Chợ nợ xấu sắp ra mắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự kiến, sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra mắt trong quý III này, trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng có diễn biến tăng và công tác xử lý nợ xấu gặp không ít thách thức.

Khoảng 30% của 347.000 tỷ đồng nợ cơ cấu là nợ xấu

VietinBank cho biết, tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2021 của Ngân hàng ở mức 1,38%, thấp so với trung bình của ngành, nhưng tăng so với cuối quý I (khoảng 0,94%), do một số khoản nợ phải cơ cấu lại, mà cơ cấu thì phải chuyển thành nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý II là 110%, giảm so với con số 155,4% cuối quý I và 171% cuối năm 2020.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank mức 0,91% vào cuối quý II/2021, tăng so với con số 0,88% cuối quý I và 0,6% cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 380% cuối năm 2020 xuống 280%.

Một số ngân hàng khác có nợ xấu tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 như ABBank, với tỷ lệ 1,6% trên tổng dư nợ so với mức 1,44% cuối năm 2020… Tại TPBank, song hành với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch năm là tỷ lệ nợ xấu được các chuyên gia phân tích ước tính sẽ gia tăng.

Đại dịch Covid-19 khiến khách hàng của các ngân hàng bị ảnh hưởng rất lớn về nguồn thu, gây nên nợ quá hạn, nợ xấu.

Trước đó, thống kê tại thời điểm 31/3/2021, nợ xấu của các ngân hàng đều tăng nhẹ so với cuối năm 2020. Tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng niêm yết là 91.244 tỷ đồng, tăng 3.948 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tăng 0,02 điểm phần trăm, lên mức 1,41%.

17 ngân hàng đều có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng phổ biến từ 0,05 - 0,1%. Đáng chú ý, ACB, Vietcombank và HDBank có mức tăng lần lượt là 0,32%, 0,26% và 0,19%. Riêng VPBank, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 3,5% và tăng 0,05 điểm phần trăm.

Đó là chưa kể việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận, nhưng rủi ro cũng tăng lên.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp SHB cho hay, tình thế này là khó tránh khỏi do đại dịch Covid-19 nên khách hàng bị ảnh hưởng nguồn thu (hoạt động sản xuất, dịch vụ đình trệ, khách hàng doanh nghiệp mất nguồn thu, khách hàng cá nhân bị chậm lương, nghỉ không lương…) gây nên nợ quá hạn, nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận, các tổ chức tín dụng đang thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN cũng chính là cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, điều chỉnh những khoản nợ dưới chuẩn và những khoản nợ này tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu ở mức cao.

“Số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay là 347.000 tỷ đồng, trong đó, ước tính xấp xỉ 30% là nợ xấu phát sinh, đây là áp lực rất lớn đối với các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thị trường mua bán nợ vốn đã có sẵn

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu như chứng khoán hóa chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ. Điều đó làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ, khiến quá trình mua bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, tại sao sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành năm 2017 có quy định về việc thành lập thị trường mua bán nợ, sàn giao dịch nợ, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự được vận hành?

“Chúng ta đã có sẵn những tiền đề quan trọng cho một thị trường mua bán nợ. Đó là các bên tham gia, là ngân hàng, công ty tài chính, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Bộ Tài chính. Cũng có những nhà đầu tư sẵn sàng nhảy vào mua món nợ nếu họ nhìn thấy lợi nhuận. Thực tế, thị trường đã thành hình, chỉ cần kết hợp để có sàn mua bán nợ thì thị trường mua bán nợ sẽ phát triển, không khó khăn gì”, TS. Hiếu nói.

Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Thắng Tổng giám đốc VAMC chia sẻ, sau khi Nghị quyết 42 ra đời cùng với quy định về đấu giá tài sản, từ năm 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm.

“Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các thành viên lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ”, Tổng giám đốc VAMC cho biết.

Tin bài liên quan