Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chuyển dịch

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chuyển dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên tăng nhẹ; Nới room tín dụng, chưa vội mừng; Chỉ báo tốt từ vốn ngoại; Dòng tiền dịch chuyển trên thị trường chứng khoán; Theo bước chân nhà đầu tư lớn...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/7 giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 4,7 USD xuống 1.797,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lấy lại mốc 1.800 USD/ounce, nhưng sau đó chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,11% lên 92,75 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.217 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.910 - 23.110 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,01 USD (-0,01%), xuống 71,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,15 USD (+0,20%), lên 74,65 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua vọt lên trên 40.500 USD nhờ tin đồn Amazon có thể chấp nhận tiền số, thì sang ngày hôm nay, Amazon đã phủ nhận tin tức này, khiến đồng Bitcoin chịu thiệt hại lớn và quay đầu giảm về quanh 37.000 USD/BTC và gần như chỉ nhích thêm đôi chút về cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hạ nhiệt

Sau phiên sáng tích cực, thị trường tiếp tục nhích lên phiên chiều và tiến lên gần 1.290 điểm, tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khiến nhiều bluechip thu hẹp đà giảm, khiến VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng khi đóng cửa.

Có thể thấy, sau 2 tuần liên tiếp đi ngang, biên độ biến động đang co hẹp lại, báo hiệu chỉ số có thể sớm kết thúc chuỗi giằng co và tạo xu thế mới.

Một điểm tích cực khác đó là niềm tin nhà đầu tư đang được cải thiện, mối lo ngại về dịch bệnh đã bớt hiện hữu, thể hiện ở 2 phiên tăng điểm liên tiếp.

Trên các thị trường tài chính quốc tế, chứng khoán cũng đang có những niềm vui khi nhiều chỉ số chứng khoán lập kỷ lục mới.

Tất nhiên, những chỉ báo trên mới chỉ là những tín hiệu tích cực ban đầu về việc hình thành nền giá mới, tạo niềm tin rằng sau chuỗi đi ngang, nếu có tiếp tục giảm điểm thì mức độ giảm sẽ không quá lớn vì lực bán đã yếu đi sau chuỗi giảm điểm mạnh 2 tuần đầu tháng 7. Mức hỗ trợ rất cứng vẫn là khu vực 1.200 (+/-) điểm với VN-Index.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 7,54 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 250,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/7: VN-Index tăng 4,22 điểm (+0,33%), lên 1.287,93 điểm; HNX-Index tăng 3,12 điểm (+1,03%), lên 306 điểm; UpCoM-Index tăng 0,9 điểm (+1,07%), lên 84,77 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall kéo dài đà tăng vào hôm thứ Hai (26/7) khi các nhà đầu tư lạc quan đón nhận loạt báo cáo kết quả quý II từ các tên tuổi lớn công nghệ, đồng thời chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed.

Nổi bật trong phiên là Tesla, khi công bố báo cáo cho thấy doanh thu trong quý II của hãng tăng vọt 98%, đạt 11,96 tỷ USD và vượt kỳ vọng của phố Wall.

Bất chấp đại dịch và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, Tesla đạt kỷ lục về doanh số bán hàng nhờ mở bán các mẫu xe rẻ hơn như sedan Model 3 và Model Y. Cổ phiếu Tesla tăng 2,2%.

Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Dow Jones tăng 8,76 điểm (+0,24%), lên 35.144,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,51 điểm (+0,24%), lên 4.422,3 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,72 điểm (+0,03%), lên 14.840,71 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng theo chân Phố Wall đêm qua, nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,49% lên 27,970,22 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,64% lên 1.938,04 điểm.

Masahiro Ichikawa, Giám đốc chiến lược thị trường tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho biết: “Kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ các công ty Mỹ khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng, sự phục hồi của Mỹ đang đi đúng hướng và đó cũng sẽ là một điểm cộng cho nền kinh tế Nhật Bản”.

Chứng khoán Trung QuốcHồng Kông đã tiếp tục bị bán tháo, khi nỗi lo về của các quy định chặt chẽ hơn của chính về lĩnh vực giáo dục tư nhân tiếp tục ám ảnh thị trường.

Tại Thượng Hải, Shanghai Composite giảm 2,49% xuống 3.381,18 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 25/3. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 3,53% xuống 4.751,31 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Sự sụt giảm trên diện rộng, với chỉ số phụ của ngành tài chính giảm 3,17%, tiêu dùng chủ lực giảm 4,75% và chăm sóc sức khỏe giảm 3,9%.

Tại Hồng Kông, Hang Seng-Index giảm 4,4% xuống 25.038,68 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 5,38% xuống 8.851,67 điểm.

Áp lực bán tháo diễn ra sau khi Trung Quốc ban hành các quy tắc mới nhằm kiểm soát khu vực dạy thêm tư nhân, vốn có trị giá hàng năm lên tới 120 tỷ USD, khiến một số cổ phiếu giảm hơn 45% và các động thái mới quy định nhắm vào ngành công nghệ và bất động sản.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược FX châu Á tại Mizuhuo Bank, cho biết: “Cuộc đàn áp nghiêm trọng của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ và giáo dục đã kích thích việc định giá lại rủi ro đối với việc đầu tư của các công ty tư nhân Trung Quốc”.

Cổ phiếu ngành giáo dục theo đó tiếp tục bị xả mạnh với chỉ số phụ theo dõi ngành mất 5,18%, trong đó, New Oriental Education & Technology Group Co giảm 7,25%, đưa mức giảm trong ba phiên vừa qua lên hơn 70%.

Tại Hồng Kông, nhà phát triển bất động sản đang ôm khối nợ lớn là China Evergrande Group giảm gần 16% xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm rưỡi qua, sau khi cho biết họ sẽ hủy một đề xuất về phương án chia cổ tức đặc biệt.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, được nâng lên bởi dữ liệu kinh tế trong nước vững chắc và mức diễn biến tích trên Phố Wall phiên đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 7,58 điểm, tương đương 0,24%, lên 3.232,53 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy, GDP của kinh tế Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ trong quý II ở mức 5,9%, nhờ vào sự gia tăng của tiêu dùng tư nhân, mặc dù sự lây lan của Covid-19 gây nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng cho phần còn lại của năm.

Kết thúc phiên 27/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 136,93 điểm (+0,49%), lên 27.970,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 86,26 điểm (-2,49%), xuống 3.381,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.105,89 điểm (-4,22%), xuống 25.086,43 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 7,58 điểm (+0,24%), lên 3.232,53 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nới room tín dụng, chưa vội mừng

Một số ngân hàng đã được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room), song dịch bệnh Covid-19 có thể khiến nhu cầu vay vốn suy giảm và nợ xấu gia tăng..>> Chi tiết

- Chỉ báo tốt từ vốn ngoại

Trong bối cảnh thị trường sụt giảm sâu, lo ngại về dịch bệnh tăng cao, việc khối ngoại mua ròng mang ý nghĩa tích cực nhất định..>> Chi tiết

- Dòng tiền dịch chuyển trên thị trường chứng khoán

Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, xa hơn là đón đầu các nhóm ngành hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế..>> Chi tiết

- Theo bước chân nhà đầu tư lớn

Mặc dù đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này phức tạp, nguy hiểm hơn các đợt trước, nhưng một số tổ chức tư vấn và đầu tư vẫn giữ quan điểm các đợt điều chỉnh là cơ hội tốt để mua vào..>> Chi tiết

- Ngành vận tải biển toàn cầu lại gián đoạn do lũ lụt ở châu Âu và Trung Quốc

Hôm thứ Hai (26/7), giám đốc điều hành của một công ty vận tải biển cho biết, các trận lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu là một "đòn giáng mạnh" nữa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan