Phiên sáng 20/2: HPG bị bán mạnh, tiền dồn vào cổ phiếu bất động sản

Phiên sáng 20/2: HPG bị bán mạnh, tiền dồn vào cổ phiếu bất động sản

(ĐTCK) Với mức tăng gần 8% trong tháng qua, HPG đã bị bán mạnh khi thông tin chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu được công bố. Trong khi đó, dòng tiền lại chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, ngay thông tin chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 50% được đưa ra, HPG đã bị bán ra khá mạnh và đóng cửa trong sắc đỏ.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, HPG đã giảm 3,39%, xuống 42.800 đồng, sau đó chỉ kịp hồi nhẹ một bước giá, trước khi áp lực bán gia tăng, đẩy HPG lùi sâu hơn và có lúc về mức 41.600 đồng, giảm 6,1%. Hiện mã này giao dịch tại ngưỡng 42.100 đồng, giảm 4,97% với 9,18 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau FLC với gần 10,35 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, trái ngược với HPG, FLC lại có sắc xanh với mức tăng 3,36%, lên 6.460 đồng.

Tương tự HPG, HSG cũng giảm khá mạnh trong phiên sáng nay với mức giảm hơn 2%, xuống 48.700 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Sắc đỏ cũng xuất hiện ở các mã sắt thép khác như TLH, SMC, trong khi DTA có được tham chiếu, VIS tăng nhẹ, còn POM vẫn duy trì chuỗi phiên tăng trần liên tiếp của mình, hiện đã lên mức giá 17.500 đồng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, ngoại trừ VIC đang giảm nhẹ, còn lại đều có mức tăng. Trong đó, TDH thậm chí còn lên mức giá trần 11.200 đồng, HBC dù không có được sắc tím như phiên cuối tuần trước, nhưng cũng tăng mạnh 4,39%, lên 45.200 đồng, DXG cũng tăng 5,48%, lên 16.350 đồng. Cả 3 mã này đều có tổng khớp trên 2 triệu đơn vị. NVL cũng tăng 2,14%, lên 62.100 đồng, nhưng thanh khoản khiêm tốn hơn nhiều các mã trên.

Ngoài ra, sắc xanh cũng xuất hiện tại nhiều mã bất động sản khác như NTL, DRH, HDG, NBB, VPH, PDR, PPI…

Trong nhóm cổ phiếu tăng nóng thời gian qua, trong khi ATG tiếp tục duy trì đà tăng trần, lên 3.740 đồng, thì CDO lại quay đầu giảm sàn xuống 6.060 đồng với dư bán sàn còn gần 1,5 triệu đơn vị.

HID cũng đang duy trì chuỗi phiên giảm sàn của mình khi đóng cửa ở mức 11.350 đồng (-7%) với 1,5 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 400.000 đơn vị.

AAA sau thông tin tích cực từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 vừa được tổ chức cuối tuần trước, cũng tăng lên mức giá 26.700 đồng (+2,69%) với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

VNE cũng khởi sắc trong phiên sáng nay khi tăng lên mức giá trần 10.250 đồng với 1,26 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Trong nhóm mã lớn có sự phân hóa. ROS, PVD, MSN, VNM có được sắc xanh, nhưng không thể giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm khi số mã giảm chiếm ưu thế (118 mã tăng so với 132 mã giảm), trong đó có nhiều mã lớn như SAB, BID, CTG, VCB, VIC, BVH, HPG…

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,64 điểm (-0,23%), xuống 706,19 điểm với 108,7 triệu đơn vị, giá trị 2.176,8 tỷ đồng được chuyển nhượng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,55 triệu đơn vị, giá trị 140,3 tỷ đồng.

Trái ngược với VN-Index, HNX-Index lại có sắc xanh khi đóng cửa phiên sáng nay với mức tăng 0,28 điểm (+0,33%), lên 86,17 điểm với 64 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 25,38 triệu đơn vị, giá trị 258,9 tỷ đồng.

Đà tăng của HNX-Index có được là nhờ sự hỗ trợ của ACB (+0,88%, lên 22.900 đồng), VCG (+3,21%, lên 16.100 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp), VCS (+3,35%, lên 148.300 đồng), PVS (+1,06%, lên 19.000 đồng với 1,37 triệu đơn vị được khớp)…

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, trong khi hai “người anh em” FLC và ROS trên sàn HOSE tăng giá tốt, thì KLF lại đảo chiều giảm 4%, xuống 2.400 đồng với 1,73 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, sắc tím lại xuất hiện tại BII, HKB, DCS, KSK, SIC, SPI, SVN. Trong đó, DCS được khớp gần 2,4 triệu đơn vị, lớn nhất sàn HNX, trong khi SVN còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, cũng giống HNX-Index, dù có chút rung lắc, nhưng với sắc xanh chiếm ưu thế, đặc biệt là có sự hỗ trợ của nhiều mã lớn, UPCoM-Index cũng có sắc xanh trong phiên sáng nay.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,26%), lên 55,07 điểm với 44 mã tăng, trong khi chỉ có 29 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,8 triệu đơn vị, giá trị 48,35 tỷ đồng.

Sắc xanh của UPCoM-Index có được là nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn như ACV (+3,12%, lên 52.900 đồng), HVN (+1,79%, lên 39.900 đồng với 2,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, lớn nhất sàn), SDI (+6,76%, lên 58.400 đồng), VGG (+1,45%, lên 62.900 đồng), VIB (1,19%, lên 17.000 đồng), FOX (+0,91%), lên 99.500 đồng), VGT (+3,36%, lên 12.300 đồng)... Đặc biệt, MSR còn tăng trần lên 15.100 đồng với 627.900 đơn vị được chuyển nhượng, đứng sau HVN và TOP. Mã TOP cũng tăng trần lên 2.100 đồng với 1,69 triệu đơn vị được chuyển nhượng và còn dư mua trần khá lớn.

Bên cạnh đó, sắc xanh cũng xuất hiện tại một số mã hàng không khác như NTC, NAS, hay TIS, TVB, VEF… Trong khi sắc đỏ lại xuất hiện tại MCH, SAS, SEA, NCS, SSN… khiến đà tăng của UPCoM-Index bị hãm bớt.

Tin bài liên quan