Nhiều ngân hàng chia sẻ, quý II năm nay vẫn kinh doanh tích cực và “đi theo đúng kế hoạch đã đề ra”.

Nhiều ngân hàng chia sẻ, quý II năm nay vẫn kinh doanh tích cực và “đi theo đúng kế hoạch đã đề ra”.

Cổ phiếu ngân hàng: Cơ hội sau điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường chứng khoán bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã trong nhóm này có mức giảm mạnh hơn mức bình quân.

Tăng giảm đan xen

Phiên 6/7, VN-Index giảm 56,34 điểm (3,94%), xuống 1.354,79 điểm, trong đó nhiều cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Tuy nhiên, chính ngân hàng lại là nhóm giúp chỉ số tăng 2,5% trong phiên kế tiếp như LPB tăng 7%, MBB tăng 5%, MBB tăng 5%, TCB tăng 4,8%...

Những phiên tiếp theo, thị trường chung giảm điểm, VN-Index đến ngày 14/7 còn 1.280 điểm, nhưng nhóm ngân hàng vẫn được nhà đầu tư quan tâm khi thanh khoản duy trì ở mức cao và giá tăng giảm đan xen, chứ không lao dốc như một số ý kiến quan ngại.

Trước khi diễn ra đợt điều chỉnh, VN-Index lập đỉnh chủ yếu nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu ngân hàng như LPB tăng 136%, VIB tăng 108%, VPB tăng 105%... trong 6 tháng đầu năm 2021, giúp chỉ số chung vượt ngưỡng 1.400 điểm, tăng 27,5%.

Cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá mạnh mẽ vì ngành này đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực khác lao đao vì dịch Covid-19 thì kết quả kinh doanh của khối ngân hàng ghi nhận những con số kỷ lục.

Thống kê báo cáo tài chính quý I/2021 của gần 30 ngân hàng cho thấy, tổng lợi nhuận đạt trên 52.000 tỷ đồng, tăng 78,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần như VietinBank là 2,7 lần. Nam A Bank hơn 3 lần, MSB hơn 4 lần, SCB hơn 6 lần, Kienlongbank 12 lần.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, khẩu vị của nhiều nhà đầu tư cá nhân hiện nay vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Chẳng hạn, anh N. T. Đạt mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán VPS cho biết, từ ngày đầu tham gia thị trường chứng khoán đến nay, anh luôn quan tâm đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, vì tính an toàn cao, lợi nhuận có xu hướng tăng trưởng.

Thị trường gần đây có diễn biến khó lường, nhưng anh đang canh mua cổ phiếu ngành này, kỳ vọng giá sẽ tăng trở lại nhờ triển vọng lợi nhuận quý III.

Tương tự, nhà đầu tư L.H.Đ mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán FPT chia sẻ: “Tôi mua cổ phiếu ngành ngân hàng vì đặt kỳ vọng cao vào báo cáo kinh doanh quý II cũng như quý III, tạo ra dư địa tăng giá. Hơn nữa, tỷ trọng của cổ phiếu ngân hàng trong VN-Index và VN30 rất lớn, để thị trường có thể đi lên được thì nhóm này cần tiếp tục dẫn dắt thị trường”.

Kỳ vọng nới room

Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính, trong quý II/2021, nhiều ngân hàng sẽ đạt lợi nhuận trước thuế có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm ACB, BID, CTG, HDB, MBB, MSB, TCB, TPB, VCB, VIB, VPB.

Trong đó, MSB có thể đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 141%; HDB đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 45%; BID đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 51%; TCB đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 57,6%.

Hiện tại, một số ngân hàng đã công bố ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 với những con số khả quan như MBB đạt 7.986 tỷ đồng, tăng 56%; CTG đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75%; MSB đạt 2.800 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng chia sẻ rằng, quý II năm nay vẫn kinh doanh tích cực và “đi theo đúng kế hoạch đã đề ra”.

Thực tế, nguồn thu chính của các ngân hàng là tín dụng tăng mạnh. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng của cùng kỳ (2,26%).

Không ít ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) nên xin Ngân hàng Nhà nước nới room lên mức 15 - 20% từ mức cũ phổ biến quanh 10%. Được biết, một số ngân hàng đã được cơ quan quản lý cho phép tăng room thêm từ 3% đến gần 6%.

Trong khi tín dụng tăng tốt, các ngân hàng được nới room và có nguồn vốn đầu vào giá rẻ khi lãi suất huy động ở vùng đáy kể từ năm 2017, chưa kể nhiều ngân hàng huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, hoặc có khoản cấp tín dụng của đối tác nước ngoài, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Một yếu tố khác giúp cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư là đa số ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Thống kê sơ bộ cho thấy, có 16 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2021, tổng mức tăng 82.700 tỷ đồng, trong đó 61.700 tỷ đồng (75%) đến từ cổ tức bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng; 18.300 tỷ đồng dưới dạng phát hành riêng lẻ/quyền mua cổ phiếu; 2.600 tỷ đồng (3%) thông qua phát hành cổ phiếu ESOP.

“Kỳ vọng, sau đợt điều chỉnh vừa qua (VN-Index từ trên 1.420 điểm xuống 1.280 điểm, nhưng cuối tuần qua tăng lên 1.300 điểm), nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt để kéo thị trường lên, lấy lại những gì đã mất”, một nhà đầu tư chia sẻ.

PGS.TS. Cao Đinh Kiên, giảng viên Bộ môn Quản trị tài chính, Trường đại học Ngoại thương nhận xét, cổ phiếu ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường. Biến động của nhóm cổ phiếu này phản ánh tương đối chính xác diễn biến của thị trường và đây là động lực quan trọng để VN-Index đạt những mốc điểm cao trong quý II/2021, lần lượt là 1.200 điểm, 1.300 điểm, 1.400 điểm.

Có 2 yếu tố giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao. Một là, kết quả kinh doanh khả quan trong quý I và quý II cũng như kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức của các ngân hàng. Hai là, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, tập trung vào các mã ngân hàng, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.

Mặc dù giá tăng cao, có những mã vượt qua mức định giá cao nhất của công ty chứng khoán, nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá là nhóm khả quan nhất trên thị trường. Tuy nhiên, nửa cuối của năm 2021 là giai đoạn mà các nhà đầu tư nên thận trọng vì các doanh nghiệp bắt đầu “ngấm đòn” từ những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn trước. Theo đó, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi khách hàng gặp khó khăn và dòng tiền có thể chảy vào các kênh đầu tư khác.

Tin bài liên quan