Theo bước chân nhà đầu tư lớn

Theo bước chân nhà đầu tư lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này phức tạp, nguy hiểm hơn các đợt trước, nhưng một số tổ chức tư vấn và đầu tư vẫn giữ quan điểm các đợt điều chỉnh là cơ hội tốt để mua vào.

Cơ hội từ phục hồi nhanh

Lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ở mức độ khác nhau.

Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, chế biến thủy hải sản, da giầy bị ảnh hưởng trực tiếp. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã TCM), năng suất của nhà máy may mặc giảm khoảng 50 - 60% do phải thực hiện “3 tại chỗ”. Lĩnh vực may chiếm khoảng 70% doanh thu của TCM.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital đánh giá, điều quan trọng lúc này là các công ty đảm bảo được thanh khoản để trả lương, duy trì hoạt động thì khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ tăng trưởng trở lại rất nhanh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, có nhu cầu lớn từ thị trường các nước đang phục hồi sau dịch.

Nửa đầu năm nay, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng ở mức đáng kinh ngạc 29% so với cùng kỳ 2020. Các nhà máy tại Bắc Ninh và Bắc Giang đang thông báo tuyển dụng hàng loạt nhân sự sau hơn 10 ngày tạm ngừng hoạt động vì lệnh phong toả trong tháng 5.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu (thuỷ sản, dệt may, gỗ) hưởng lợi từ việc nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại, hay các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Trong ngắn hạn, rủi ro của các nhóm ngành này nằm ở việc các nền kinh tế lớn có thể phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội khi dịch bệnh tái bùng phát, chi phí logistic tăng.

Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, VinaCapital tiết lộ, dựa trên nhận định thị trường dường như tăng trưởng “nóng” từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 4/2021, cổ phiếu của nhiều công ty mà quỹ này đầu tư trước đó đã tăng quá mức “hợp lý”.

VinaCapital đã chuyển dịch khoản đầu tư vào cổ phiếu mang tính phòng ngự, là cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng, đồng thời có thể hoạt động liên tục mà ít bị cản trở bởi đợt bùng phát đại dịch hiện tại, bao gồm ngành logistics và công nghiệp.

VinaCapital cũng đánh giá cao tiềm năng của các công ty kinh doanh hàng thiết yếu như sữa, sản phẩm được sử dụng hàng ngày.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thận trọng trong vài tháng tới trong lúc vẫn theo dõi sát sao diễn biến nền kinh tế, thị trường chứng khoán và quan trọng nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 để kịp thời nhận biết các dấu hiệu và nắm bắt cơ hội quay trở lại với các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn. Ví dụ, giá cổ phiếu của một số nhà bán lẻ đã giảm mạnh do ảnh hưởng của biện pháp giãn cách xã hội lên hoạt động kinh doanh - và có thể tăng trở lại khi các hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 được nới lỏng”, VinaCapital chia sẻ trong thư gửi nhà đầu tư.

Nhìn vào “bank, chứng, thép”

Cụm từ “bank, chứng, thép” chỉ nhóm cổ phiếu được thị trường đặc biệt ưa chuộng trong mấy tháng qua.

Với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như thép (hay hóa dầu, phân bón), do đặc thù nhà máy rộng, tự động hóa cao nên khâu sản xuất ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông Hoàng Huy, Phó giám đốc Nghiên cứu chiến lược, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng đánh giá, dù giá thép thời gian qua có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và năm nay là một năm thành công của doanh nghiệp ngành này.

Thêm vào đó, nhu cầu thép và vật liệu xây dựng dự báo sẽ hồi phục nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát, các lệnh giãn cách được nới lỏng.

Còn với nhóm cổ phiếu chứng khoán, trong báo cáo gửi khách hàng mới đây, Fiintrade nhận định, lợi nhuận của công ty chứng khoán đạt đỉnh vào quý II/2021.

Dự báo lợi nhuận nhóm 10 công ty chứng khoán hàng đầu sẽ giảm 34,1% trong quý III, trước khi phục hồi trong quý IV/2021, lý do là các công ty chứng khoán đã ghi nhận lợi nhuận lớn từ tự doanh. Hoạt động tự doanh đóng góp tỷ trọng từ 45 - 69% trong lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán dẫn đầu, theo ước tính của Fiintrade.

Ở nhóm công ty chứng khoán xếp vị trí từ 11 - 30 thì tỷ trọng tự doanh đóng góp vào lợi nhuận còn lớn hơn nhiều, lên đến 80%. Lợi nhuận trong quý III có thể suy giảm so với hai quý đầu năm, thậm chí có thể có bất ngờ, khi nhìn vào một, hai công ty công bố kết quả quý II bị lỗ tự doanh.

Nhóm cổ phiếu “bank” được đánh giá không còn hấp dẫn khi nhiều ngân hàng đang có định giá P/B (giá thị trường/giá trị sổ sách) từ 2,5 - 3,7 lần.

Vì vậy, cơ hội chỉ nằm ở các cổ phiếu ngân hàng có định giá thấp hơn trung bình ngành kèm theo tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Theo khuyến nghị của Maybank KimEng thì nhà đầu tư nên lựa chọn các cổ phiếu như TCB, VCB, VPB, do triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng này không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi giảm lãi suất cho vay, do có nhiều cách để bù đắp biên lãi thuần vì tỷ lệ nợ xấu thấp, trích lập dự phòng cao trước đây…

Tìm vịnh trú bão Covid

Huy động vốn trên thị trường chứng khoán chủ yếu là trái phiếu chính phủ

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%; huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 63%, với giá trị đạt 141.493 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, hai sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức 5 phiên đấu giá cổ phần hóa, 1 phiên đấu giá thoái vốn và 2 phiên đấu giá khác với tổng giá trị đạt hơn 1.419 tỷ đồng.

Hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chuyển biến tốt. Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán trong quý I có sự tăng trưởng mạnh, tăng 57% về doanh thu và 92% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động của các công ty quản lý quỹ về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định và có sự tăng trưởng tốt với tổng giá trị tài sản quản lý tăng 20% so với cuối năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, UBCK đã cấp phép thành lập, chào bán cho 4 quỹ đầu tư mới, nâng tổng số quỹ đầu tư lên 58 quỹ. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ tăng 36% so với cuối năm 2020

Bên cạnh công tác triển khai tái cấu trúc thị trường chứng khoán, công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, quản lý công ty đại chúng theo UBCK luôn được theo dõi tăng cường, hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp.

UBCK đã triển khai 7 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch của nhà đầu tư đối với 7 mã cổ phiếu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, UBCK đã ban hành tổng cộng 190 quyết định xử phạt hành chính đối với 156 cá nhân và 34 tổ chức với tổng số tiền phạt là 5,66 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, UBCK sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa.

Các số liệu cho thấy, một số ngành vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Sản lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối) trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,69 tỷ kWh, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều mức tăng 7,4% sản lượng điện nói chung.

Theo Fiintrade, trong ngành năng lượng tái tạo, cổ phiếu BCG có P/E ở mức 5,2 lần, PC1 là 9,9 lần và GEG là 14,9 lần. Dự báo, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng cao.

Với mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, hoạt động lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu đang được ưu tiên tháo gỡ khó khăn. Sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng biển nửa đầu năm nay tăng 7% so với cùng kỳ. Lưu lượng hàng hóa lưu thông qua khu vực cảng Cái Mép còn tăng tới 20%.

Bước sang tháng 7, một lãnh đạo của Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) chia sẻ, do giãn cách xã họi, lưu lượng hàng hóa chậm lại, ước tính ở thời điểm này giảm nhẹ khoảng 10% so với các tháng trước nhưng nhìn chung vẫn trên đà tăng trưởng.

Còn dưới góc nhìn nhà đầu tư cá nhân, thời điểm này, việc săn tìm các doanh nghiệp có lợi nhuận quý III tốt để mua vào là an toàn. Các công ty tư vấn cũng khẳng định, cơ hội nửa cuối năm sẽ dành cho doanh nghiệp có câu chuyện riêng.

Anh Nguyễn Văn Chung, tham gia một nhóm nhà đầu tư khoảng 100 tài khoản lớn cho biết, danh mục của nhóm đã giảm về tỷ lệ 65% cổ phiếu và 35% tiền mặt, thay vì margin cao như trước.

Tuần trước, nhóm của anh bắt đầu mua vào cổ phiếu IJC vì cổ phiếu này đã giảm giá sâu 30% và triển vọng lợi nhuận không thay đổi dù dịch bệnh, hay mua BVB vì ngân hàng này có kế hoạch chuyển sàn và lợi nhuận quý III tốt khi thanh lý tài sản đã trích lập dự phòng, mua CKG vì doanh nghiệp có nhiều tài sản.

Các cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản có giá trị quỹ đất, dự án lớn hơn giá trị vốn hóa như CCL, AAV, NHA… được nhiều nhà đầu tư ưa thích như một cách tích sản. Các doanh nghiệp này chỉ chờ dịch qua đi để chào bán sản phẩm, phát triển dự án là kết quả kinh doanh sẽ bùng nổ.

Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nhận định, cùng với bán lẻ, vật liệu (thép) và điện thì bất động sản là ngành đóng góp lớn cho đà tăng của chỉ số VN-Index trong nửa cuối năm nay vì nhiều khả năng ngành này phục hồi từ đáy 6 tháng đầu năm. Sau dịch bệnh, nhu cầu tăng cao mang lại lợi ích cho các công ty đã tích lũy quỹ đất lớn, chẳng hạn như Vinhomes (mã VHM) hay Nam Long (mã NLG).

Theo báo cáo tài chính quý II/2021, Nam Long đang có 2.700 tỷ đồng người mua trả tiền trước, lãi ròng 6 tháng lên đến 412 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.

Cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản nổi sóng mạnh, trong đó, các cổ phiếu DIG, IJC, SCR đã tăng trần trong phiên Thứ Năm (22/7) cho thấy nhà đầu tư đã chú ý hơn đến cổ phiếu bất động sản.

Quý II không phải là quý cao điểm hạch toán lợi nhuận của nhóm bất động sản, nhưng cũng chính vì vậy, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm, cộng thêm chất xúc tác như phát hành tăng vốn, cổ tức hấp dẫn, chào đón thêm cổ đông lớn tham gia doanh nghiệp chuyển nhượng dự án… đang có động lực tăng giá tốt.

Chẳng hạn, cổ phiếu HDG (Tập đoàn Hà Đô) được chú ý khi đi ngược thị trường, tăng 23% từ ngày 6/7 đến nay, nhờ duy trì được đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt từ năm 2016 đến nay, dòng tiền hoạt động kinh doanh luôn dương, ROE tăng mạnh trên 26% từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, giới đầu tư còn kỳ vọng HDG sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến nếu bán một phần hoặc toàn bộ mảng điện cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Kinh tế trên đà tăng trưởng

Cơ hội lớn nhất của thị trường chứng khoán là kinh tế Việt Nam trên đà tăng trưởng. Theo Báo cáo Tăng trưởng kinh tế quý II và nửa đầu năm 2021 của VEPR (thuộc Đại học Kinh tế Hà Nội), dựa trên giả định các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đều tiêm chủng Covid-19 trên diện rộng, khôi phục hoạt động kinh tế và Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô sẽ duy trì ổn định.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%, thấp hơn 1,2 - 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Kịch bản thuận lợi hơn thì tăng trưởng ở mức 5,4 - 6,1% và trong kịch bản xấu (dịch bệnh kéo dài đến cuối quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung) thì kinh tế chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4,0%.

Ông Huy nhận xét, dịch bệnh có thể làm chậm lại nhưng không làm trật đà tăng trưởng của nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng trưởng dài.

Dù dịch Covid-19 diễn diễn phức tạp hơn dự kiến khi Maybank Kim Eng ra báo cáo chiến lược tháng 7 nhưng chưa làm thay đổi nhận định của Công ty. Trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 7, tháng 8 và tỷ lệ dân số tiêm vắc-xin tăng lên 30% trong nửa cuối năm thì kịch bản lạc quan nhất là VN-Index ở mức 1.500 điểm, kịch bản xấu nhất là 1.250 điểm.

VN-Index tuần qua ở mức 1.270 điểm, gần tiệm cận với dự đoán xấu nhất và thấp hơn 18% so với kịch bản lạc quan. “Vì thế, đây là thời điểm mua vào các cổ phiếu đã về vùng giá thấp”, ông Huy nói.

Còn theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital, quỹ này đã nhận được câu hỏi của nhiều nhà đầu tư về chứng khoán Việt Nam.

Một số nhà đầu tư đang cân nhắc việc chuyển tiền đầu tư chứng khoán thành tiền gửi ngân hàng cho tới khi cơn bão Covid-19 lần này qua đi. Đợt điều chỉnh của thị trường vừa qua, ông Andy Ho lý giải xuất phát từ 3 lý do: định giá nhiều cổ phiếu đã cao, nhà đầu tư lo ngại dịch Covid-19 bùng phát và nhiều nhà đầu tư rút tiền ra để tìm kiếm cơ hội mua bất động sản bán rẻ.

Nhưng số bất động sản bán rẻ không có nhiều và dòng tiền chắc sẽ phải quay lại kênh chứng khoán, dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong khi giá cổ phiếu đã rẻ hơn.

Đánh giá triển vọng kinh doanh trong một, hai quý tới của các doanh nghiệp niêm yết phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, thời điểm các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, và hơn thế là tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng, song ông Trần Đức Anh cho rằng, có 2 yếu tố cơ bản dài hạn mà dịch bệnh gần như chắc chắn không làm thay đổi.

Đó là, nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng trưởng ngay khi dịch bệnh chấm dứt, các hoạt động kinh tế được khôi phục về trạng thái bình thường và động lực tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn FDI, phục hồi của tiêu dùng nội địa, và có thể là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.

Cụ thể hơn, các số liệu về hoạt động sản xuất (chỉ số IIP, PMI), tiêu dùng (doanh số bán lẻ), xuất nhập khẩu và FDI trong hơn 1 năm trở lại đây, từ khi dịch bệnh bùng phát, đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có sức bật đáng kinh ngạc. Khi các lệnh cách ly xã hội được áp dụng, các hoạt động kinh tế trì trệ và sụt giảm nhưng đều nhanh chóng bật tăng trở lại khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.

“Việc xác định một cách tương đối chính xác đỉnh dịch hay thời gian tạo đáy thị trường là việc làm bất khả thi, nhưng tôi cho rằng, thời điểm biến động của thị trường hiện tại là phù hợp để tích luỹ cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn, hướng tới các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ hai yếu tố nêu trên, dù có thể còn chịu nhiều rủi ro trong ngắn hạn”, ông Đức Anh nói.

Tọa đàm trực tuyến “Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2021”

Nhân dấu mốc 21 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, Báo Đầu tư dự kiến tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2021 – Triển vọng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp” sáng thứ Tư, ngày 28/7/2021.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn.

1. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

2. Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

3. Ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment

4. Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

5. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC)

6. Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital

7. Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Nova Group

8. Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Rồng Việt

9. Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Cuộc tọa đàm sẽ được tường thuật trực tuyến trên báo điện tử: www.tinnhanhchungkhoan.vn
www.baodautu.vn và livestream trên fanpage của Báo Đầu tư Chứng khoán: www.facebook.com/tinnhanhchungkhoan

Tin bài liên quan