Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital điều phối phiên thảo luận.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital điều phối phiên thảo luận.

Sức hút từ thị trường 100 triệu dân

(ĐTCK) Trong kỷ nguyên tới, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam là lực hút cho dòng vốn trên toàn cầu mà M&A là con đường được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Khẩu vị đầu tư đa dạng

Trong thập kỷ qua, lĩnh vực khu công nghiệp được nhà đầu tư Hàn Quốc ưu tiên hàng đầu khi rót vốn vào Việt Nam, nhưng gần đây, dòng tiền này đã chuyển hướng sang lĩnh vực hấp dẫn mới là logistic.

Bà Jiun Park, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến M&A toàn cầu – Kotra (Hàn Quốc) đã chia sẻ như vậy tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, phiên thảo luận "Sức hút thị trường 100 triệu dân".

Theo đó, nhiều công ty dịch vụ Hàn Quốc đang tìm hiểu kỹ càng các doanh nghiệp Việt Nam tại lĩnh vực này và rất mong muốn tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, dược phẩm cũng là những ngành có sức thu hút với nhà đầu tư ngoại, nhiều khả năng sẽ chứng kiến những thương vụ M&A mới, khi các liên minh chiến lược giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc được hình thành.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Trần Vĩnh Tuyến tham gia phiên thảo luận. 

Hiện tại, Hàn Quốc đang dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, chiếm khoảng 30% dòng tiền đổ vào, nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 5% về số lượng thương vụ M&A.
Tuy nhiên, giá trị các giao dịch đang có xu hướng đi lên. Cụ thể, năm 2017, số tiền thực hiện M&A của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đạt 300 triệu USD, nhưng 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã đạt khoảng 200 triệu USD.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các mối liên kết, hợp tác, tạo lợi ích thiết thực cho cả 2 bên. Tôi nhận thấy, đối tác Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng với nhà đầu tư Hàn Quốc”, bà Jiun Park cho biết.

Trong khi đó, với khẩu vị của nhà đầu tư Nhật Bản, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Recof (Nhật Bản) cho biết, bất động sản và năng lượng là lĩnh vực mà các nhà đầu tư đất nước Mặt trời mọc đang tìm kiếm cơ hội để rót vốn vào Việt Nam.

Đồng thời, với những chuyển biến tích cực nhờ công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, khu vực nông nghiệp cũng bắt đầu thu hút các hoạt động M&A.

Theo ông Yoshida, giới đầu tư Nhật Bản hiện muốn gia tăng đầu tư trực tiếp từ 9 - 10 tỷ USD vào Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực hạ tầng. Trong thời gian tới, nhiều khả năng số lượng giao dịch M&A sẽ gia tăng, các giao dịch có giá trị tầm trung vào Việt Nam ngày càng nhiều.

 Các diễn giả tham gia phiên thảo luận "Sức hút thị trường 100 triệu dân".

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, với quy mô thị trường 100 triệu dân, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người ngày càng đi lên, Việt Nam đang là điểm đến rất hấp dẫn tại Đông Nam Á. Do đó, hoạt động M&A có nhiều dư địa để tăng trưởng.

Từ góc nhìn của mình, ông Fan Li, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho biết, với cơ cấu dân số trẻ và mức tiêu thụ gia tăng, ngành bán lẻ là lĩnh vực tiềm năng cho hoạt động M&A tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã đồng hành cùng một doanh nghiệp bán lẻ từ năm 2013 và đến nay, doanh nghiệp đó - Vincom đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ. Ngoài ra, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng đi lên trong những năm gần đây dẫn đến nhu cầu tìm kiếm đất đai, nhà xưởng, kho bãi gia tăng, phục vụ cho các nhà sản xuất thuê lại. Hiện quỹ chúng tôi đã thiết lập liên doanh với Becamex để phát triển mảng này”, ông Fan Li chia sẻ.

Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cộng thêm sự phát triển của các hãng hàng không nội địa, cơ sở hạ tầng sân bay được cải thiện … sẽ giúp lĩnh vực lưu trú, lữ hành có thêm động lực tăng trưởng. Thực tế, thị trường đã chứng kiến một số thương vụ M&A trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng và chắc chắn số lượng thương vụ sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Là người điều phối phiên thảo luận "Sức hút thị trường 100 triệu dân", ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp lâu đời, thành lập từ những năm 1990, tuy quá khứ họ ít nghĩ đến việc chuyển tiếp cho các thế hệ sau, nhưng trong tương lai, đây chắc chắn là động cơ lớn để thu hút hơn hoạt động M&A, khi các doanh nghiệp tư nhân tìm đối tác để cùng phát triển.

Thách thức đối với môi trường M&A

Dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện tích cực trong thời gian qua, nhưng vẫn có những nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra e ngại về môi trường hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các thương vụ M&A.

Theo đó, các vấn đề liên quan đến pháp lý, quy định của nước sở tại đều rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Đơn cử, một số nhà đầu tư muốn mua tài sản chiến lược liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc gia như năng lượng, công nghiệp chủ lực…, nhưng Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về nhà đầu tư nước ngoài tại những ngành này.

Về vấn đề này, ông Fan Li cho rằng: “Trước đây, khi hoạt động tư vấn chuyên nghiệp chưa phát triển, đúng là khó tìm được cố vấn chuyên môn cho các thương vụ.

Nhưng hiện tại, điều này đã khác, các công ty tư vấn phát triển hơn, quy trình được cải thiện, ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Do đó, không khó để tìm được các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm hỗ trợ trong các thương vụ mua – bán tài sản”.

Trong khi đó, theo bà Jiun Park, đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư ngày càng gia tăng, khi Việt Nam nắm giữ sức hấp dẫn lớn.

Cùng quan điểm, ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam chia sẻ thêm về câu chuyện cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, ông Neil cho rằng, nhà đầu tư trong nước có khả năng tiếp cận quỹ đất tốt hơn, tạo lợi thế cạnh tranh mà nhà đầu tư nước ngoài khó có được.

Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản Việt Nam cũng chịu sức ép từ việc không ngừng gia tăng quỹ đất và có khuynh hướng chịu nhiều rủi ro về quản lý. Do đó, cần có thêm cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn tài chính, Công ty Deloitte Việt Nam chia sẻ, thách đố mà những khách hàng của ông thường xuyên gặp phải chính là câu chuyện định giá.

Bên bán thường không đưa đủ thông tin, cơ sở cho định giá, trong khi bên mua lại mong muốn giá hợp lý, có đa dạng biến so sánh trên thị trường. Đó là chưa kể vấn đề chất lượng thông tin giữa các bên, nhất là khi chủ doanh nghiệp bên bán không sẵn lòng chia sẻ thông tin cho bên mua.

Về vấn đề này, ông Dominic Scriven chia sẻ kinh nghiệm, trong mọi thương vụ M&A, các giao dịch định giá cần được mổ xẻ sau cùng. Yếu tố quyết định đầu tiên phải là chất lượng thông tin, sự sẵn sàng chia sẻ và phân bố rủi ro giữa các bên.

Tin bài liên quan