Giới đầu tư thận trọng trước các thông tin mới

Giới đầu tư thận trọng trước các thông tin mới

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế, cùng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố và việc Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt mới với Nga khiến giới đầu tư thận trọng trong phiên thứ Năm.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước bất ngờ giảm 6.000 người, xuống 213.000 người.

Ngoài ra, dữ liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy, dù thấp hơn kỳ vọng, chỉ số giá sản xuất của Mỹ (PPI) thấp hơn kỳ vọng, nhưng vẫn cho thấy sự gia tăng vững chắc của sản xuất cơ bản trong tháng 7. Giá sản xuất của Mỹ trong tháng 7 không thay đổi, so với kỳ vọng trước báo cáo tăng 0,2% từ tháng 6, nhưng CPI tháng 7 (sẽ công bố vào cuối tuần) được dự báo tăng 0,2% so với tháng trước.

Những dữ liệu trên cho thấy, nhiều khả năng Fed sẽ giữ nhịp tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay trong cuộc phiên diễn ra vào tháng 9.

Với việc khả năng Fed tăng lãi suất ngày càng lớn, cùng với kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố kém khả quan như Booking Holdings, Rite Aid…, cùng đà giảm mạnh của cổ phiếu Tesla (giảm 4,8%) và của cả nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục khiến Dow Jones giảm điểm. Chỉ số S&P 500 dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh và có lúc đã thiết lập mức đỉnh mới, nhưng cũng quay đầu mất điểm cuối phiêu. Trong khi đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ, được dẫn dắt bởi Apple và Amazon giúp Nasdaq giữ được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 9/8, chỉ số Dow Jones giảm 74,52 điểm (-0,29%), xuống 25.509,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,12 điểm (-0,14%), xuống 2.853,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,46 điểm (+0,04%), lên 7.891,78 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau phiên giảm trước đó khi nhà đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán Đức và Pháp đã hồi phục nhẹ trở lại nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố, như Adidas, Cineworld. Trong khi đó, chứng khoán Anh lại quay đầu giảm điểm do giới đầu tư lo ngại về những bất ổn Brexit, sau khi đi ngược xu hướng trong phiên trước đó.

Hiện giới đầu tư vẫn đang giữ sự thận trọng về cuộc chiến thương mại và cả lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga.

Kết thúc phiên 9/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,88 điểm (-0,45%), xuống 7.741,77 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 42,57  điểm (+0,34%), lên 12.676,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,35 điểm (+0,01%), lên 5.502,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, tâm lý thận trọng của giới đầu tư về cuộc đàm phán thương mại giữa Tokyo và Washington khiến đồng yên tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ngoài ra, việc Mazda và Suzuki Motor bị phát hiện gian lận khí thải cũng góp phần khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm điểm hôm thứ Năm, nhưng mức giảm không mạnh.

Trong khi đó, lực cầu bắt đáy nhóm cổ phiếu bất động sản và y tế, cùng đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ giúp chứng khoán Trung Quốc lại bật mạnh trở lại, qua đó kéo chứng khoán Hồng Kông tăng theo và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của thị trường này.

Kết thúc phiên 9/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 45,92 điểm (-0,20%), xuống 22.598,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 248,16 điểm (+0,88%), lên 27.607,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 50,31 điểm (+1,83%), lên 2.794,38 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này chủ yếu giao dịch lình xình trong phiên thứ Năm và đóng cửa giảm nhẹ khi đồng USD hồi phục trước khả năng Fed tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm.

Kết thúc phiên 9/8, giá vàng giao ngay giảm 1,4 USD (-0,11%), xuống 1.212,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,1 USD/ounce (-0,09%), xuống 1.219,9 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà giảm trong phiên thứ Năm, nhưng mức giảm đã được hãm lại so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 9/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,20 USD (-0,30%), xuống 66,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,25 USD (-0,35%), xuống 72,03 USD/thùng.

Tin bài liên quan