Gửi tiền tiết kiệm, cách tốt nhất là thực hiện tại quầy giao dịch

Gửi tiền tiết kiệm, cách tốt nhất là thực hiện tại quầy giao dịch

Làm thế nào để tránh rủi ro khi gửi tiết kiệm?

(ĐTCK) Vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank - Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã khiến nhiều ngân hàng phải giật mình.

Nếu bạn là khách hàng thông thường, việc gửi tiền tiết kiệm bằng tiền mặt khá đơn giản, đó là đến một quầy giao dịch nộp tiền, ngân hàng sẽ xuất cho bạn một cuốn sổ, đến hạn bạn đi lĩnh tiền lãi và gốc. Nếu bạn gửi tiết kiệm online, quy trình cũng vậy, nộp tiền vào ngân hàng sẽ nhận được giấy biên nhận và tài khoản tiết kiệm online sẽ thể hiện số dư tăng thêm.

Còn nếu bạn là khách VIP? Ngân hàng không chỉ bố trí bàn riêng cho bạn giao dịch, hoặc thậm chí cả phòng giao dịch riêng cho khách VIP, mà không ít ngân hàng còn cử nhân viên tới tận phòng làm việc hoặc tận nhà để làm thủ tục nhận tiền gửi cho bạn. Có một kẽ hở ở đây và việc chăm sóc chu đáo có thể là lý do quan trọng cho nhiều vụ việc mất tiền của khách khi nhân viên ngân hàng cố ý làm trái.

Tránh mất tiền

Ngay sau Tết Mậu Tuất, thị trường tài chính “chấn động” trước vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank - Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình - khách hàng VIP của ngân hàng này.

Câu chuyện thậm chí còn được liên tưởng đến “lỗ hổng” trong quản trị, kiểm soát rủi ro của một số ngân hàng..., bởi trước đó, hàng loạt vụ mất tiền tương tự với khách hàng VIP cũng đã xảy ra như vụ bà Phương Anh (Đà Lạt) báo mất 32 tỷ đồng ở Ngân hàng B... và xa hơn là vụ án "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như làm giả chứng từ, chiếm đoạn hàng trăm tỷ đồng của nhiều khách hàng gửi tiền.

Đặc điểm chung ở đây đều là khách VIP, có lượng tiền gửi lớn, không ít khách hàng gửi tiền chỉ ở nhà gọi điện thoại đến ngân hàng và yêu cầu được nhân viên ngân hàng đến nhà nhận tiền gửi, trao sổ tiết kiệm tại nhà.

Làm thế nào để tránh rủi ro khi gửi tiết kiệm? ảnh 1

Điều này cũng được ngân hàng sẵn sàng đáp ứng, vì cạnh tranh trong huy động tiền gửi tiết kiệm ngày một gay gắt nên việc chăm sóc khách hàng, nhất là các VIP, luôn được thực hiện một cách chu đáo. Chỉ cần có nhu cầu, phía ngân hàng sẽ điều cán bộ tới tận nhà khách hàng để giao dịch tại chỗ.

Không có camera giám sát, không có nhiều người chứng kiến, việc nộp tiền lại cho một cá nhân mà sau đó khi về ngân hàng mới làm các thủ tục nhập tiền theo quy định chính là kẽ hở cho khoản tiền “biến mất” trên đường về theo một cách thức nào đó.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là khách hàng nên đến ngân hàng để giao dịch. Hiện tại, một số ngân hàng lớn, các khâu làm thủ tục gửi tiền như giao dịch viên tiếp nhận thông tin của khách gửi tiền - nộp tiền cho kho quỹ - nhận sổ tiết kiệm được thực hiện ở ba quầy khác nhau, với quy trình qua ba người độc lập nên có độ an toàn cao hơn.

Có một lựa chọn khác, đó là gửi tiết kiệm online (bản chất vẫn giống như gửi gửi tiết kiệm thông thường), nhưng khi nộp tiền vào tài khoản tiết kiệm online, hệ thống sẽ gửi tin qua điện thoại xác thực số dư và đó cũng là bằng chứng đã nộp tiền cho ngân hàng.

Đồng thời, sau khi có sổ tiết kiệm, người gửi cũng nên kiểm tra thông tin một lần nữa trên hệ thống internet banking để đối chiếu xem có đúng số tiền hay không.

Vì thực tế, trên thị trường đã từng xảy ra trường hợp người gửi tiền vì muốn được trả thêm lãi suất ngoài, tin tưởng giao dịch viên nên đã đưa tiền cho giao dịch viên làm sổ tiết kiệm, dẫn đến chuyện giao dịch viên lấy phôi thật làm sổ giả, tiền không nộp vào ngân hàng, khiến khách bị mất tiền...

LS-TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, từ nhiều năm nay, hàng loạt ngân hàng đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền hàng tỷ, hàng chục tỷ hoặc hàng trăm tỷ đồng.

Theo đó, khách VIP thường không đến quầy ngân hàng để giao dịch để tránh mất thời gian, mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền...

Nhưng đây cũng chính là khẽ hỡ tạo ra rủi ro cho người gửi tiền và cả ngân hàng. Có những rủi ro đến từ những vấn đề pháp lý trong giao dịch khách hàng như ủy quyền, quyết định, đại diện, chữ ký...

Trong khi đó, HĐQT, ban tổng giám đốc các ngân hàng có phần lơ là trong việc giám sát, phòng chống rủi ro trong giao dịch tiền gửi. Từ đó, một số cán bộ nhà băng lợi dụng kẽ hở này, sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, trong đó điển hình nhất là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như của VietinBank lừa hàng nghìn tỷ đồng và mới nhất là ông Lê Nguyễn Hưng của Eximbank…

Bằng cách nào?

Nhìn ở góc độ quản trị ngân hàng, đây rõ ràng là lỗi chủ quan vì “rủi ro đạo đức” - một trong số các rủi ro trọng yếu của bất kỳ ngân hàng nào. Qua tất cả những vụ việc nêu trên cho thấy, sai phạm cố ý của chính cán bộ ngân hàng là một nguyên nhân thường trực gây nên hậu quả rủi ro từ các giao dịch
tiền gửi.

Vì thế, theo LS-TS. Bùi Quang Tín, các ngân hàng không thể lơ là yếu tố này và chỉ có thẳng thắn nhìn nhận đây là một nguy cơ tiềm ẩn, thì việc quản lý rủi ro mới có hiệu quả. Ngoài ra, trong những vụ việc mất tiền trên, cũng có phần chủ quan của khách hàng VIP khi giao phó toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng hoặc cứ ký khống giấy tờ.

Với việc phục vụ khách hàng VIP, ngân hàng thường yêu cầu có 2-3 nhân viên cùng đi, cũng là một hình thức giám sát chéo, nhưng không ít khách VIP vì chủ quan hoặc quá tin tưởng nên chỉ giao tiền cho một người và cũng không gọi điện lên ngân hàng yêu cầu cử cán bộ, mà khi có nhu cầu lại gọi trực tiếp số điện thoại cá nhân của nhân viên ngân hàng.

Một điểm đáng chú ý khác là khách hàng tuyệt đối không nên ký sẵn chứng từ chưa có nội dung. Cụ thể, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào, khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng. Nguyên nhân, tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.

Với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau. 

Để nhận tin nhắn khi gửi tiền, khách hàng nên đăng ký dịch vụ thông báo SMS khi có biến động tài khoản. Ngoài ra, khi nhận được các sao kê tài khoản qua email, khách hàng không nên bỏ qua, mà cần đọc để kiểm tra. Các sao kê tài khoản, sao kê thẻ… đều thể hiện chi tiêu hoặc biến động số dư tài khoản trong tháng.

Đặc biệt, khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Đã có không ít cảnh báo về việc các đối tượng xấu lập giả trang web ngân hàng để lừa khách hàng khai báo thông tin cá nhân, sau đó trục lợi.

Tin bài liên quan