nghệ và các công ty nhỏ khác".
Trong phiên, Tencent Holdings tăng 3,42% lên 447 HKD/cổ phiếu, đóng góp 105 điểm tích cực cho chỉ số chuẩn.
ASM Pacific Technology tăng 5,6% lên 118,80 HKD/cổ phiếu sau khi công ty sản xuất thiết bị bán dẫn công bố lợi nhuận ròng tăng 92,3% lên 2,815 tỷ HKD (360 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2017.
Wharf Holdings tăng 2,05% và Country Garden Holdings tăng 1,7%.
Trong khi đó, WH Group giảm 1,03%. Các cổ phiếu liên quan đến dầu mỏ cũng sụt giảm với PetroChina giảm 1,27%, CNOOC giảm 1,23% và Sinopec giảm 0,32%.
Kết thúc phiên 1/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 347,77 điểm (-1,56%), xuống 21.724,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 199,53 điểm (+0,65%), lên 31.044,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,35 điểm (+0,44%), lên 3.273,76 điểm.
- Vàng SJC giảm mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.800 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 150.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,51 - 36,71 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 10.000 đồng/lượng chiều bán ra so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.473 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 - 22.780 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Làm thế nào để tránh rủi ro khi gửi tiết kiệm?
Vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank - Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã khiến nhiều ngân hàng phải giật mình..>> Chi tiết
- Đại hội đồng cổ đông 2018: Tâm tư của cổ đông ngoại
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2018 đang cận kề, nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng, họ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi tham gia cuộc họp quan trọng nhất trong năm tại doanh nghiệp, mà trước hết là câu chuyện về ngôn ngữ..>> Chi tiết
- “Làm mới” thị trường chứng khoán thời 4.0
Thể hiện sự sâu sát trong chỉ đạo ở tầm Chính phủ đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 trước ngày 15/3/2018..>> Chi tiết
- Cần thêm không gian cho các quỹ gọi vốn
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam VFM cho rằng, dù đã tăng trưởng mạnh trong năm 2017, nhưng quy mô của các quỹ vẫn chưa tương xứng với quy mô của thị trường chứng khoán..>> Chi tiết
- Tính hai mặt khi chuyển quyền nhãn hiệu
Lợi ích từ chuyển quyền nhãn hiệu để kinh doanh là lớn đối với cả hai phía thuê và cho thuê, song rủi ro tiềm ẩn cũng không hề nhỏ, khi quy định pháp luật về vấn đề này thuộc lĩnh vực chuyên biệt..>> Chi tiết
- Tỷ phú đôla người Việt: Mua 100 máy bay, thâu tóm doanh nghiệp Mỹ
Giấc mơ vươn tầm thế giới của doanh nhân, doanh nghiệp Việt giờ đây không còn là điều xa vời nữa, mà đã trở thành hiện thực. Năm 2017 và dự kiến 2018 là thời điểm bứt phá ngoạn mục của các doanh nhân Việt ra trường quốc tế..>> Chi tiết