VN-Index đảo chiều thành công
Áp lực bán tiếp tục duy trì khi bước vào phiên sáng. Đà bán càng nới rộng về cuối phiên đã kéo hàng trăm mã giảm điểm và VN-Index lui về ngưỡng 955 điểm.
Tuy nhiên, ngay khi sang phiên chiều, dòng tiền hấp thụ mạnh đã giúp thị trường nhanh chóng bật ngược đi lên.
Các mã bluechip hồi phục khá tốt. Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính gồm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm, cùng họ dầu khí là những lực đỡ chính.
Nhóm cổ phiếu vua, các mã lớn như VCB tăng 3,59% lên 63.500 đồng, BID tăng 3,64% lên 29.900 đồng, CTG tăng 0,83% lên 24.250 đồng; MBB, HDB đều vượt qua mốc tham chiếu.
Các mã chứng khoán như SSI, HCM, VND cùng cổ phiếu BVH, GAS, PLX, PXS, PVD… đều bứt phá ngoạn mục trong phiên chiều.
Một số mã có vốn hóa lớn như VNM, SAB, VJC, HPG, NVL, MWG… cũng đóng cửa trong sắc xanh, đã tiếp sức giúp VN-Index kết phiên ở mức cao nhất ngày.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là HAG. Áp lực bán chốt lời đã khiến HAG quay đầu giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, lực cầu gia tăng đã giúp mã này kết phiên trong sắc xanh nhạt với mức tăng 1,35% lên mức 7.530 đồng, với hơn 37,97 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, “người anh em” HNG đã thoát mức giá sàn, nhưng kết phiên vẫn giảm 5,8% xuống 14.600 đồng, khớp gần 6,3 triệu đơn vị.
Ngoài ra, FLC, FIT, GTN ASM, LDG, HAI, ITA, HHS… cũng bị chốt lời khá mạnh.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 2,31 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 56,04 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 483.554 đơn vị, giá trị mua ròng 3,87 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 505.900 đơn vị, giá trị mua ròng 14,71 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 10/8: VN-Index tăng 4,97 điểm (+0,52%), lên 968,47 điểm; HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,57%), lên 108,41 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,2%), xuống 51,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4.800 tỷ đồng.Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước bất ngờ giảm 6.000 người, xuống 213.000 người.
Ngoài ra, dữ liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy, dù thấp hơn kỳ vọng, chỉ số giá sản xuất của Mỹ (PPI) thấp hơn kỳ vọng, nhưng vẫn cho thấy sự gia tăng vững chắc của sản xuất cơ bản trong tháng 7.
Giá sản xuất của Mỹ trong tháng 7 không thay đổi, so với kỳ vọng trước báo cáo tăng 0,2% từ tháng 6, nhưng CPI tháng 7 (sẽ công bố vào cuối tuần) được dự báo tăng 0,2% so với tháng trước.
Những dữ liệu trên cho thấy, nhiều khả năng Fed sẽ giữ nhịp tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay trong cuộc phiên diễn ra vào tháng 9.
Với việc khả năng Fed tăng lãi suất ngày càng lớn, cùng với kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố kém khả quan như Booking Holdings, Rite Aid…, cùng đà giảm mạnh của cổ phiếu Tesla (giảm 4,8%) và của cả nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục khiến Dow Jones giảm điểm.
Chỉ số S&P 500 dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh và có lúc đã thiết lập mức đỉnh mới, nhưng cũng quay đầu mất điểm cuối phiêu.
Trong khi đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ, được dẫn dắt bởi Apple và Amazon giúp Nasdaq giữ được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 9/8, chỉ số Dow Jones giảm 74,52 điểm (-0,29%), xuống 25.509,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,12 điểm (-0,14%), xuống 2.853,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,46 điểm (+0,04%), lên 7.891,78 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua, sau khi Morgan Stanley hạ triển vọng tăng trưởng ngành sản xuất chip của Mỹ, bất chấp dữ liệu kinh tế trong nước sáng sủa.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 1,3% xuống 22.298,08 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 12/7. Trong tuần, chỉ số này giảm 1%. Topix giảm 1,2% xuống 1.720,16 điểm.
Morgan Stanley đã hạ triển vọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ từ “phù hợp” xuống “thận trọng”, và cho rằng không ngành nào tỏ ra bất lợi hơn ngành chip trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
Theo đó, Tokyo Electron giảm 3,6%, Advantest Corp giảm 4,9%, Screen Holdings giảm 3,9% và Sumco Corp giảm 4,7%
Ngoài các cổ phiếu liên quan đến chip, cổ phiếu bảo hiểm và vận tải cũng chịu sức ép với Dai-ichi Life Holdings giảm 3,3% và Mitsui OSK Lines giảm 2,1%.
Trong khi đó, Fujifilm Holdings tăng 3,5% sau khi cho biết sẽ mua lại tới 100 tỷ yên cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ.
Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi thêm cá cuộc đàm phán thương mại mới của Nhật Bản với Mỹ, sau khi 2 bên đã không đạt được thỏa thuận nào trong ngày hôm qua, do Nhật Bản đang có chính sách ưu tiên các hiệp định thương mại tự do đa phương hơn là các hiệp định song phương.
Thêm vào sự tiêu cực chung cho thị trường là vào cuối phiên, áp lực bán bỗng dưng vọt lên sau khi đồng yên tăng so với đồng USD, bất chấp dữ liệu mới cho thấy GNP quý II của Nhật tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn từ 0,5-0,7% so với các mức dự báo của giới phân tích.
Chứng khoán Trung Quốc lình xình và đóng cửa chỉ tăng nhẹ không đáng kể nhờ nhóm cổ phiếu công ty công nghệ làm trụ đỡ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,03% lên 2.795,31 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,2% lên 3.405,02 điểm.
Trong tuần, SSEC tăng 2%, còn CSI300 tăng 2,7%. Cả hai đều có tuần tăng tốt nhất kể từ giữa tháng 7.
Tuy nhiên, cả SSEC và CSI300 đều giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 5/2018.
Cổ phiếu công nghệ vọt lên sau khi Trung Quốc cho biết họ thay mới một nhóm lãnh đạo quốc gia về chương trình nghiên cứu các chiến lược phát triển công nghệ quan trọng.
Chỉ số công nghệ ChiNextP theo đó tăng 2% trong tuần này, sau 3 tuần giảm điểm liên tiếp trước đó. Nhưng đà tăng trên thị trường đã bị chặn lại khá nhiều do những lo ngại kéo dài về mâu thuẫn thương mại với Hoa Kỳ.
Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất hôm nay có Keda Group Co Ltd tăng 10,07%; Nacity Property Service Co Ltd tăng 10,02% và Zhejiang Xinneng Photovoltaic Technology Co Ltd tăng 10,01%.
Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất gồm An Huy Liuguo Chemical Co Ltd giảm 8,38%; Hóa chất Jinniu Hebei, giảm 8,22% và Angel Yeast Co Ltd giảm 7,37%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm theo sau các thị trường Châu Á khác.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,84% xuống 28.366,62 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,7% xuống 10.943,08 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 1,6%, ngành CNTT giảm 0,51%, tài chính giảm 0,96% và bất động sản giảm 0,2%.
Cổ phiếu tăng điểm cao nhất thuộc về China Overseas Land & Investment Ltd tăng 2,59%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Hang Seng Bank Ltd giảm 3,42%.
Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất có Byd Co Ltd tăng 4,88%; ZhongAn Online P&C Insurance Co Ltd tăng 2,6% và China Vanke Co Ltd tăng 2,04%.
Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm Huaneng Power International Inc giảm 3,28%; Air China Ltd giảm 2,6% và China Petroleum & Chemical Corp giảm 2,2%.
Kết thúc phiên 10/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 300,31 điểm (-1,33%), xuống 22.298,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 240,68 điểm (-0,84%), xuống 27.366,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,93 điểm (+0,03%), lên 2.795,31 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.340 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,62 - 36,81 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.676 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.260 - 23.340 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng phản ứng chuyện “ăn dày” lãi suất cho vay ngoại tệ
Lãi suất cho vay USD khá cao đang bị nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu than phiền là bất hợp lý. Thế nhưng, doanh nghiệp sẽ còn lo lắng hơn, vì có thể tới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ siết chặt thêm tín dụng ngoại tệ..>> Chi tiết
- Đón sóng cổ phiếu theo ngành giai đoạn cuối năm
Hiện vẫn còn không ít yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) nên các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn. Theo nhiều công ty chứng khoán, nhà đầu tư nên tập trung vào một số nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng.>> Chi tiết
- Kiếm tiền trên thị trường phái sinh: Ai được, ai mất?
Sau một năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đã để lại rất nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư cũng như các thành viên tham gia thị trường..>> Chi tiết
- Trải nghiệm trên sân chơi phái sinh
Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, chứng khoán phái sinh trở nên nổi bật với thanh khoản liên tục bứt phá, tạo ra các kỷ lục. Ngày đỉnh điểm, thanh khoản sàn phái sinh gấp 3 lần thanh khoản thị trường cơ sở..>> Chi tiết
- Sức hút từ thị trường 100 triệu dân
Trong kỷ nguyên tới, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam là lực hút cho dòng vốn trên toàn cầu mà M&A là con đường được nhiều nhà đầu tư lựa chọn..>> Chi tiết
- Bài học từ Nhật Bản trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm mà Trung Quốc có thể học hỏi lại kinh nghiệm từ Nhật Bản, khi quốc gia này từng phải đối phó với cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào vào những năm 1980. Vậy bài học đó là gì?..>> Chi tiết