Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 17/3 giảm 600.000 đồng/lượng chiều mua vào 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 45,00 – 45,92 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 20,4 USD xuống 1.509,5 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã tiếp tục yếu đi và về gần 1.471 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,89% lên 98,94 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.227 đồng, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.170 - 23.310 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,58 USD (+2,02%), lên 29,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,17 USD (+0,54%), lên 31,86 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index thu hẹp đà giảm đáng kể
Trong phiên sáng, việc nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền hướng đến nhóm cổ phiếu nhỏ đã tiếp sức cho thị trường, VN-Index theo đó leo về gần tới tham chiếu.
Sang phiên chiều, dòng tiền dịch chuyển nhiều hơn vào các bluechip, nhờ đó VN-Index có thời điểm xanh trở lại, nhưng áp lực trong phiên ATC đã kéo chỉ số giảm điểm nhẹ khi đóng cửa.
Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu lớn vẫn giảm khá sâu như VRE giảm sàn -6,8%; VIC -4,3%; VHM -2,7%; SAB -5,9%.
Nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ tới 31 mã tăng trần như DLG, HQC, HAI, FIT, AMD, TSC… với thanh khoản cao và dư mua trần hàng triệu đơn vị.
Đáng chú ý, trong số các mã tăng trần khác còn có những cái tên như SSI, HCM, PLX, GEX, NTL….
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 27,26 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 585,56 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 17/3: VN-Index giảm 2,08 điểm (-0,2%) về 745,78 điểm; HNX-Index tăng 1,1 điểm (+1,1%) lên 100,72 điểm; UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,33%), lên 50,15 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Việc Fed đưa ra quyết định một cách đột ngột với mức cắt giảm lãi suất kỷ lục mà không đợt đến các cuộc họp định kỳ khiến giới đầu tư cảm nhận thấy có gì đó bất thường của nền kinh tế.
Giới đầu tư sợ hãi nền kinh tế Mỹ có thể tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, giới đầu tư đã tháo chạy khỏi các thị trường có tính rủi ro cao như chứng khoán, đầy phố Wall có phiên giảm điểm lịch sử trong phiên đầu tuần mới (16/3).
Với mức giảm gần 12%, chỉ số S&P 500 chứng kiến phiên giảm điểm mạnh thứ 3 trong lịch sử chỉ sau phiên “thứ Hai đen” 1987 và phiên sụp đổ tháng 10/1929. Mức đóng cửa trong phiên đầu tuần của S&P cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones giảm 2.997,10 điểm (-12,93%), xuống 20.188,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 324,89 điểm (-11,98%), xuống 2.386,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 970,28 điểm (-12,32%), xuống 6.904,59 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ, khi giới đầu tư bỏ qua hiện tượng tạm ngắt giao dịch của phố Wall đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,06% lên 17.011,53 điểm. chỉ số Topix rộng tăng 2,6% lên1.268,46 điểm.
Tâm trạng giới đầu tư rất tỉnh táo khi Phố Wall chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987, nhưng hy vọng rằng Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) sẽ mua thêm quỹ giao dịch trao đổi (ETF) đã hỗ trợ thị trường chung, các nhà phân tích cho biết.
BOJ đã cam kết vào thứ Hai để mua vào tài sàn tại quỹ ETFs với tốc độ hàng năm lên tới 12 nghìn tỷ yên (113 tỷ USD), gấp đôi mục tiêu hàng năm trước đó, cho đến khi thị trường ổn định.
Khi ngày càng có nhiều người ở nhà để làm chậm sự lây lan của virus corona, các công ty trò chơi và nhà sản xuất thực phẩm đã tỏa sáng, với Nintendo Co Ltd tăng 5,9%, còn Nichirei Corp và Yamazaki Baking Co Ltd tăng lần lượt 3,7% và 9,9%.
Trái lại, công ty dầu khí hàng đầu Nhật Bản Inpex Corp đã giảm 4,4% sau khi giá dầu thô giảm xuống dưới 30 USD/thùng vào thứ Hai.
Chứng khoán Trung Quốc giảm theo chân nhiều thị trường toàn cầu, khi tâm lý nhà đầu tư vẫn rất mong manh sau khi các nỗ lực phối hợp của các ngân hàng trung ương không thể làm giảm nỗi lo về tác động của dịch Covid-19.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,34% xuống 2.779,64 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip mất 0,49% xuống 3.709,68 điểm.
"Không có nhiều tin tức từ Đại lục. Chứng khoán Mỹ không ổn định. Mặc dù hiện tại chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng bầu không khí lo lắng của thị trường vẫn là một trong những cảnh báo", Steven Leung, Giám đốc điều hành tại UOB Kay Hian lưu ý.
"Chúng tôi khuyên các nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu ổn định ở các thị trường lân cận và chú ý đến những thay đổi trong chính sách, vốn (thanh khoản) và thị trường bên ngoài", Zhang Gang, nhà phân tích tại Central China Securities cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại, khi giới đầu tư bắt đáy mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,87% lên 23.263,73 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,12% xuống 9.216,17 điểm.
Hồng Kông sẽ cách ly trong 14 ngày tất cả mọi người vào thành phố bắt đầu từ nửa đêm ngày thứ Năm để ngăn chặn sự lây lan của viru corna, nhà lãnh đạo Carrie Lam cho biết hôm thứ Ba. Chính quyền Thành phố cũng khuyên công dân tránh tất cả các chuyến đi không cần thiết.
Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục trượt dài, khi có tin nước này phát hiện thêm một ổ dịch Covid-19 mới.
Kết thúc phiên 17/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 9,49 điểm (+0,06%), lên 17.011,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,61 điểm (-0,34%), xuống 2.779,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 200,16 điểm (+0,87%), lên 23.263,73 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 42,42 điểm (-2,47%), xuống 1.672,44 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Chuyên gia Bùi Quang Tín: Mức độ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với chỉ số lạm phát
Nhận xét về động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, TS. Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tác động của chính sách hạ lãi suất tới doanh nghiệp cần thêm độ trễ..>> Chi tiết
- Tuần tới sẽ giảm giá 4 loại dịch vụ chứng khoán, nhà quản lý hạn chế tối đa các can thiệp hành chính
Tuần tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn, để cụ thể hóa việc giảm giá, chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, với TTCK Việt Nam..>> Chi tiết
- Ngóng chờ T+0
Dù đã được bàn tính từ lâu, nhưng đến nay, thời gian cụ thể đạt được bước tiến lên T+0 vẫn là một ẩn số..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp không dễ phục hồi như giá chứng khoán
Thực tế, sức càn quét của Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế là điều sớm được sự báo. Song với không ít doanh nghiệp, điều này đang diễn ra một cách nhanh chóng ngoài sức kiểm soát..>> Chi tiết
- Fed “lấy thân chèn bánh pháo”, cứu thị trường trái phiếu Mỹ
Trong bối cảnh các thị trường tài chính hỗn loạn, trong đó có trái phiếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có những bước đi bất ngờ, “đầy kịch tính”, nhưng như vậy liệu đã đủ?..>> Chi tiết