Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bay cao trong ngày đầu tháng mới

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bay cao trong ngày đầu tháng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 25 điểm; Tỷ giá tăng, lợi - hại cân bằng; Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng tháng 8; Chờ dòng tiền được “giải phóng”; Giá dầu quay đầu giảm trước thềm OPEC+ họp…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 1/8 tăng 700.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày đứng tại đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,80 – 67,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 9,7 USD lên mức 1.766,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng tiếp và lên gần 1.775 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,36 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.161 đồng/USD, giảm 15 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.210 – 23.490 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 23.200 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ đi ngang ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,87 USD (-1,90%), xuống 96,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,41 USD (-1,36%), xuống 102,56 USD/thùng.

VN-Index tăng vọt phiên đầu tháng

Thị trường ngay từ sớm đã bứt tốc và VN-Index tiến tới vùng kháng cự 1.220 điểm (MA50) với thanh khoản cải thiện và độ rộng trên bảng điện tử rất tích cực.

Đặc biệt, sự trở lại khá tích cực của các nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép, với nhóm “lead” chứng khoán, đã giúp thị trường dễ dàng vượt ngưỡng cản này và leo lên trên 1.230 điểm, tương ứng tăng hơn 25 điểm khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán bùng nổ với SSI, VND, CTS, FTS tăng kịch trần, các mã AGR, VIX, VCI đều tăng hơn 6%...

Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự trở lại của nhóm thép với HSG, NKG tăng trần, HPG +6%, TLH +5%, SMC +4,3%.

Nhóm trụ cột ngân hàng với CTG + 5,5%, BID +4,56%, VCB + 3%, MBB + 3,31%, LPB +3,62%, các mã HDB, SHB, TPB, STB tăng trên 2%...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 22,62 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 626,62 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/8: VN-Index tăng 25,02 điểm (+2,07%), lên 1.231,35 điểm; HNX-Index tăng 6,2 điểm (+0,8%) ,lên 294,62 điểm; UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,34%), lên 89,91 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần (29/7) sau dự báo lạc quan từ những gã khổng lồ Apple và Amazon.com, giúp S&P 500 và Nasdaq có tháng giao dịch tốt nhất kể từ năm 2020.

Tâm điểm của thị trường là Apple, tăng 3,3% sau khi công ty cho biết tình trạng thiếu linh kiện đang giảm bớt và nhu cầu về iPhone vẫn đang tiếp tục ở mức cao.

Ngoài ra, cổ phiếu Amazon đã tăng 10,4% sau khi dự báo doanh thu quý thứ III sẽ tăng vọt nhờ các khoản phí lớn hơn từ các gói đăng ký dành cho khách hàng thân thiết Prime.

Chứng khoán Mỹ cũng đã tích cực hơn trong tuần này, do các nhà đầu tư suy đoán rằng Fed có thể không cần phải quá mạnh tay trong việc tăng lãi suất như một số dự báo lo ngại.

Trong tuần qua, với Dow Jones tăng gần 3%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt vọt 4,3% và 4,7%.

Trong tháng 7, Dow Jones tăng 6,7%, còn S&P 500 tăng khoảng 9,1%, Nasdaq tăng khoảng 12,3%.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 315,50 điểm (+0,97%), lên 32.845,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 57,86 điểm (+1,42%), lên 4.130,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 228,09 điểm (+1,88%), lên 12.390,69 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi một số báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, trong khi sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã cản trở đà đi lên của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,69% lên 27.993,35 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,02% lên 1.960,11 điểm.

Phiên này, cổ phiếu Drugmaker Sumitomo Pharma tăng 8% sau khi công bố lợi nhuận quý II vào tuần trước. Ajinomoto, nhà sản xuất loại gia vị bột ngọt phổ biến, đã tăng 6,4% cũng nhờ kết quả lợi nhuận tích cực.

Tuy nhiên, Sony đã giảm 3,2% sau khi tập đoàn này cắt giảm triển vọng lợi nhuận, do sự quan tâm của người tiêu dùng suy giảm.

Các hãng điện tử Fujitsu và Alps Alpine lần lượt giảm 6,6% và 13,4%, khi chi phí nguyên vật liệu và hậu cần tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, sau khi người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán của nước này cho biết, sẽ ưu tiên hàng đầu các hoạt động ổn định của thị trường vốn.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,21% lên 3.259,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,45% lên 4.188,68 điểm.

“Chúng ta phải luôn kiên quyết ngăn chặn những biến động bất thường trên thị trường chứng khoán,” Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho biết.

Cổ phiếu năng lượng, chất bán dẫn và năng lượng mới tăng từ 1,5% đến 2,2%, sau khi Trung Quốc thông báo sẽ gia hạn miễn thuế mua đối với các loại xe “năng lượng mới” (NEV).

Chứng khoán Hồng Kông gần như đi ngang, khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi chặt chẽ các diễn biến địa chính trị khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bắt đầu chuyến công du ở châu Á.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,05% lên 20.165,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,13% xuống 6.876,71 điểm.

Các nhà phát triển bất động sản Đại lục giao dịch ở Hồng Kông giảm 1,1% xuống mức thấp kỷ lục, sau khi một cuộc khảo sát tư nhận cho thấy, giá nhà mới trong tháng 7 và lượng bán đều giảm so với một tháng trước đó.

Đáng chú ý là cổ phiếu, Tập đoàn Alibaba giảm 3,8% tại Hồng Kông, sau khi trở thành một trong những công ty đối mặt với rủi ro hủy niêm yết từ Mỹ.

Thông tin đáng chú ý là việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chuẩn bị chuyến công du bốn nước châu Á, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng bà có thể mạo hiểm với cơn thịnh nộ của Bắc Kinh bằng cách đến thăm Đài Loan.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ít thay đổi vào thứ Hai, do tâm lý thận trọng xuất phát từ các chỉ số kinh tế trong và ngoài nước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,75 điểm, tương đương 0,03% lên 2.452,25 điểm.

Nhà phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết thị trường không có định hướng rõ ràng khi các chỉ số kinh tế xung đột với nhau trong bối cảnh lo ngại suy thoái phổ biến.

Theo đó, Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 7 do nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ bù đắp cho doanh số bán hàng yếu kém từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng báo cáo dữ liệu hoạt động của nhà máy tồi tệ hơn dự kiến ​​khi nước này phải vật lộn để phục hồi sau đợt bùng phát Covid-19.

Kết thúc phiên 1/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 191,91 điểm (+0,69%), lên 27.993,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,72 điểm (+0,21%), lên 3.259,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 9,33 điểm (+0,05%), lên 20.165,84 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 0,75 điểm (+0,03%), lên 2.452,25 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá tăng, lợi - hại cân bằng

Xét cán cân thương mại chung thì chênh lệch giữa bên hưởng lợi và bên bị thiệt khi tỷ giá tăng hay giảm là không nhiều..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng tháng 8

VN-Index sau khi lùi xuống 1.150 điểm trong tuần đầu tháng 7 đã có diễn biến khả quan hơn, cuối tháng đóng cửa trên ngưỡng 1.200 điểm, kỳ vọng chỉ số đã tạo được vùng đáy ngắn hạn..>> Chi tiết

- Chờ dòng tiền được “giải phóng”

Hai phiên cuối tuần qua, VN-Index có một phiên tăng mạnh và một phiên “trả điểm” nhẹ nhàng, trái ngược với lo ngại của nhiều nhà đầu tư về một cú sụt giảm mạnh khi Fed tăng lãi suất và Mỹ công bố GDP âm quý thứ hai liên tiếp..>> Chi tiết

- Giá dầu quay đầu giảm trước thềm OPEC+ họp

Giá dầu sụt giảm ngay phiên giao dịch đầu tuần 1/8 do giới giao dịch dè chừng quan sát diễn biến xung quanh cuộc họp điều chỉnh sản lượng của OPEC và các đồng minh trong tuần này..>> Chi tiết

Tin bài liên quan