Fed “không tiếc gì” với thị trường trái phiếu
Ở Mỹ, thị trường chứng khoán được chú ý tới nhiều, nhưng thị trường này còn xa mới đạt quy mô thị trường trái phiếu.
Fed đã có một bước tiến mạnh nhằm bình ổn các thị trường tài chính và nỗ lực khôi phục sự tự tin của giới đầu tư không chỉ trên thị trường chứng khoán mà trọng tâm là thị trường trái phiếu Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất và quan trọng bậc nhất trên toàn cầu.
Theo đó, Fed mở rộng hơn các chương trình mua vào trái phiếu, bắt đầu bằng việc mua 37 tỷ USD trái phiếu phiên giao dịch cuối tuần trước, tiếp tục mua thêm 80 tỷ USD cho tới tháng 4. Cam kết sẽ mua ít nhất 700 tỷ USD trên thị trường trái phiếu.
“Các chương trình mua trái phiếu có dụng ý rõ ràng trong việc kiểm soát các biến động mạnh, bất thường tại thị trường trái phiếu có liên quan tới rủi ro xuất phát từ dịch Covid-19 bùng phát”, Fed New York cho biết.
Vậy nhưng, diễn biến trên thị trường trái phiếu vẫn không thuận chiều như thông thường. Cụ thể, khi thị trường chứng khoán xuống dốc, nhà đầu tư sẽ tìm tới các tài sản an toàn, trong đó được ưa chuộng nhất là trái phiếu. Do nhu cầu gia tăng, giá trái phiếu sẽ theo hướng leo dốc, và lợi suất trái phiếu sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, diễn biến hiện tại ngược lại. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 0,9%/năm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/3), mức cao nhất kể từ ngày 5/3.
Guy LeBas, chiến lược gia trưởng thị trường tài sản mang lại thu nhập cố định (fixed income) cho rằng, nhiều nhà băng lớn đang nắm giữ khối lượng trái phiếu khổng lồ. Nhóm này muốn bán bớt trái phiếu để có thêm tiền mặt ủng hộ trái phiếu doanh nghiệp của các khách hàng lâu năm. Điều này khiến thị trường không có đủ người mua, đẩy lợi suất trái phiếu đi lên, đồng thời giá trái phiếu giảm.
Tất nhiên, Fed hiểu rõ điều này và đã “không tiếc thân mình chèn bánh pháo”, không để thị trường xuống dốc thêm nữa. Cụ thể, Fed công bố một chương trình cho vay ngắn hạn giá trị lớn nhằm giúp giao dịch trên thị trường trái phiếu “êm ả” hơn.
Cụ thể, thông qua Fed New York, cơ quan này cung cấp ít nhất 1.500 tỷ USD giúp các nhà băng muốn đổi trái phiếu ngắn hạn sang tiền mặt trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước và thêm 500 tỷ USD trong phiên thứ Hai (16/3). Chương trình hoán đổi này sẽ được bơm thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi tuần sau đó.
Chưa kể, Fed cho biết, cơ quan này sẽ mở rộng hơn chương trình mua trái phiếu, vốn đã được thực hiện từ cuối năm ngoái, từ việc chỉ mua trái phiếu ngắn hạn sang mọi loại kỳ hạn, bao gồm cả trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm.
Thị trường trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tác động tới kinh tế vĩ mô, bởi nó ảnh hưởng tới lãi suất cho vay mua nhà, thẻ tín dụng, cũng như các loại lãi suất khác ở trong hay ngoài nước Mỹ. Nhà đầu tư tự tin rằng chính phủ Mỹ không bao giờ vỡ nợ trái phiếu, nên trái phiếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới được sử dụng để định giá nhiều loại tài sản; khiến thị trường trái phiếu Mỹ trở thành thị trường nợ lớn nhất thế giới.
Chỉ số đo lường tính bất ổn của trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008
Vẫn chưa đủ
Bất chấp nỗ lực của Fed, giới đầu tư “ngập ngụa” trong hoảng sợ với nhận định đại dịch toàn cầu sẽ quét sạch tăng trưởng kinh tế, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, khiến các doanh nghiệp đối diện rủi ro tín dụng, hoặc phá sản.
Các thành viên thị trường trái phiếu thức dậy trong phiên đầu tuần và chứng kiến đường cong lợi suất của mọi loại trái phiếu ở dưới mức 1%/năm lần đầu tiên trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm xuống còn 0,6987%, mức giảm lớn nhất trong 1 ngày từ trước tới nay và nhà đầu tư dự báo, con số này sẽ sớm xuống mức 0%.
Nhưng tới phiên thứ Ba, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng lên mức 1,3236%, tương đương tăng 63 điểm cơ bản so với chỉ 36 giờ trước đó. Cả biến động lên và xuống đều dữ dội ở mức chưa từng có trong lịch sử với loại sản phẩm này kể từ khi ra mắt vào những năm 1970 tới nay. Trái phiếu không phải loại sản phẩm đầu tư với diễn biến mạnh mẽ như vậy.
Mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn khi nhà đầu tư nhận ra, thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang đối diện với tình trạng thanh khoản tệ nhất kể từ năm 2008. Mà một trong những nguyên nhân là nhà đầu tư không còn xem đây là nơi trú ẩn an toàn như mọi khi. Fed đã hết mình cứu thị trường, nhưng diễn biến trên cho thấy, nỗ lực này chưa đủ.
“Những gì Fed đã làm vẫn chưa đủ, họ cần có đối tác. Fed không thể làm chuyện này một mình”, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton nhận định.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã đồng loạt hạ lãi suất, bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để chống trả khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dịch covid-19 lại là một “thảm hoạ” hoàn toàn khác. Đây là lý do không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương lớn khác tại châu Âu, Canada, Anh, Nhật Bản… đều cần góp mặt