Dòng tiền vẫn khá sôi động cùng đà tăng mạnh của các chỉ số giúp giới đầu tư kỳ vọng hơn nữa về cuộc chạy đua lập đích mới của VN-Index. Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng mạnh gần 300 tỷ đồng trong 2 phiên đầu tuần, sẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường.
Với diễn biến tích cực trên, một số công ty chứng khoán đã nhận định thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm và ngưỡng 720 sẽ tiếp tục được thử lửa cũng như test lực cầu cổ phiếu. Vì vậy, một số công ty chứng khoán đã nhận định thị trường có thể sẽ rung lắc mạnh, thậm chí VN-Index có thể điều chỉnh trong phiên 22/2.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, đà tăng vẫn được bảo lưu nhờ lực cầu khá ổn định. Tuy nhiên, đà tăng khá hẹp bởi tâm lý thận trọng trước tâm lý lo ngại điều chỉnh.
Nếu trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index tăng vọt nhờ điểm tựa vững chắc từ các cổ phiếu bluechip, thì trong phiên sáng nay, các mã này đang dần yếu thế. Áp lực bán mạnh xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, thép, thậm chí nhiều mã bất động sản cũng bắt đầu bị bán ra.
Thị trường thu hẹp đà tăng và đảo chiều giảm điểm sau khoảng 30 phút giao dịch. Tuy nhiên, VN-Index sau đó nhanh chóng đảo chiều lấy lại đà tăng.
Ngoại trừ MBB đảo chiều tăng điểm, còn lại các mã lớn khác trong nhóm ngân hàng đồng loạt quay đầu giảm điểm như VCB, BID, CTG, STB, ACB.
Bên cạnh đó, sóng nhóm cổ phiếu bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt. Cổ phiếu lớn đầu ngành VIC đã quay đầu giảm gần 1% sau gần 50 phút giao dịch; các mã nhỏ và vừa như FLC, KBC, KAC, PDR… cũng cùng cảnh ngộ.
Mặc dù vậy, cổ phiếu HQC vẫn nóng. Dù có chút giao động nhẹ đầu phiên nhưng lực cầu hấp thụ mạnh giúp HQC dành lại sắc tím với giao dịch sôi động. Hiện HQC đã chuyển nhượng thành công 11,23 triệu đơn vị và dư mua trần 0,37 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngành thép, ngoại trừ POM tiếp tục thăng hoa và có phiên tăng trần thứ 13 liên tiếp, còn lại các mã khác trong nhóm như HSG, HPG, NKG, TLH, VGS… đều giảm giá.
Đáng chú ý, bộ đôi HAG-HNG cũng chịu áp lực bán mạnh và quay đầu giảm điểm. Hiện HAG giảm 0,9% xuống mức 8.130 đồng/CP và khớp hơn 3,6 triệu đơn vị; còn HNG giảm 2,8% đứng tại mức giá 9.250 đồng/CP và khớp hơn 0,54 triệu đơn vị.
Trong khi nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng chưa có dấu hiệu hồi phục, nhiều mã lớn như BVH, MSN, VIC, MWG vẫn giao dịch trong sắc đỏ, thì các cổ phiếu trong nhóm dầu khí lại là điểm tựa chính giúp thị trường hồi phục. Dù lực bán khá lớn nhưng dòng tiền vẫn không ngừng đổ vào thị trường giúp thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,09 điểm (+0,15%) lên 717,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 133,39 triệu đơn vị, giá trị 2.047,81 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 11,68 triệu đơn vị, giá trị 106,64 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1 điểm (-0,15%) xuống 670,52 điểm khi có tới 19 mã giảm, 9 mã tăng và 2 mã đứng giá.
Trong khi đó, sự hỗ trợ của các cổ phiếu dầu khí cũng một số mã lớn đã không giúp được sàn HNX thoát khỏi sắc đỏ trước áp lực bán gia tăng. Với 55 mã tăng và 72 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,27%) xuống 86,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,23 triệu đơn vị, giá trị 321,47 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép vẫn chịu áp lực bán ra và giao dịch khá tiêu cực. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã BID, STB và SHB cùng đứng giá tham chiếu, còn VCB, CTG, MBB, ACB đều đóng cửa trong sắc đỏ. Còn ở nhóm cổ phiếu ngành thép, lực bán tăng mạnh khiến POM mất sắc tím và chỉ còn tăng 1,6%; trong khi các mã khác trong nhóm như HSG, HPG, NKG, VIS, VGS đều giảm giá.
Bên cạnh đó, một số lớn cũng tạo gánh nặng thị trường như VIC giảm 0,75%, BVH giảm 1,12%, MSN giảm 0,11%, MWG giảm 0,83%.
Trái lại, sau phiên điều chỉnh hôm qua, các cổ phiếu dầu khí đã khởi sắc như GAS tăng 1,51%, PVD tăng 1,74%, PXS tăng 3,6%... Trên sàn HNX có PVC tăng 4,5%, PVS tăng 1,6%, PGS tăng 4,6%...
Ngoài ra, sự hỗ trợ khá tích cực từ một số mã có vốn hóa lớn như VNM tăng 0,4%, ROS tăng gần 0,5%, SAB tăng 1,55%, NVL tăng 1,67%, góp phần giúp VN-Index giữ sắc xanh trong nửa sau của phiên sáng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng nhen nhóm sóng khi nhiều mã đua nhau tăng mạnh như HCM tăng 2,2%, SSI tăng 3,6%, TVS tăng 0,8%, BSI tăng 1,7%; trên sàn HNX, VND tăng 3,9%, SHS tăng hết biên độ 8,5%, CTS tăng 2,4%, BVS tăng 0,6%, IVS tăng 1,7%, VIX tăng 1,6%.
Cặp đôi cổ phiếu đầu cơ bất động sản HQC và FLC vẫn là “hàng nóng” của thị trường. Chốt phiên, HQC tăng gần 7% lên mức giá trần 2.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công lớn nhất thị trường đạt 18,62 triệu đơn vị; còn FLC hồi xanh với mức tăng 0,88% lên 6.900 đồng/CP và khớp 12,86 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, HKB đã có dấu hiệu bị chốt lời khiến cổ phiếu này có thời điểm rơi xuống dưới mốc tham chiếu. Chốt phiên, HKB tăng 5% đứng tại mức giá 4.200 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 7,81 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Tương tự, SVN cũng mất sắc tím và còn tăng 5%, chốt phiên tại mức giá 2.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HKB về thanh khoản trên sàn.
Trên sàn UPCoM
Trái với diễn biến rung lắc trên 2 sàn niêm yết, UPCoM đã duy trì được sắc xanh nhạt đến hết phiên nhờ sự hỗ trợ từ một số cổ phiếu lớn. Chốt phiên, UPCoM tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,07%) lên 55,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,47 triệu đơn vị, giá trị 54,54 tỷ đồng.
Trong khi HVN giảm 1,22% thì ACV tăng nhẹ 0,19%, NCS tăng 0,17%, SAS tăng 1,1%.
Cặp đôi MCH và MSR tiếp tục diễn biến trái chiều. Trong khi MSR hồi phục với mức tăng 2,4% với giao dịch tích cực đạt 666.800 đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn, thì MCH đảo chiều giảm 0,85% và chỉ giao dịch 15.300 đơn vị.
Cổ phiếu TIS dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 810.600 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 10.400 đồng/CP, giảm 0,95%.