- VN-Index tăng
Trong phiên sáng, sau khi tiến lên mức cao nhất trong phiên, VN-Index tiếp tục leo đỉnh trong phiên chiều và tiệm cận mốc 773 điểm. Tuy nhiên, lực cầu thận trọng khiến VN-Index gặp khó khăn trong việc tiến lên vùng 775 điểm.
Trong phiên chiều, nỗ lực cầm cự không thành sau gần 1 giờ giao dịch do áp lực bán gia tăng khiến thị trường hạ độ cao, nhưng chỉ số này cũng đã nhanh chóng “bật dậy” nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.
Thị trường tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm, nhưng giao dịch khá hạn chế.
VNM chịu sức ép cung ngoại khiến cổ phiếu này tiếp tục rớt giá. Với mức giảm 0,4%, VNM kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 154.800 đồng/cổ phiếu.
GAS quay về mốc tham chiếu, PVD và PVS cùng giảm nhẹ; Các mã ngân hàng vẫn đóng vai trò là trụ cột cho thị trường với giao dịch khá sôi động.
BID tăng 1,75%; CTG trở lại mốc tham chiếu; MBB tăng gần 2,3%; VCB tăng gần 0,4%..
Trên sàn HNX, SHB trở lại mốc tham chiếu nhưng thanh khoản dẫn đầu với 6,43 triệu đơn vị được chuyển nhượng; ACB tăng 0,78%
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch khá khởi sắc với hầu hết các mã đều đóng cửa trong sắc xanh như SSI, HCM, AGR, BSI, BVS, CTS, SHS, VIX, VND…
MSN tăng 1,9%; PLX đảo chiều tăng 1,3% sau 2 phiên tạo gánh nặng cho thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, OGC đã hòa cùng sắc tím với các mã như TSC, DIG, VNG..
Trái lại, FLC quay đầu giảm 1,5%, khối lượng khớp 14,18 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu QCG đã giao dịch “co giật mạnh” trong phiên hôm nay.
Từ mức giá trần ngay khi mở cửa, QCG đã dần hạ độ cao và trở nên rung lắc trong phiên chiều. Sau gần 1 giờ của phiên chiều, cổ phiếu này đột ngột rơi xuống mức giá sàn do áp lực bán gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ khá tích cực đã giúp QCG lấy lại cân bằng và kết phiên ở mốc tham chiếu 29.000 đồng/CP với 2,39 triệu đơn vị được khớp.
Như vậy, với việc lên trần và xuống sàn, biên độ dao động giá của QCG trong phiên hôm nay lên tới hơn 14,8%.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 3,17 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 101,74 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 616.868 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 6,93 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 23.300 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 3,18 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 29/6: VN-index tăng 2,71 điểm (+0,35%), lên 771,75 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,45%), lên 98,8 điểm; UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,64%), lên 57,32 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.388 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Sau phiên giảm mạnh trước đó do nhóm cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt phục hồi, lấy lại gần như hết những gì đã mất trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu dòng bank tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Tư sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chấp thuận kế hoạch sử dụng thêm tiền để mua cổ phiếu và trả cổ tức từ 34 ngân hàng lớn của Mỹ.
Trong phiên thứ Tư, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 1,6%, mức tăng mạnh nhất trong các nhóm ngành.
Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu công nghệ sau thời gian bị bán mạnh, cũng đã hồi phục trở lại, bật tăng hơn 1,3% trong phiên thứ Tư, giúp Nasdaq đảo chiều và có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 7/11/2016.
Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones tăng 143,95 điểm (+0,68%), lên 21.454,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,31 điểm (+0,88%), lên 2.440,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,79 điểm (+1,43%), lên 6.234,41 điểm.
Trên thị trường châu Á
Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2015, khi Phố Wall hồi phục với các cổ phiếu công nghệ như Advantest Corp và Shin-Etsu Chemical tỏ ra vượt trội so với thị trường chung.
Advantest tăng 0,8%, Hitachi Ltd tăng 1,3% và Shin-Etsu Chemical Co, nhà sản xuất tấm silicon bán dẫn hàng đầu, tăng 1%.
Trong khi đó, Nitori Holdings sụt giảm 6,8% sau khi nhà bán lẻ đồ gỗ này thông báo lợi nhuận trong năm tài chính giảm 5,6% xuống 25.72 tỷ yên (229 triệu USD) do đồng Yên suy yếu và các chi phí tăng cao liên quan đến việc mở các cửa hàng mới.
Tuần này, sự chú ý sẽ dồn về cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo Metropolitan vào Chủ nhật.
"Theo quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, sự ổn định chính trị là một trong những lý do để đầu tư vào thị trường Nhật Bản, vì vậy chúng tôi không muốn có một bất ngờ tiêu cực vào cuối tuần", Nobuhiko Kuramochi, chiến lược gia của Mizuho Securities cho biết.
Các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc tăng, do cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh và đồng USD yếu đi đã góp phần nâng đỡ thị trường.
Tâm lý nhà đầu tư dường như được cởi trói phần nào do những lo ngại về sự sụt giảm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể.
Chen Yong, nhà phân tích của công ty Chứng khoán Lianxun cho biết: " Các cổ phiếu liên quan đễn xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc hưởng lợi gián tiếp từ việc đồng USD yếu, tuy nhiên, một đồng nhân dân tệ tăng có thể gây ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường, dẫn đến việc suy giảm thanh khoản trong tương lai.”
Trong phiên này, cổ phiếu của các công ty khai thác than đặc biệt tăng mạnh, vì Trung Quốc cho biết họ sẽ cấm nhập khẩu than từ các cảng nhỏ từ ngày 1/7, và tăng cường sử dụng than Cốc nội địa.
Shanxi Coking tăng lên mức tối đa cho phép 10%, trong khi Sơn Tây Xishan Coal tăng 4,4%.
Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 0,9% trong phiên sáng và kết thúc ngày tăng tổng cộng 1,1%.
Các cổ phiếu Hồng Kông, đặc biệt là các cổ phiếu tài chính tăng mạnh, nổi bật là HSBC với 4% cộng thêm, nhờ tâm lý đánh cược rằng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố các chính sách hỗ trợ trong chuyến thăm Hong Kong của Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp 20 năm Hong Kong được trao trả lại cho Đại Lục.
Đó có thể là các biện pháp liên kết các thị trường với các ngân hàng đầu tư và các Công ty môi giới của Hồng Kông để tăng cường dòng vốn từ Trung Quốc.
Kết thúc phiên 29/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 89,89 điểm (+0,45%), lên 20.220,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 281,92 điểm (+1,10%), lên 25.965,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,86 điểm (+0,47), lên 3.188,06 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng SJC giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.770 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa giảm 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,16 - 36,38 triệu đồng/lượng, giảm thêm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.432 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua .Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 - 22.770 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- GDP tăng 5,73% sau nửa năm, nhờ quý II khởi sắc
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố sáng nay vừa công bố các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), riêng tháng 6 giảm 0,17% so với tháng trước, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,15%. >> Chi tiết
- Him Lam rút lui khỏi LienvietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng nói gì?
Câu chuyện Him Lam với gương mặt đại diện là ông Dương Công Minh rút khỏi LienVietPostBank và tham gia vào HĐQT của Sacombank khóa tới đang tạo nhiều đồn đoán, nhưng lý do đôi khi lại khá đơn giản.. >> Chi tiết
- Cảnh báo sớm “canh bạc” đầu tư bất động sản ở nước ngoài
Giấc mơ Mỹ, giấc mộng châu Âu là điều nhiều công ty tư vấn thủ thỉ với nhà đầu tư, nhưng đem tiền đi mua bất động sản xứ người liệu có đơn giản?.. >> Chi tiết
- Tiền mặt vẫn là “vua“
Tại các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên GDP vẫn đang tiếp tục gia tăng, bất chấp sự cạnh tranh từ các công nghệ mới.. >> Chi tiết
- Alibaba đổ thêm một tỷ USD vào Lazada
Alibaba vừa tuyên bố tăng tỷ lệ sở hữu trong Lazada từ 51% lên 83%, nâng tổng đầu tư vào đây lên hơn 2 tỷ USD.
Khoản đầu tư này cho thấy họ ngày càng tin tưởng vào thị trường thương mại điện tử đang phát triển tại Đông Nam Á - nơi hàng triệu người dùng Internet có hoạt động mua sắm qua mạng.. >> Chi tiết