VN-Index hồi phục nhẹ sau liên tiếp 6 phiên giảm
Mặc dù lực cầu tham gia khá yếu nhưng cung giá thấp được tiết chế đã giúp thị trường hồi phục, VN-Index theo đó bật tăng, nhưng sau đó dần đuối sức và đi ngang dưới mốc 950 điểm.
Bước sang phiên chiều, dù có đón nhận thêm những nhịp rung lắc nhưng trụ đỡ VNM cùng các bluechip đã làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ giúp thị trường nới rộng đà tăng hơn về cuối phiên.
VNM nới rộng khoảng cách về cuối phiên với mức tăng 1,5%. Bên cạnh đó, VIC, VCB cũng đã nhích nhẹ, BVH và VRE hồi phục tăng 0,7%, GAS tăng 1,2% lên, NVL tăng 1,2% … cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường.
Nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà hồi phục với BID tăng 2,9%, TCB tăng 1,5%, TPB tăng 4,7%, CTG tăng 1%, HDB tăng 1,7% …
Trong khi đó, VHM giảm nhẹ 0,6%, một số mã khác như VJC hay thành viên mới HVN cũng điều chỉnh nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng có diễn biến khá tích cực với nhiều mã đảo chiều tăng như PVD tăng 2,3%, HSG tăng 1,4%, AAA tăng 1,8%, FLC tăng 0,4%
Ngoài ra, DXG, ITA, TTF, PPI… cũng khởi sắc với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,03 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 208,72 tỷ đồng, tăng mạnh 95,82% về lượng và 93,98% về giá trị so với phiên hôm qua (bán ròng 107,6 tỷ đồng).
Kết thúc phiên giao dịch 10/5: VN-Index tăng 5,54 điểm (+0,58%), lên 952,55 điểm; HNX-Index tăng 0,6 điểm (+0,57%), lên 105,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,5%), lên 55,15 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Hôm thứ Năm, phái đoàn của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã tới Washington để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ. Cuộc đàm phán kéo dài trong 2 ngày thứ Năm và thứ Sáu (10/5).
Giới đầu tư đang chờ đợi những đột phá trong cuộc đàm phán này, nếu không cuộc chiến sẽ leo thang trở lại khi Mỹ chính thức tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 10% lên 25% bắt đầu tư ngày 10/5. Trong khi Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn nếu Mỹ tăng thuế.
Chờ đợi kết quả chính thức từ cuộc đàm phán này nên giới đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro như chứng khoán, khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm.
Tuy nhiên, đà giảm đã được hãm lại cuối phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã nhận được lá thư tuyệt đẹp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giúp giới đầu tư kỳ vọng vào thỏa thuận sẽ đạt được trong tuần này.
Thậm chí, ngay cả khi Mỹ đánh thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, một số nhà giới phân tích vẫn lạc quan cho rằng, một thỏa thuận là trong tầm tay.
Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 138,97 điểm (-0,54%), xuống 25.828,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,70 điểm (-0,30%), xuống 2.870,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,73 điểm (-0,41%), xuống 7.910,59 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm ngày thứ 5 liên tiếp sau khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ gây thiệt hại lớn hơn đối với các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,27% xuống 21.344,92 điểm. Trong tuần, chỉ số này mất 4,1%.
Topix mất 0,08% xuống 1,549,42 điểm. Chỉ số này mất 4,2% trong tuần.
Yutaka Miura, nhà phân tích kỹ thuật tại Mizuho Securities cho biết, cổ phiếu của Nhật Bản có thể giảm hơn nữa nếu phố Wall thua lỗ sau khi thuế quan đối với Trung Quốc có hiệu lực.
Mặc dù các cổ phiếu theo chu kỳ như vận tải giảm như Kawasaki Kisen và Mitsui OSK Lines lần lượt giảm 2,3% và 1,5%. Nhưng một số cổ phiếu xuất máy móc tiếp xúc nhiều với Trung Quốc đã được mua bắt đáy với Fanuc Corp tăng 0,8% và Yaskawa Electric tăng hơn 2,3%.
Panasonic Corp giảm 6,5% sau khi dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm tính đến hết tháng 3/2020 giảm 27% xuống còn 300 tỷ yên (2,7 tỷ USD) so với một năm trước đó. Sự sụt giảm này vượt xa con số chỉ hụt 12% mà các nhà phân tích dự kiến trước đó.
Mitsubishi Motors giảm 13,8% sau khi Nomura Securities giảm giá mục tiêu 23% xuống còn 560 yên/cổ phiếu, với lý do đồng yên tăng giá so với đồng đô la Úc và đồng euro.
Subaru Corp đã giảm 2,7% sau khi vô tình tải kết quả tài chính lên trang web sớm hơn dự định với lợi nhuận hoạt động đã giảm 48,5% xuống còn 195,53 tỷ Yên (1,78 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa qua, do một loạt các vụ thu hồi xe, ngừng sản xuất và gian lận kiểm tra khí thải.
Chứng khoán Trung Quốc được giải cứu trong phiên chiều bởi các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn, sau khi mất điểm trong phiên sáng. Tuy nhiên, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã không bình luận về điều này.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 3,1% lên 2.939,21 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 3,63% lên 3.730,45 điểm.
Tuy nhiên, Shanghai Composite vẫn giảm 4,5% trong tuần do ảnh hưởng nặng nề từ phiên bán tháo ngày thứ Hai. Chỉ số này giảm 10% kể từ mức đỉnh cao nhất hồi tháng Tư.
Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ chiếm lĩnh tâm lý thị trường trong tuần này. Ông Donald Trump đã làm dịu giọng điệu diều hâu của mình, nói với các phóng viên rằng một thỏa thuận thương mại vẫn là có khả năng đạt được.
Điều đó khiến giới đầu tư tăng việc đánh cược vào cổ phiếu, ngay cả khi Nhà Trắng chính thức tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc lên 25% từ ngày thứ Sáu.
Cổ phiếu ngành rượu, công nghệ và cổ phiếu bảo hiểm đứng đầu danh sách tăng với Wuliangye Yibin tăng 8,1% và Sichuan Swellfun tăng 7%, China National Software and Service tăng 10% tệ và New China Life Insuranceđã tăng 6,6%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng nhận hiệu ứng tích cực từ thị trường Đại lục, và cũng vọt lên ngay khi giao dịch trở lại sau giờ nghỉ trưa.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,84% lên 28.550,24 điểm, cắt lỗ hàng tuần xuống còn 5,1%.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises, hay chỉ số H-share, cũng tăng 0,79% lên 10.931,05 điểm.
Tập đoàn công nghệ quang học Sunny và Sino Biopharmaceutical là những nhóm tăng mạnh nhất, hơn 5%.
Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 57,21 điểm (-0,27%), xuống 21.344,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 88,26 điểm (+3,1%), lên 2.939,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,17 điểm (+0,84%), lên 28.550,24 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC tăng mạnh về cuối ngày. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.380 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,24 - 36,43 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.057 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.260 - 23.380 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Hệ thống ngân hàng vẫn kêu phải làm thay việc thị trường vốn
Hiện cho vay vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 50 - 60%, đè nặng lên hệ thống ngân hàng, trong khi hệ thống này sinh ra là để cho vay ngắn hạn. Đây là rủi ro lớn và cần phải thay đổi về lâu dài..>> Chi tiết
- Giải mã cổ phiếu lệch pha kết quả doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp đều có một câu chuyện riêng, bên cạnh đó, triển vọng ngành và cả thị trường đều có tác động lớn đến giá cổ phiếu..>> Chi tiết
- Nóng chuyện chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) tại Việt Nam
Công cụ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) một lần nữa được các chuyên gia kinh tế - tài chính đề cập tới như một hướng đi khả thi cho bài toán hút vốn ngoại..>> Chi tiết
- Chứng khoán 2019: Nền tảng vẫn vững
So với tăng trưởng GDP, tăng trưởng lợi nhuận trong quý I của khối doanh nghiệp niêm yết đã chậm lại, song triển vọng lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn có tín hiệu tốt..>> Chi tiết
- Tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng gia tăng
Năm 2018, số lượng doanh nghiệp vỡ nợ, không đủ khả năng trả nợ trái phiếu tại Trung Quốc thiết lập kỷ lục cao nhất kể từ khi các số liệu được thu thập. Vậy nhưng, kỷ lục này nhiều khả năng sẽ sớm bị xô đổ năm 2019..>> Chi tiết