Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đổi sắc

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đổi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích lên trên 1.180 điểm; Nỗi niềm khi cạn room tín dụng; Dư nợ margin giảm, số dư tiền cũng giảm; Doanh nghiệp niêm yết ngóng vốn!; Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt; IEA: Khủng hoảng nguồn cung dầu có dấu hiệu lắng bớt…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/7 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 67,60 – 68,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 9,6 USD lên mức 1.735,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng suy yếu và rơi về gần 1.710 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,36 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.201 đồng/USD, tăng 13 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.265 – 23.545 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên trên mốc 20.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và để mất ngưỡng này vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,26 USD (-2,35%), xuống 94,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,89 USD (-1,90%), xuống 97,68 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Dòng tiền chảy vào nhóm công ty chứng khoán, VN-Index đổi sắc

Sau phiên sáng giảm nhẹ với giao dịch ảm đạm, dòng tiền khô hạn, thị trường bước vào phiên chiều thêm một nhịp giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu.

Dù vậy, lực mua dần gia tăng, nhất là tại nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và thêm nhiều bluechip đảo chiều thành công, đã kéo VN-Index dần nhích lên và vượt 1.180 điểm khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán bay cao với HCM, VCI, AGR, FTS, CTS, VDS đều kết phiên ở mức giá trần. Các cổ phiếu APG +5,9%, VIX +5,2%, BSI +5,1%, ORS +4,1%, VND +4,3%, SSI +3,9%, TVB +3,5%.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ vượt trội hơn so với phần còn lại là VPH, MHC, CRE, LSS khi cũng đều đóng cửa ở sắc tím.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,56 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 148,77 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/7: VN-Index tăng 8,25 điểm (+0,70%), lên 1.182,77 điểm; HNX-Index tăng 3,39 điểm (+1,21%), lên 284,75 điểm; UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%), lên 87,19 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Tư (13/7), kể cả khi thị trường đón nhận dữ liệu lạm phát tăng cao hơn dự kiến.

Thực tế, ngoài nhịp giảm đầu phiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã phục hồi sau đó, thậm chí S&P 500 và Nasdaq còn có thời điểm vươn lên trên tham chiếu.

Bộ lao động Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tại nước này đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981, trong khi các chuyên gia kinh tế đã dự báo con số chỉ tăng 8,8%.

Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird ở Louisville, Kentucky cho biết: “Báo cáo CPI là một sự kiện rủi ro lớn, nhưng thị trường đã không biến động quá mạnh trong phiên hôm nay, bởi giới đầu tư đã dự báo về động thái thắt chặt quyết liệt của Fed từ trước, dù bất kể lạm phát có đạt đỉnh hay hạ nhiệt".

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones giảm 208,54 điểm (-0,67%), xuống 30.772,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,02 điểm (-0,45%), xuống 3.801,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17,15 điểm (-0,15%), xuống 11.247,58 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích lên, nhờ sức bật của cổ phiếu chip và ô tô do đồng yên xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,62% lên 26.643,39 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,23% lên 1.893,13 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các công ty bán dẫn và linh kiện điện dẫn đầu đà tăng trên Nikkei 225, với Keyence Corp tăng 3,48%, Tokyo Electron tăng 3,33 và Fujikura Ltd tăng 2,18%.

Cổ phiếu Suzuki Motor Corp đã tăng 3,21% sau khi thông báo vào đêm qua về việc sẽ chấm dứt tham gia vào MotoGP để tập trung nguồn lực vào tính bền vững.

Công ty mẹ của Uniqlo là Fast Retailing, một trong những thành phần có ảnh hưởng nhất đến Nikkei 225, đã tăng 1,49% trước khi công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua. Công ty được dự báo lợi nhuận tăng trưởng 11%.

Trái lại, Tokyo Electric Power là cổ phiếu có hoạt động kém nhất, giảm 7,66%. Hôm thứ Tư, tòa án quận Tokyo đã yêu cầu 4 cựu giám đốc điều hành của Công ty điện lực này phải bồi thường 13 nghìn tỷ yên (94 tỷ USD) trong vụ kiện của các cổ đông liên quan đến việc xử lý thảm họa hạt nhân Fukushima.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, khi cổ phiếu công nghệ bù đắp cho màn trình diễn yếu kém của ngân hàng và bất động sản, sau những dấu hiệu cho thấy bất ổn trong lĩnh vực bất động sản đang tràn vào hệ thống tài chính.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,08% xuống 3.281,74 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng nhẹ 0,01% lên 4.332,07 điểm.

Các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, do ngày càng nhiều người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp của các dự án bị chậm tiến độ cho đến khi việc xây dựng trở lại.

Phong trào “ngừng trả nợ thế chấp” đã lan rộng ra nhiều tỉnh của Trung Quốc, và liên quan đến hơn 100 dự án bất động sản, tờ Securities Times đưa tin hôm thứ Năm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng ngày càng sâu sắc sau khi người mua nhà đe dọa ngừng thanh toán tiền mua các dự án bị bỏ hoang.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,22% xuống 20.751,22 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,28% xuống 7.125,95 điểm.

Chỉ số theo dõi cổ phiếu nhóm bất động sản Đại lục đã không thể tăng trong hai tuần giao dịch vừa qua, mất tổng cộng 27%.

Truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin, người mua tại ít nhất 100 dự án bất động sản đang đe dọa ngừng thực hiện việc trả lãi vay tại các dự án bất động sản chậm tiến độ hoặc bị bỏ hoang.

Thị trường được hãm đà rơi nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ với JD.com tăng 2,7%, Alibaba tăng 1,2%, Meituan tăng 1,1% và BYD tăng 5,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do lo ngại lạm phát Mỹ tăng mạnh khiến quan điểm rằng Fed có thể tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,29 điểm, tương đương 0,27%, xuống 2.322,32 điểm.

Thị trường ít phản ứng với việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết thực hiện các biện pháp chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho người có thu nhập thấp và thanh niên trong thời điểm lãi suất ngày càng tăng.

Kết thúc phiên 14/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 164,62 điểm (+0,62%), lên 26.643,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,55 điểm (-0,08%), xuống 3.281,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 46,74 điểm (-0,22%), xuống 20.751,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,29 điểm (-0,27%), xuống 2.322,32 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nỗi niềm khi cạn room tín dụng

Lường trước khả năng hạn mức cho vay năm nay sẽ thấp hơn đáng kể so với năm trước, đẩy mạnh khai thác kênh phi tín dụng là giải pháp được các ngân hàng hướng đến để cải thiện nguồn thu..>> Chi tiết

- Dư nợ margin giảm, số dư tiền cũng giảm

Đợt điều chỉnh kéo dài 3 tháng qua của thị trường chứng khoán khiến dư nợ margin giảm, thanh khoản giảm, dòng tiền trên thị trường cũng giảm. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư thua lỗ, hoặc giảm dần mức lãi đạt được trong các đợt sóng tăng trước đó tỏ ra thận trọng với margin, chưa dám mạo hiểm đẩy margin lên, dù giá cổ phiếu được nhìn nhận là hấp dẫn..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp niêm yết ngóng vốn!

Nhiều doanh nghiệp đang ngóng chờ Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để có thể vay vốn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh..>> Chi tiết

- Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt

Thực tế cho thấy, dù khó khăn còn bộn bề, nhưng các nhà đầu tư Việt Nam đang xoay chuyển rất tích cực để phù hợp với điều kiện kinh doanh mới với nhiều hoạt động sôi động trong nửa cuối năm 2022..>> Chi tiết

- IEA: Khủng hoảng nguồn cung dầu có dấu hiệu lắng bớt

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đang có dấu hiệu giảm bớt khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang đè nặng lên nhu cầu dầu thô..>> Chi tiết

Tin bài liên quan