Sự trỗi dậy của công ty chứng khoán ngoại
Môi giới và cho vay margin là hai mảng chính của các công ty chứng khoán, đóng góp tỷ trọng doanh thu ít nhất từ 30 - 40% cho mỗi mảng. Nửa đầu năm 2019, nhiều công ty chứng khoán trong nước, thậm chí ở Top đầu có doanh thu môi giới giảm tới 40% theo mức sụt giảm chung của thị trường. Một số công ty có mức sụt giảm ít hơn thị trường nhờ có vài thương vụ giao dịch “one off” giá trị lớn. Ước tính của HSC, những thương vụ này trong nửa đầu năm có độ lớn khoảng 16.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thị trường lại chứng kiến sự gia tăng đột biến về doanh thu môi giới của một số công ty chứng khoán như Yuanta Việt Nam (tăng 76,3%), KB (tăng hơn 39%); Hamico SC (tăng gấp 40,5 lần); APG (tăng gấp 28 lần)…
Với mảng cho vay ký quỹ, một số công ty chứng khoán cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu. Cụ thể, Mirae Asset tăng 166%, đạt 222,6 tỷ đồng; KB tăng 132%, đạt 82,5 tỷ đồng; Yuanta Việt Nam tăng 268%, đạt 79 tỷ đồng; Everest tăng 87%, đạt 41,5 tỷ đồng...
Có khoảng trên 20 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin trên 500 tỷ đồng, với tổng dư nợ 51.575 tỷ đồng, chiếm 94% tổng số dư nợ cho vay toàn thị trường trong 6 tháng. Ðáng chú ý, trong bối cảnh thanh khoản chung của thị trường sụt giảm tới 45% so với cùng kỳ 2018 thì dư nợ cho vay của khối công ty chứng khoán so với thời điểm cuối năm 2018 tăng hơn 7.845 tỷ đồng, tương ứng tăng 17%, thậm chí tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với thời điểm thị trường chứng khoán đạt đỉnh vào cuối quý I/2018.
Mức tăng dư nợ này chỉ đến từ một số ít công ty chứng khoán. Cụ thể, dư nợ margin của Chứng khoán KB tăng tới 81,3%, tương ứng tăng 932 tỷ đồng, kế đến là HSC tăng 44,7%, tương ứng tăng 1.457,4 tỷ đồng; MiraeAsset tăng 39,7%, tương ứng tăng 1.423 tỷ đồng; Yuanta Việt Nam tăng 40,5%, tương ứng tăng 501,5 tỷ đồng; KIS Việt Nam cũng tăng khá 27,4%, tương ứng 543 tỷ đồng…
SSI dù vẫn đứng đầu thị trường về cho vay margin, với 6.287 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ tăng trưởng chỉ đạt 5,4%.
Không quá khó để nhìn ra, đa phần các công ty chứng khoán trên là các công ty có vốn ngoại và được tăng vốn khủng trong vài năm trở lại đây, như Mirae Asset tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng; KB tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng; Yuanta Việt Nam cũng tăng từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và sắp có kế hoạch tiếp tục tăng lên 1.500 tỷ đồng; KIS Việt Nam tăng 1.112 tỷ đồng lên 1.897 tỷ đồng. Hay HSC đã thành công trong việc tăng vốn điều lệ từ 1.297 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng trong quý II/2019, góp phần tăng vốn chủ sở hữu từ 3.102 tỷ đồng lên 4.218 tỷ đồng…
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có đến 80% giá trị giao dịch đến từ nhà đầu tư cá nhân - đối tượng sử dụng margin rất nhiều. Thông thường, khi thanh khoản kém, nhà đầu tư sẽ giảm dư nợ margin để giảm chi phí lãi và rủi ro, nhưng diễn biến tăng margin năm nay có phần trái ngược với logic này.
Theo một số ý kiến, điều này có thể được lý giải là các công ty chứng khoán, đặc biệt các công ty có vốn ngoại với nguồn vốn dồi dào, chi phí vốn rẻ đang đẩy mạnh cho vay với phí, lãi suất rất hấp dẫn. Có những giai đoạn các công ty chứng khoán ngoại này có thể có gói lãi suất chỉ ở mức 8,3%/năm, 9,8%/năm..., trong khi trước đây, lãi suất trên thị trường thường ở mức 13 - 14%/năm.
Một số công ty chứng khoán có những chính sách riêng cho nhóm khách hàng lớn, thường xuyên giao dịch và một số tiêu chí khác, đặc thù của nhóm này có thể có lãi suất ưu đãi hơn, nhưng tỷ trọng giao dịch của họ cũng khá lớn. Ðiều này giúp các công ty có sự thăng hạng trong bảng tổng sắp thị phần.
Cụ thể, ở các vị trí dưới, Mirea Asset lần đầu tiên lọt Top 10 thị phần môi giới quý II, thậm chí còn vượt cả SHS. VPS, VND cũng tiếp tục ghi tên trong Top 10 thị phần. Trên sàn HNX, VPS “ngoi” lên Top 4, Mirae Asset vào Top 10.
Việc một số công ty Top dưới gia tăng thị phần cũng đồng nghĩa với việc miếng bánh thị phần của các công ty trong Top trên giảm đi (Top 6 trên HOSE đều giảm thị phần, ngoại trừ HSC tăng 10,81% lên 11,31%).
Top 5 vẫn dẫn đầu về hiệu quả
Dù vậy, các công ty chứng khoán đang nằm trong Top 5 thị phần vẫn có những lợi thế nhất định như hệ thống môi giới mạnh, có tệp khách hàng tốt và đặc biệt là khách hàng tổ chức. Những công ty chứng khoán này cũng đã có sự củng cố và cải thiện năng lực tài chính của mình trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn công ty có vốn trên 1.000 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán này phát triển đủ các dịch vụ về chứng khoán (từ môi giới, cho vay ký quỹ, tư vấn, tự doanh, đến việc tham gia ở nhiều sản phẩm mới trên thị trường…).
Một đặc điểm là lợi thế cạnh tranh không dễ có được ở các công ty chứng khoán lớn là có hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) rất tốt. Nhờ việc có thương hiệu trên thị trường, nhiều thương vụ tư vấn đã về tay các công ty chứng khoán này, qua đó hỗ trợ ngược lại cho mảng môi giới và cho vay ký quỹ. Chính nhờ vậy, về hiệu quả sử dụng vốn, không phải cứ công ty chứng khoán có dư nợ cho vay nhiều là có được ROE tốt.
Nửa đầu năm 2018, thị trường chứng khoán trong nước sôi động hơn hẳn so với nửa đầu năm 2019, nên việc so sánh chỉ mang tính tương đối, nhưng cũng phần nào phản ánh được cục diện cạnh tranh của các công ty chứng khoán.
Minh chứng là dù giảm thị phần so với cùng kỳ, nhưng VCI vẫn có được ROE trượt 4 quý gần nhất là 17,5%; HSC là 11,8% (một phần do tác động bởi việc tăng vốn), MBS là 11,8%, SSI 10,7%, VND 9%... Trong khi đó, Mirae Asset chỉ có ROE 5,8%, KB 4,9%, KIS 5,3%.
Trường hợp như TCBS có ROE vượt trội 47,5%, được lý giải bởi công ty chứng khoán này có nguồn vốn dồi dào và sử dụng chủ yếu công nghệ, ứng dụng trực tuyến trong việc tư vấn cho khách hàng, thay vì phát triển đội ngũ môi giới nên tiết kiệm được đáng kể chi phí vận hành.