Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đảo chiều ngoạn mục

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đảo chiều ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng mạnh; Cú hích của ngành ngân hàng sau khi dịch bệnh được kiểm soát; Cổ phiếu định giá thấp, có nên tham lam?; Không nên vội “đóng cửa” trái phiếu doanh nghiệp; Fed: Tính thanh khoản của thị trường tài chính đang trở nên tồi tệ hơn...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 10/5 giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và không đổi chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 69,45 - 70,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 29 USD/ounce xuống 1.854,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục nhẹ và lên gần 1.860 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,75 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.143 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.795 – 23.075 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua lao dốc nhanh về gần 30.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và đứng tại quanh 31.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,01 USD (-1,95%), xuống 101,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,17 USD (-2,05%), xuống 103,77 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index đảo chiều tăng gần 24 điểm

Lực mua có dấu hiệu trở lại ngay khi bắt đầu phiên chiều và dù có đôi chút rung lắc sau đó, nhưng nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn giúp VN-Index tăng dần và đóng cửa tăng gần 24 điểm.

Như vậy, so với mức đáy trong phiên sáng, VN-Index đã tăng gần 60 điểm khi kết thúc phiên.

Các bluechip đáng chú ý phiên này có TPB +5,4%, FPT +4,7%, VPB +4,7%, HDB +4,6%, PDR +4,4%, VJC +4,1%, BID +3,9%, PNJ +3,9%, SSI +3,9%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền bắt đáy mạnh giúp có thêm hàng chục cổ phiếu tăng kịch trần, đáng kể như tại FLC, HQC, ITA, PVD, BCG, DLG, BAF, OGC, CMX, ANV, REE, TTA, HAR…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21,07 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 723,87 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/5: VN-Index tăng 23,94 điểm (+1,89%), lên 1.293,56 điểm; HNX-Index tăng 6,63 điểm (+2,05%), lên 330,02 điểm; UpCoM-Index tăng 2,56 điểm (+2,65%), lên 99,06 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục bị bán tháo trong phiên ngày thứ Hai (9/5) với S&P 500 lần đầu tiên kết thúc dưới mức 4.000 điểm kể từ cuối tháng 3/2021 và Nasdaq giảm hơn 4%.

Đà tăng của lãi suất tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu công nghệ như Meta (Facebook) và Alphabet (Google) lần lượt giảm 3,7% và 2,8%. Cổ phiếu Amazon, Apple và Netflix lần lượt sụt 5%, 3% và 4%, còn Tesla và Nvidia đều lao dốc hơn 9%.

Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị bán tháo, khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới kể từ cuối năm 2018 ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng 3%.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 653,67 điểm (-1,99%), xuống 32.245,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 132,10 điểm (-3,20%), xuống 3.991,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 521,41 điểm (-4,29%), xuống 11.623,25 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, nhưng mức giảm được thu hẹp đáng kể khi các nhà đầu tư bắt đầu mua lại cổ phiếu với hy vọng phục hồi của Phố Wall vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,58% xuống 26.167,10 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,85% xuống 1.862,38 điểm.

Kazuo Kamitani, Chiến lược gia tại Nomura Securities, cho biết: “Sau sự sụt giảm mạnh của Nasdaq và các chỉ số khác trên phố Wall, từ góc độ kỹ thuật, các nhà đầu tư đang bắt đầu kỳ vọng vào sự phục hồi”.

Mặc dù vậy, các tên tuổi công nghệ vẫn là điểm trừ lớn nhất trên Nikkei 225, với NTT Data, gã khổng lồ chip Tokyo Electron và Advantest, cũng như SoftBank Group và Sony Group đã “đóng góp” 100 điểm tiêu cực cho chỉ số chuẩn.

Đáng chú ý khác, cổ phiếu Japan Steel Works giảm 15,57%, sau khi tiết lộ vào đầu tuần rằng một công ty con đã làm sai lệch dữ liệu sản phẩm ít nhất từ năm 1998.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại, sau khi ngân hàng trung ương của nước này ngày hôm qua tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm cho nền kinh tế đang chậm lại và các biện pháp thúc đẩy niềm tin.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,06% lên 3.035,84 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,09% lên 3.919,87 điểm.

Li Bei, Giám đốc quỹ đầu cơ tại Shanghai Banxia Investment Management cho biết, sau khi bị các nhà đầu tư trong nước bán tháo và cắt lỗ, thị trường con gấu của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cuối.

Bà viết: “Đợt bán tháo đẫm máu đã đẩy định giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong bối cảnh triển vọng kinh tế tồi tệ nhất và phản ánh sự bi quan tột độ. Đà giảm đã gần cạn kiệt. Bất kỳ yếu tố tích cực nào cũng có thể kích hoạt một sự phục hồi mạnh mẽ”.

Chỉ số STAR50 chuyên về công nghệ của Trung Quốc đã phục hồi 2,7%, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất chip, trong khi chỉ số khởi nghiệp ChiNext tăng 2,2%.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm, do ảnh hưởng của phiên đêm qua trên phố Wall, nhưng đà rơi được chặn lại khá nhiều nhờ dòng tiền bắt đáy xuất hiện.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,84% xuống 19.633,69 điểm, dù có thời điểm mất tới 4,1%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,22% xuống 6.658,25 điểm.

Linus Yip, chiến lược gia trưởng tại First Shanghai Group, cho biết: “Mọi con mắt đang đổ dồn vào chứng khoán Mỹ. Nếu Phố Wall tiếp tục giảm, nó chắc chắn sẽ là lực cản đối với các thị trường toàn cầu, bao gồm cả Hồng Kông và Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Yip chỉ ra những dấu hiệu cho thấy dòng tiền từ Đại lục đã chảy vào chứng khoán Hồng Kông trong tuần qua để săn lùng các cổ phiếu đã giảm giá sâu gần đây.

Ông nói: “Cổ phiếu Hồng Kông đã điều chỉnh sớm hơn nhiều so với chứng khoán Mỹ, vì vậy định giá của chúng thấp hơn nhiều”.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ sáu liên tiếp xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, các biện thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,25 điểm, tương đương 0,55% xuống 2.596,56 điểm

Trong số cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,61%, SK Hynix tăng 2,33%, LG Energy Solution mất 0,13%.

Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình vào thứ Ba, trong khi bài phát biểu nhậm chức của ông có rất ít tác động đến thị trường.

Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 152,24 điểm (-0,58%), xuống 26.167,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,70 điểm (+1,06%), lên 3.035,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 368,27 điểm (-1,84%), xuống 19.633,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,25 điểm (-0,55%), xuống 2.596,56 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cú hích của ngành ngân hàng sau khi dịch bệnh được kiểm soát

Tín dụng cải thiện dần tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng, nhất là trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua. Lợi nhuận nhà băng tăng trong quý I cũng như dự báo tăng mạnh cả năm 2022 khi tình hình dịch bệnh kiểm soát, nối lại chuỗi cung ứng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu định giá thấp, có nên tham lam?

Khi thị trường đang dò đáy cũng là lúc không ít nhà đầu tư muốn tham lam..>> Chi tiết

- Không nên vội “đóng cửa” trái phiếu doanh nghiệp

Sau khi “mở toang cánh cửa” trái phiếu doanh nghiệp mà “đóng chặt” quá nhanh sẽ gây ra nguy hiểm lớn cho hệ thống..>> Chi tiết

- Fed: Tính thanh khoản của thị trường tài chính đang trở nên tồi tệ hơn

Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Hai (9/5), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cảnh báo về tình trạng thanh khoản xấu đi trên các thị trường tài chính quan trọng trong bối cảnh rủi ro gia tăng từ căng thẳng ở Ukraine, thắt chặt tiền tệ và lạm phát cao..>> Chi tiết

Tin bài liên quan