Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 13-20/8: Covid nhấn chìm thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 13-20/8, giá cả hầu hết các loại mặt hàng đều giảm sâu với nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại những thị trường lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… khiến lo ngại nhu cầu tiêu thụ giảm gia tăng trên toàn cầu.

Năng lượng: Giá dầu và khí LNG cùng giảm mạnh, than tiếp tục tăng

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần 20/8, cũng là phiên giảm giá thứ 7 liên tiếp, qua đó xác lập tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua.

Theo đó, kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,27% (-1,9%) xuống 65,18 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 và tính cả tuần giảm khoảng 8%; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giao tháng 9/2021 cũng giảm 1,37 USD (-2,2%) xuống 62,32 USD/thùng và cả tuần giảm hơn 9%.

Hàng loạt yếu tố tác động không mấy tích cực lên xu hướng giá dầu. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế mới với chính sách “không khoan nhượng”, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc đều đã áp đặt các hạn chế về hàng không. Một số công ty Mỹ đã trì hoãn kế hoạch quay trở lại làm việc. Theo Bloomberg, Apple - công ty lớn nhất Mỹ tính theo giá trị thị trường, hoãn việc đưa công nhân trở lại làm việc cho tới đầu năm 2022.

Trong khi dịch bệnh lây lan mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới khiến nhu cầu nhiên liệu giảm thì nguồn cung vẫn tăng đều đặn. Công ty Dịch vụ Baker Hughes cho biết sản lượng của Mỹ đã tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây nhất. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang dần tăng nguồn cung vốn đã bị siết chặt khi đại dịch bùng phát.

Bên cạnh đó, việc USD đạt mức cao nhất hơn 9 tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh tín hiệu đang xem xét việc giảm kích thích tài chính trong năm nay cũng góp phần làm giảm giá dầu, bởi giá mặt hàng này thường đi ngược chiều so với USD.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á tuần qua giảm do giá khí đốt và dầu ở châu Âu giảm trước cuộc cạnh tranh về nguồn cung nhiên liệu ngắn hạn giữa hai châu lục dịu lại. Cụ thể, giá LNG trung bình đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 10/2021 tại khu vực Đông Bắc Á tuần qua ở mức khoảng 15,50 USD/mBtu, giảm 1,55 USD so với tuần trước nữa; giá kỳ hạn tháng 9/2021 vào khoảng 15,20 USD/mBtu.

Giá khí đốt kỳ hạn tương lai ở châu Âu cũng giảm sau khi Gazprom của Nga nâng dự kiến về lượng cung cấp cho châu lục này, ít nhất cũng giúp giá hạ nhiệt trong bối cảnh khu vực này cố gắng gia tăng lượng dự trữ cho các kho đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua.

Giá than tiếp tục tăng ở nhiều thị trường. Đơn cử, giá than Nam Phi đạt mức cao nhất trong nhiều năm, đạt trên 140 USD/tấn do hệ thống đường sắt nối các tỉnh sản xuất than của Nam Phi và cảng Richards Bay gặp vấn đề. Hoạt động giao dịch gia tăng của người tiêu dùng Ấn Độ hỗ trợ thêm cho giá than.

Tại Trung Quốc, giá than NAR 5500 kcal/kg sản xuất trong nước tại cảng Qinhuangdao giảm xuống dưới 155 USD/tấn do khách hàng đang ở trạng thái chờ đợi vì giá cao tại thị trường nội địa. Vào ngày 12/8/2021, Chính phủ Trung Quốc thông báo nối lại sản xuất than tại 53 mỏ sau các đợt nắng nóng và sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh chóng, thúc đẩy nhu cầu năng lượng. Dự kiến các mỏ sẽ cung cấp 44 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc.

Giá than nhiệt của Úc giữ ở mức 175 USD/tấn do nguồn cung than xuất khẩu ra thị trường quốc tế bị hạn chế. Từ 5/8 – 20/8/2021, lệnh cấm khai thác than được áp dụng tại các vùng sản xuất than quan trọng của nước này do sự bùng phát của Covid-19 mới. Giá than luyện cốc từ Úc tăng lên mức 225 USD/tấn.

Giá than Indonesia vẫn ở mức 125 USD/tấn do Chính phủ Indonesia áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu than, trong khi người tiêu dùng từ các nước châu Á - Thái Bình Dương giảm nhu cầu than của họ.

Kim loại: USD tăng cứu giá vàng, các kim loại khác đều giảm mạnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng biến động nhẹ ở phiên cuối tuần 20/8 trong bối cảnh USD tăng gây áp lực giảm giá, nhưng lo ngại ngày càng tăng lên về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến giúp củng cố nhu cầu đối với vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Kết thúc phiên 20/8, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.782,45 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,1% lên 1.784 USD/ounce. Tính đến nay, giá vàng tăng khoảng 6% từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua là 1.684,37 USD/ounce hồi tuần trước.

Lo lắng về sự phục hồi kinh tế chậm lại và khả năng Fed có thể giảm kích thích kinh tế đã làm giảm nhu cầu đối với những tài sản rủi ro hơn. Song, USD cũng được hưởng lợi từ nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn nên tăng mạnh, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Nhận định về giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia đặt niềm tin giá kim loại quý này sẽ phát triển theo hướng tích cực và có tăng lên trên 1.800 USD/ounce trong ngắn hạn.

Trong khi giá vàng nhích nhẹ thì một số kim loại quý khác lại giảm mạnh, đơn cử giá bạc giảm 0,8% xuống 23,05 USD/ounce trong phiên 20/8 cũng như cả tuần, qua đó ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp; palladium cũng giảm 1,6% xuống 2.276,17 USD/ounce trong phiên này và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi mất tới 14%; còn platinum tăng 2,1% lên 994,18 USD/ounce ở phiên này, nhưng cả tuần vẫn giảm 3%.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021, bất chấp việc tăng giá trong phiên cuối tuần, do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc giảm - nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới, bên cạnh khả năng Mỹ giảm kích thích kinh tế và số ca nhiễm Covid-19 tăng lên.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,8% lên 9.055 USD/tấn trong phiên 20/8, hồi phục từ mức thấp nhất kể từ ngày 1/4/2021 ở phiên liền trước 19/8 (8.894 USD/tấn). Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng này vẫn mất hơn 5% giá trị.

Các kim loại cơ bản khác biến động thất thường trong phiên này: Giá nhôm tăng 0,3% lên 2,553 USD/tấn; kẽm giảm 0,8% xuống 2,929 USD/tấn; chì tăng 0,1% lên 2,263 USD; thiếc giảm 4,2% về 31,730 USD/tấn và nickel tăng 0,4% lên 18,460 USD/tấn.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng nhẹ trong phiên 20/8 sau chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, nên tính cả tuần vẫn giảm và là tuần thứ 5 liên tiếp do những bất ổn trên thị trường gia tăng trước triển vọng nhu cầu yếu ở nước xuất khẩu thép hàng đầu thế giới Trung Quốc.

Theo đó, hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất - kỳ hạn tháng 1/2022 - trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 784,50 CNY (120,67 USD)/tấn, song cả tuần giảm gần 6%.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 - giao dịch sôi động nhất - trên sàn Singapore phiên 20/8 cũng tăng 5,6% lên 137,85 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng ở phiên liền trước, nhưng cả tuần cũng giảm; quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giảm xuống dưới mức 150 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Giá quặng sắt giảm có liên quan đến nhu cầu thép trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc yếu đi”.

Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên cuối tuần qua cũng tăng 1,5%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,3%, nhưng tính chung cả tuần giá cả 2 loại đều giảm. Thép không gỉ giảm 1,2%.

Nông sản: Đồng loạt lao dốc

Đậu tương đóng cửa tuần từ 13-20/8 với mức giảm 5,44% về 1.290,75 cents/giạ - mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua. Các số liệu tích cực về chất lượng đậu tương ở phần lớn các vùng gieo trồng sau cuộc khảo sát của Pro Farmer, kết hợp với khung thời tiết thuận lợi ở phía Bắc Midwest (Mỹ) trong vài ngày tới đã khiến giá rơi khỏi mốc hỗ trợ tâm lý 1.300 cents/giạ.

Dầu đậu tương chứng kiến mức giảm rất mạnh hơn 10% trong tuần qua, về mức 56,65 cents/pound. Thị trường dầu thô trải qua 7 phiên giảm liên tiếp là yếu tố chính gây sức ép lên mặt hàng này, bên cạnh tâm lý e ngại rủi ro đối với thị trường hàng hóa sau biên bản họp FOMC của Fed. Diễn biến trái chiều này khiến cho giá khô đậu tương chỉ giảm nhẹ 1,53% về 345,9 UDS/tấn Mỹ.

Giá ngô giảm mạnh 6,28% về mức 537 cents/giạ, phá vỡ vùng nền tích luỹ đi ngang từ cuối tháng 7/2021. Bên cạnh những lo ngại về nguồn cung được giảm bớt, triển vọng tiêu thụ ngô trong pha trộn nhiên liệu sinh học có thể giảm xuống là yếu tố tạo tác động “bearish” lên giá.

Lúa mì CBOT cũng giảm gần 6% về 537 cents/giạ do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực của giá ngô. Việc USD đang ở mức cao nhất trong 10 tháng trở lại đây khiến cho giá lúa mì Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn cũng tạo áp lực lên giá.

Nguyên liệu công nghiệp: Cũng giảm theo đà thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/8, giá đường kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 0,21% (-1,1%) xuống 19,58 cent/lb, trong phiên có lúc giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 5,50 USD (-1,1%) xuống 489 USD/tấn.

Giá đường ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ sau khi đạt mức cao kỷ lục 4,5 năm là 20,37 US cent/lb trong phiên 17/8 bởi dự báo sản lượng ở khu vực Trung Nam Brazil sụt giảm trong mùa này. Tuy nhiên, giá đường thô dự báo sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng khoảng 30%.

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn New York giảm xuống thấp nhất 10 phiên do ảnh hưởng từ xu hướng giảm giá chung của thị trường hàng hóa và giảm bớt lo ngại về mùa vụ của Brazil bởi tổn thất do băng giá có thể không nhiều như những ước tính ban đầu.

Theo đó, giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 kết thúc phiên này gần như không thay đổi so với phiên trước, ở mức 1,815 USD/lb, trong phiên có lúc giảm xuống mức 1,7810 USD/lb. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 11/2021 tăng 19 USD (+1%) lên 1.882 USD/tấn.

Thị trường cà phê tiếp tục điều chỉnh giảm từ mức cao nhất gần 7 năm đạt được hôm 26/7 do lo ngại về sản lượng của Brazil. Theo Commerzbank, mức độ thiệt hại đối với sản lượng cà phê vụ này sẽ vào khoảng 7%. Còn Rabobank lưu ý rằng, vẫn còn sớm để có một ý tưởng rõ ràng về thiệt hại sẽ như thế nào đối với hoạt động sản xuất của Brazil.

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm trong phiên 20/8, qua đó ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong vòng 4 tuần gần nhất, sau khi dữ liệu từ Chính phủ Nhật cho thấy giá hàng hóa tăng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đang tác động đến kinh tế nước này.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Osaka giảm 9,3 JPY(-4,1%) xuống 215,5 JPY/kg, tính cả tuần giảm 3,2%. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2021 giảm 3,2% xuống 14.240 CNY/tấn.

Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 7/2021 đã thu hẹp tốc độ giảm hàng năm trong ba tháng liên tiếp, một dấu hiệu cho thấy lạm phát hàng hóa toàn cầu đang bù trừ phần nào áp lực giảm phát từ đợt giảm chi tiêu do đại dịch gây ra. Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật đã tăng lên mức cao kỷ lục vào ngày thứ Tư (18/8), một ngày sau khi Chính phủ Nhật mở rộng các biện pháp khẩn cấp để chống lại làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta.

Giá dầu cọ Malaysia hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 25 ringgit +0,59%) lên 4.263 ringgit (1.006,37 USD)/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất trong ngày là 1,3%.

Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia từ ngày 1-20/8 giảm 8,73% xuống 788.211 tấn so với cùng kỳ tháng 7/2021, theo Công ty Giám định độc lập AmSpec Agri Malaysia.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel (giạ) lúa mỳ hoặc đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel (giạ) ngô = 25,4 kg). (USD hoặc cent/lb; 1 USD = 100 cent, 1 lb ~ 0,45Kg; đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel (giạ) lúa mỳ hoặc đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel (giạ) ngô = 25,4 kg).

(USD hoặc cent/lb; 1 USD = 100 cent, 1 lb ~ 0,45Kg; đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan