Ông Nguyễn Anh Phong

Ông Nguyễn Anh Phong

Sẽ phân bảng cổ phiếu trên UPCoM

(ĐTCK) Với những nỗ lực cải tiến cơ chế giao dịch sàn UPCoM của Sở GDCK Hà Nội (HNX) và “cây gậy pháp lý” Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, trong năm 2015, số DN đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã tăng mạnh. 

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, hiện vẫn còn hơn 800 công ty đại chúng chưa lên sàn và HNX kỳ vọng, sự ra đời của Thông tư 180/2015/TT-BTC sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong việc tham gia TTCK trong thời gian tới. 

Quyết định số 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN. Ông đánh giá thế nào về tính tuân thủ của các DN sau 1 năm Quyết định 51 có hiệu lực?

Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đã tác động tích cực đến tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa các DNNN. Đối với việc tham gia TTCK của các DN sau cổ phần hóa, có thể nhìn thấy rõ chuyển biến qua con số 59 DN đã hoàn thiện hồ sơ và được chấp thuận niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM tính từ đầu tháng 11/2014 đến cuối tháng 10/2015 (trong đó, 10 DN niêm yết và 49 DN đăng ký giao dịch trên UPCoM).

So với tổng số DNNN đã hoàn thành cổ phần hóa thì số DN lên niêm yết và giao dịch trên UPCoM vẫn còn khiêm tốn, nhưng phần nào cho thấy tác động tích cực của Quyết định 51 cũng như những tín hiệu lạc quan đối với TTCK nói chung và thị trường UPCoM nói riêng.

Đặc biệt, thị trường UPCoM đã có chuyển biến rõ nét, cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2015, HNX đã chấp thuận đăng ký giao dịch cho 86 công ty, với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 25.878 tỷ đồng, cao hơn so với con số 41 công ty với tổng giá trị đăng ký giao dịch 5.604 tỷ đồng của năm 2014 và 14 công ty với giá trị đăng ký giao dịch 1.721 tỷ đồng của năm 2013.

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM trong hơn 10 tháng đầu năm 2015 cũng tăng đột biến, đạt 10.983 tỷ đồng, cao gấp 2,03 lần tổng giá trị giao dịch cả năm 2014 và gấp 21,5 lần so với cả năm 2013.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN tuân thủ nghiêm túc Quyết định 51 thì còn nhiều DN thuộc đối tượng phải lên sàn, đến nay vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc đã nộp hồ sơ nhưng lại cố tình trì hoãn, không hoàn thiện hồ sơ theo quy định. 

HNX có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy các DN thuộc đối tượng này lên sàn, thưa ông?

Để các DN tuân thủ Quyết định 51 triệt để hơn, theo tôi, cần có một số giải pháp sau: Thứ nhất, về khung pháp lý, cần bổ sung chế tài xử phạt đối với các trường hợp không tuân thủ Quyết định.

Thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, đến hết tháng 10, tại HNX có 371 DN niêm yết cổ phiếu, với tổng khối lượng niêm yết đạt 10.402 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị niêm yết hơn 104.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường UPCoM có 237 DN đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch.

Tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), tính đến hết tháng 10, có 308 DN đưa cổ phiếu vào niêm yết. Như vậy, tính chung 3 thị trường (HOSE, HNX, UPCoM), có tổng cộng 916 DN đưa cổ phiếu lên giao dịch trên TTCK.

Thứ hai, về giải pháp kỹ thuật, cần phải đưa cổ phiếu của DNNN đã cổ phần hóa lên giao dịch trên sàn ngay sau khi đấu giá tại sở GDCK. Hiện nay, HNX đang khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thị trường Pre – UPCoM trình Bộ Tài chính theo hướng cổ phiếu của nhà đầu tư trúng giá sẽ được giao dịch trên sàn Pre – UPCoM sau khi hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần.

Theo quy định trước đây, các doanh nghiệp nhà nước sau khi IPO, phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dưới hình thức công ty cổ phần, thì cổ phiếu mới được giao dịch tại thị trường UPCoM. Hiện nay, theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhà nước sau khi IPO sẽ được giao dịch trên UPCoM.

Việc cổ phiếu sau khi đấu giá được vào giao dịch ngay trên thị trường tập trung giúp tăng khả năng thành công của các cuộc đấu giá, giúp nhà đầu tư có nơi giao dịch cổ phiếu an toàn và cơ quan quản lý cũng đạt được mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, Sở cũng đang đề xuất phân bảng trên thị trường UPCoM để phân loại các cổ phiếu, trong đó có bảng 1 là nhóm cổ phiếu của các DN đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, quy mô vốn lớn… Đây sẽ là nguồn hàng chất lượng để đưa lên niêm yết sau một thời gian tập dượt trên sàn UPCoM.

Ngoài ra, Sở cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức và quy định liên quan đến lĩnh vực chứng khoán và TTCK, nhằm nâng cao nhận thức của DN về nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia TTCK cũng như những ích lợi của việc tham gia thị trường. 

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 180/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, các công ty đại chúng phải chào sàn UPCoM trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCK có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. Quy định này sẽ thúc đẩy các DN lên sàn UPCoM nhiều hơn trong thời gian tới, thưa ông?

Thông tư 180 có nhiều quy định giúp DN thuận lợi hơn trong việc tham gia TTCK, rút ngắn  thời gian thực hiện đăng ký giao dịch, thời hạn đăng ký giao dịch đối với công ty đại chúng đã phát hành cổ phiếu ra công chúng, thời hạn đăng ký giao dịch của DNNN IPO, thời hạn đăng ký giao dịch đối với công ty hủy niêm yết nhưng vẫn là công ty đại chúng.

Thông tư 180 cũng quy định trong vòng 1 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực, công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm 1/1/2016 phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Sự ra đời của Thông tư 180 là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường UPCoM. Hiện nay, theo danh sách công ty đại chúng chưa niêm yết của UBCK thì còn hơn 800 công ty đại chúng chưa lên sàn UPCoM. Hy vọng, khi Thông tư 180 có hiệu lực vào đầu năm 2016, thị trường UPCoM sẽ trở nên sôi động hơn.

Tin bài liên quan