Thị trường tài chính 24h: Giới đầu tư châu Á bán tháo cổ phiếu

Thị trường tài chính 24h: Giới đầu tư châu Á bán tháo cổ phiếu

(ĐTCK) VN-Index lao dốc mạnh xuống dưới 975 điểm; M&A ngân hàng: Vốn ngoại đang chờ; Fed lỏng tay, nhưng tiền không dễ chảy vào chứng khoán; Phái sinh: Duy trì nhịp tăng nhẹ;  Góc khác của cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán; Giới đầu tư châu Á bán tháo cổ phiếu; Giá trị ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc bốc hơi 11 tỷ USD...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index giảm gần 18 điểm

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán quốc tế, chứng khoán trong nước phiên sáng cũng với gam màu xám với việc thủng ngưỡng kháng cự 985 điểm không lâu sau khi mở cửa, với nhóm bluechip đóng vai trò là tác nhân chính.

Bước sang phiên chiều, diễn biến càng tiêu cực hơn với bên bán tiếp tục áp đảo, VN-Index tiếp tục thủng luôn 2 ngưỡng điểm 980 và 975 với gánh nặng lớn đến từ bộ 3 nhà Vin.

Ngay khi để thủng 975 điểm, lực cầu bắt đáy xuất hiện. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trước áp lực bán xối xả khiến VN-Index tiếp tục chìm sâu hơn trong đợt khớp ATC.

Cổ phiếu họ Vin đều xác lập mức giá thấp nhất như VHM -5,54%, VIC -3,67%, VRE -3,45%.

Các mã vốn hóa lớn khác cũng nới rộng biên độ giảm như VNM -1,61%, MSN -2,78%, GAS -1,89%, PLX -2,92%.

Cổ phiếu vừa được quay trở lại với rổ VN30 là BVH cũng đã đón nhận phiên tiêu cực khi -5,3%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường đáng chú ý có HAG +4,77%, ITA +2,59% và GAB+ 6,8%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 9,83 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 286,27 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/8: VN-Index giảm 17,95 điểm (-1,81%), xuống 973,15 điểm; HNX-Index giảm 0,78 điểm (-0,75%), xuống 102,93 điểm; UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,35%), xuống 58,37 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư lo lắng viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại.

Hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra, nhất là ở nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn rất nhạy cảm với chiến tranh thương mại.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu công bố bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tháng trước có thêm 164.000 việc làm, phù hợp với dự báo.

Với 3 phiên lao dốc liên tiếp, phố Wall đã có tuần giảm mạnh sau khi hồi nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 2,6%, S&P 500 giảm 3,10% và Nasdaq Composite giảm 3,92%. Đây là tuần tăng tồi tệ nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 12/2018.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 98,41 điểm (-0,37%), xuống 26.485,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,51 điểm (-0,73%), xuống 2.932,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 107,05 điểm (-1,32%), xuống 8.004,07 điểm.

Thị trường châu Á đồng loạt bị bán mạnh.

Chứng khoán Nhật Bản sụt giảm, khi các nhà đầu tư trở nên lo lắng về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, cùng đồng yên mạnh lên đã đẩy lùi các nhà xuất khẩu như Panasonic và Daikin.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,74% xuống 20,720,29 điểm. Topix mất 1,8% xuống 1.505,88 điểm.

Đồng yên đã tăng rất nhanh kể từ đầu phiên đã kích thích lệnh bán tháo nhóm cổ phiếu xuất khẩu, với Nissan giảm 4,3%, Panasonic giảm 3,7% và Daikin Industries giảm 3,1%.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua đáng chú ý có Kobe Steel, giảm 15,2% xuống mức thấp nhất 7 năm, sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020 tới 67% do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Yahoo Nhật Bản giảm 12,5%, sau khi lợi nhuận hoạt động giảm 24%, dưới mức ước tính của các nhà phân tích.

Một số tăng le lói có Subaru, tăng 3,9% khi báo cáo lợi nhuận tăng 48%, nhờ doanh số nước ngoài tăng dẫn đầu là dòng xe SUV ở Mỹ.

Asics tăng vọt 23,9%, sau khi báo cáo lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm và công bố lượng cổ tức lớn nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập công ty.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, sau khi đồng nhân dân tệ "vi phạm tâm lý" tại mức 7 nhân dân tệ/USD, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,62% xuống 2.821,50 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 22/2. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,91% xuống 3.675,69 điểm.

Đồng nhân dân tệ đã giảm mạnh tổng cộng 1,4%, vài ngày sau khi ông Trump làm choáng váng thị trường tài chính với tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9.

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái tăng giá nhân dân tệ có thể “giải phóng” một mặt trận mới nguy hiểm hơn trong cuộc chiến thương mại - một cuộc chiến tiền tệ.

Năm 2015, Trung Quốc đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ 2%, khi nền kinh tế của nước này chậm lại và đã phải dùng tới 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để ổn định.

Chứng khoán Hồng Kông cũng lao dốc mạnh, khi thành phố phải đối mặt với sự gián đoạn lớn, do một cuộc đình công chung làm tê liệt các hoạt động kinh tế cơ bản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,85% xuống 26.151,32 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,58% xuống 10.081,64 điểm.

Alex Wang, nhà phân tích của Tập đoàn Tài chính Ample trụ sở tại Hồng Kông cho biết, những lo ngại về nền kinh tế Hồng Kông, vốn chậm lại hơn dự kiến trong quý II, đã thêm trầm trọng bởi các cuộc biểu tình đang diễn ra, trong đó, ngành bán lẻ và du lịch chịu tác động lớn nhất.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 2,56% xuống 1.946,98 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 9/5, do ảnh hưởng bất ngờ từ đồng nhân dân tệ mất giá và nỗi lo tăng trưởng chậm lại do xung đột thương mại với Nhật Bản.

"Kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn của Nhật Bản đối Hàn Quốc có thể khiến tốc độ tăng trưởng của năm nay thấp hơn 2%", ông Lee nói Kyung-su, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chứng khoán Mertiz cảnh bảo.

Trong một nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng từ thương mại với Nhật Bản, ngay trong hôm nay, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 7,8 nghìn tỷ won (6,44 tỷ USD) cho  nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thay thế.

Kết thúc phiên 5/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 366,87 điểm (-1,74%), xuống 20.720,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 46,34 điểm (-1,62%), xuống 2.821,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 767,26 điểm (-2,85%), xuống 26.151,32 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng vọt. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.335 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 230.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 40,25 - 40,57 triệu đồng/lượng, tăng thêm 320.000 đồng/lượng chiều mua vào và 370.000 đồng/lượng chiều bán ra so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.100 đồng, tăng 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.215 - 23.335 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

M&A ngân hàng: Vốn ngoại đang chờ

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng khá trầm lắng trong hơn 3 năm qua, nhưng dự báo sắp sôi động trở lại khi nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn đầu tư lớn vào các ngân hàng Việt Nam..>> Chi tiết

Fed lỏng tay, nhưng tiền không dễ chảy vào chứng khoán

Thông thường, khi Fed giảm lãi suất, các thị trường chứng khoán thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ hưởng lợi, nhưng bối cảnh hiện này thì điều này không dễ..>> Chi tiết

Phái sinh: Duy trì nhịp tăng nhẹ

Thị trường chung chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn, bất chấp các điểm rơi thông tin quan trọng đã xuất hiện. Về mặt kỹ thuật, nhịp tăng vẫn được duy trì khi các vùng hỗ trợ vẫn được giữ vững, nhưng khả năng bứt phá trong ngắn hạn không được đánh giá cao..>> Chi tiết

Góc khác của cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán

Nửa đầu năm nay, các công ty chứng khoán 100% vốn ngoại đang có sự bứt tốc mạnh mẽ trong cuộc đua thị phần. Dẫu vậy, sự gia tăng của thị phần chưa tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn..>> Chi tiết

Giá trị ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc bốc hơi 11 tỷ USD

Giá cổ phiếu của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc - quản lý hơn 14.000 tỷ USD tài sản - sụt giảm mạnh do tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế..>> Chi tiết

Tin bài liên quan