Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,90 – 57,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 0,4 USD lên 1.812,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.815 USD/ounce và sau đó chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,02% xuống 92,87 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.207 đồng/USD, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.930 - 23.130 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,1 USD (-0,15%), xuống 66,32 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,27 USD (+0,39%), lên 68,89 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua kết thúc tại gần 31.000 USD thì sang phiên hôm nay đã đột ngột có nhịp rơi mạnh và thủng mốc 30.000 USD, trước khi cố gắng trở lại mốc này vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
VN-Index hồi phục gần 30 điểm
Sau phiên sáng giảm khá mạnh, áp lực cung đã chững lại trong phiên chiều và dòng tiền bắt đáy đã hoạt động mạnh hơn, hướng vào nhiều nhóm cổ phiếu, giúp VN-Index tăng dần lên và đóng cửa tăng gần 30 điểm lên gần 1.275 điểm.
Ở nhóm bluechip, SSI nổi bật nhất tăng kịch trần +6,9%, HPG +6,8%, MWG +5,2%, TCH +4,4%, BVH +4%, MSN +3%.
Nhóm ngân hàng nhảy vọt với HDB +4,7%, TPB +4,6%, BID +3,4%, VCB +3,3%, CTG +3,1%, TCB +3,1%, MBB +2,8%, STB +2,2%...
Nhóm cổ phiếu thị trường, không ít được kéo tăng kịch trần như TTF, AGR, DRH, DPG, TGG, HHP, KMR và cặp đôi FLC-ROS, trong đó, FLC khớp hơn 16 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 10,9 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,83 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 3,19 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 20/7: VN-Index tăng 29,78 điểm (+2,39%), lên 1.273,29 điểm; HNX-Index tăng 9,04 điểm (+3,1%), lên 301,11 điểm; UpCoM-Index tăng 1,1 điểm (+1,33%), lên 83,69 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến phố Wall có đợt bán tháo trên diện rộng phiên ngày thứ Hai (19/7).
Biến thể Covid-19 Delta với khả năng lây lan chóng mặt hiện đang là mối đe doạ trên toàn cầu khi đã lan đến hơn 100 quốc gia.
Tại Mỹ, bất chấp việc trên 50% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, tuần trước trung bình mỗi ngày có thêm 26.000 ca nhiễm mới, CDC cho biết
Thị trường tỏ ra vô cùng lo lắng trong phiên đêm qua. Chỉ số VIX, thước đo “mức độ sợ hãi”, đã tăng 4,1 điểm lên mức 22,50, mức đóng cửa cao nhất trong hai tháng.
Tất cả 11 ngành chính trong S&P 500 đều đóng cửa chìm sâu trong vùng tiêu cực. Cổ phiếu năng lượng, bị đè nặng bởi việc giá dầu lao dốc, giảm 3,6%, chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Dow Jones giảm 725,81 điểm (-2,09%), xuống 33.962,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 68,67 điểm (-1,59%), xuống 4.258,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 152,25 điểm (-1,06%), xuống 14.274,98 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, khi lo ngại các trường hợp nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu có thể khiến đà phục hồi kinh tế chậm lại.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,96% xuống 27.388,16 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 6/1. Chỉ số Topix mất 0,96% xuống 1.888,89 điểm. Cả hai chỉ số đều giảm phiên thứ năm liên tiếp.
Trong số các cổ phiếu lớn, SoftBank Group giảm 1,57%, Fast Retailing mất 1,12% và nhà sản xuất robot Fanuc giảm 2,41%.
Điểm sáng tại Canon, tăng 9,24% sau khi nâng dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm lên 43% do nhu cầu máy in tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà sản xuất thiết bị văn phòng khác cũng tăng, với Seiko Epson tăng 5,15% và Ricoh tăng 1,8%, Nikon tăng 2,98%.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ đóng cửa vào thứ Năm và thứ Sáu để nghỉ lễ, trong đó, lễ khai mạc Tokyo 2020 vào thứ Sáu.
Chứng khoán Trung Quốc kết thúc phiên gần như không đổi, khi giới đầu tư ít phản ứng với việc Bắc Kinh giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.
Đóng cửa, Shanghai Composite đi ngang ở mức 3.536,79 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,09% xuống 5.018,99 điểm.
Các nhà hoạch định chính sách quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản cho vay một năm (LPR) ở mức 3,85%. LPR 5 năm vẫn ở mức 4,65%. Tỷ lệ này không thay đổi trong tháng thứ 15 liên tiếp, bất chấp kỳ vọng ngày càng tăng về việc nới lỏng hơn, sau khi Ngân hàng trung ương nước này cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại các ngân hàng.
LPR ổn định, xuất hiện sau khi ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất cho các khoản cho vay trung hạn (MLF) vào tuần trước, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách tránh nới lỏng toàn diện.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do nhóm cổ phiếu bất động sản gây ảnh hưởng bởi những lo lắng xung quanh vụ việc của Evergrande Group.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,84% xuống 27.259,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,94% xuống 9.864,57 điểm.
Lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng mạnh bởi những lo ngại về sức khỏe tài chính tại China Evergrande Group, khiến cổ phiếu giảm 10,23% và là cổ phiếu H (cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông) giảm mạnh nhất. Trái phiếu của công ty cũng sụt giảm.
Những lo lắng về tài chính của Evergrande vẫn tồn tại, ngay cả sau khi cơ quan quản lý nhà ở địa phương đã gỡ bỏ lệnh đình chỉ bán hàng trước đó tại hai dự án bất động sản của họ.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp, khi các ông lớn trong ngành công nghệ suy yếu, và lo lắng về các ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng trên toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,35% xuống 3.232,70 điểm.
Cổ phiếu lớn Samsung Electronics giảm 0,76%, SK Hynix giảm 0,42%. Người khổng lồ Internet Naver và nhà sản xuất pin LG Chem giảm lần lượt 0,9% và 0,61%.
Hàn Quốc đã báo cáo 1.278 ca nhiễm mới Covid-19 mới tính đến nửa đêm Thứ Hai, vẫn ở mức 4 con số, nhưng thấp hơn mức kỷ lục 1.615 của một ngày trong tuần trước.
Kết thúc phiên 20/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 264,58 điểm (-0,96%), xuống 27.388,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,33 điểm (-0,06%), xuống 3.536,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 230,53 điểm (-0,84%), xuống 27.259,25 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 11,34 điểm (-0,35%), xuống 3.232,70 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Chợ nợ xấu sắp ra mắt
Dự kiến, sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra mắt trong quý III này, trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng có diễn biến tăng và công tác xử lý nợ xấu gặp không ít thách thức..>> Chi tiết
- Cổ phiếu ngân hàng: Cơ hội sau điều chỉnh
Đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường chứng khoán bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã trong nhóm này có mức giảm mạnh hơn mức bình quân..>> Chi tiết
- Giao dịch chứng khoán: Hình thành điểm mua tốt với nhiều cổ phiếu
Nhiều cổ phiếu tốt đang rơi vào vùng quá bán trước biến động mạnh của thị trường trong hai tuần qua..>> Chi tiết
- HSBC: Chưa đến lúc bán cổ phiếu Việt Nam vì “lợi nhuận vẫn còn đó”
Theo đánh giá của Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu của Tập đoàn HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên như một thị trường “đầy triển vọng đầu tư”..>> Chi tiết
- Goldman Sachs tăng dự báo giá dầu sau thỏa thuận của OPEC+
Sau thỏa thuận mà OPEC+ đạt được hôm 18/7 khi nhóm đồng ý bắt đầu tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu cho mùa hè năm nay so với dự báo trước đó..>> Chi tiết