Chính thức nới room cho nhà đầu nước ngoài
Thông tin nổi bật nhất trong tuần qua và nhận được nhiều sự quan tâm và mong chờ của nhà đầu tư là việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015 thay thế Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Nghị định 60, thay vì cào bằng một mức room như quy định hiện hành, quy định mới mở room theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Cụ thể, ngoại trừ các trường hợp có quy định theo cam kết mở cửa, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện…, thì với các công ty đại chúng khác, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Nghị định này được kỳ vọng không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, mà còn thúc đẩy quá trình cổ phần hóa mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai diễn ra nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn, thu hút them nhiều nguồn vốn chảy vào thị trường, nhất là trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ chủ trì đoàn xúc tiến đầu tư tại Mỹ trong tuần đầu tháng 7. (xem chi tiết)
Nóng câu chuyện của những mã nóng
Cũng liên quan đến TTCK nhưng không phải là thông tin chính sách mà liên quan trực tiếp đến cổ phiếu của doanh nghiệp. Ba mã chứng khoán là tâm điểm chú ý của thị trường tuần qua là OGC, SHN và JVC.
Với OGC, cổ phiếu này trượt dài sau khi dàn nhân sự chủ chốt vướng vòng lao lý. Cuối tuần trước ĐHCĐ thường niên 2015 của OGC đã tổ chức bất thành, nhưng điều khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi với cổ phiếu này là, trong khi tình hình kinh doanh của OGC mà nhà đầu tư nhận đước trước ngày Công ty tổ chức ĐHCĐ vẫn là lãi sau thuế 403 tỷ đồng năm 2014 - kết quả kinh doanh công bố chính thức theo BCTC quý IV/2014 trên Sở GDCK TP. HCM và trên website chính thức của DN. Thế nhưng, trong tài liệu phát cho cổ đông tại ngày 20/6, OGC đã đưa ra một bức tranh hoàn toàn khác về lợi nhuận 2014: lỗ sau thuế 1.307 tỷ đồng! Vậy đâu mới là kết quả thực tại doanh nghiệp này?
Ngược lại với OGC, sau khi lộ diện đại gia sẽ thực hiện tái cấu trúc toàn diện cùng Công ty, cổ phiếu SHN đã có bước tiến dài, với mức tăng giá cổ phiếu được tính bằng lần. ĐHCĐ của SHN mới đây cũng khiến nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng khi thong qua kết quả kinh doanh khủng với doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận 350 tỷ đồng, xoá hết lỗ luỹ kế là 319 tỷ đồng và tăng vốn khủng lên tận 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, JVC cũng lao dốc với tình trạng mất thanh khoản sau khi Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng công ty này bị tạm giam để điều tra về những sai phạm cá nhân. Tuy nhiên, sau khi tân Chủ tịch mới có tâm thư gửi đến các nhà đầu tư, JVC đã thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản, nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng nằm sàn.
Liệu SHN, OGC, JVC có thoát khỏi tình trạng lùm xùm hiện tại và đi lên hay không chắc phải chờ thời gian trả lời!
>> OGC, phía sau ĐHCĐ bất thành
>> Từ vụ JVC: Lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, quyền lợi cổ đông nhỏ ra sao?
Bất động sản có quay lại tình trạng bong bong?
Tuần qua, thị trường bất động sản có gì? Bên cạnh những tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng như vẫn thường thấy, thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu xuất hiện những lo ngại đằng sau sự sôi động.
Đó là Sự tham gia của đội ngũ nhà đầu tư, đầu cơ khiến giá căn hộ nhiều dự án đã bị đẩy lên cao, tăng liên tục trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Hai là, Lo ngại tín dụng chảy vào bất động sản có thể gây “bong bóng” nhà đất khi cho vay mua bất động sản thương mại đang ngày một dễ dãi.(Xem chi tiết)
Bà Châu Thị Thu Nga chính thức bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII đã khép lại. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có nhiều luật quan trọng về tổ chức bộ máy cũng như các luật liên quan chặt chẽ tới môi trường kinh doanh như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Phí, lệ phí, Luật Kế toán…
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét thông qua 9 Nghị quyết, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về tăng cường biện pháp phòng, chống oan, sai và đảm bảo bồi thường thiệt hại…
Ngoài ra, Quốc hội đã bỏ phiếu chính thức bãi miễn đại biểu Châu Thị Thu Nga do không đủ điều kiện tư cách, mất uy tín trước cử tri và nhân dân.
Hy Lạp đứng trước bờ vực vỡ nợ
Trên đây là những tin tức đáng chú ý của thị trường tài chính trong nước, còn trên thế giới, tất cả con mắt đang đổ dồn vào diễn biến tại Hy Lạp.
Trong ngày thứ Sáu, 1 ngày trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro có tính quyết định tới số phận Hy Lạp, Athens đã bác bỏ một phần gói cứu trợ ngắn hạn 5 tháng.
Hy Lạp cần gói cứu trợ mới để trả khoản nợ 1,8 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày 30/6, nếu không quốc gia này sẽ vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro.
Trên kênh truyền hình quốc gia rạng sáng nay (27/6) tại Athens, ông Tsipras thông báo sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào 5/7 và lên tiếng chỉ trích thái độ phó mặc cũng như những yêu cầu mang tính xúc phạm của Liên minh châu Âu đối với vấn đề nợ của nước này.
Đây có thể nói là động thái đáng ngạc nhiên của ông Tsipras, bởi trong hôm nay, nhà lãnh đạo cấp cao các nước EU sẽ tiếp tục nhóm họp nhằm tìm cách đạt được thỏa thuận cuối cùng, mở khóa gói cứu trợ 15,5 tỷ euro (17,3 tỷ USD) dành cho Hy Lạp, đồng thời mở rộng thời hạn chương trình cứu trợ hiện tại tới tháng 11. Đổi lại, Hy Lạp phải cam kết cắt giảm quỹ lương hưu và đánh thuế cao hơn vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.