Áp lực bán gia tăng ở một số mã bluechip khiến thị trường thu hẹp đà tăng và diễn biến lình xình nhẹ quanh mốc tham chiếu trong gần suốt phiên chiều qua (12/10). Tuy nhiên, điểm sáng ở các mã đầu cơ cùng đà tăng khá ổn ở VNM và VIC đã giúp VN-Index bảo toàn được sắc xanh nhạt.
Điểm đáng quan tâm là dòng tiền tham gia khá thận trọng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua (từ ngày 15/9).
Trong khi đó, diễn biến thị trường chứng khoán quốc tế cũng bất lợi, phố Wall dần hạ nhiệt về cuối phiên sau biên bản cuộc họp tháng 9 của FED được công bố với quyết định sẽ tăng lãi suất sớm nhất khi thị trường lao động và lạm phát được cải thiện.
Mặt khác, sau báo cáo trên của OPEC cho biết , dù OPEC và Nga giảm sản lượng, thì vẫn cần thời gian để cân bằng lại cung cầu khiến giá dầu thô đảo chiều giảm hơn 1% từ mức cao nhất 1 năm; thị trường lại nhận thêm thông tin không khả quan khi báo cáo mới của OPEC cho biết, sản lượng của khối này trong tháng 9 đạt mức cao nhất 8 năm, khiến giá dầu thô tiếp tục giảm thêm hơn 1% trong phiên thứ Tư.
Với những thông tin tác động trên, chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch sáng 13/10 không mấy tích cực. Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực hãm chính kéo thị trường đi xuống, chỉ số VN-Index chính thức điều chỉnh sau 2 phiên tăng điểm liên tiếp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,72 điểm (-0,25%) xuống 680,73 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,93 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 69,36 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo trên bảng điện tử khi áp lực bán vẫn dâng cao trong khi lực cầu tham gia khá hạn chế và vẫn chỉ tập trung ở một số mã có tính đầu cơ cao như FLC,VHG, TSC, HQC… Chỉ số VN-Index có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 680 điểm do đà giảm khá sâu từ các mã lớn như GAS, VNM, FPT, HPG, HSG…
Ấn tượng trên sàn HOSE trong phiên sáng nay vẫn là cổ phiếu FLC. Dư âm của thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty tiếp tục đăng ký mua thêm 36 triệu cổ phiếu khi đợt đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu trước đó chưa kết thúc tiếp tục giúp FLC leo cao. Tính chung 4 phiên trong tuần này, FLC tăng gần 13%, trong đó, riêng phiên sáng nay đã tăng 2,2% với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 4,13 triệu đơn vị, sau gần 1 giờ giao dịch.
Trong khi đó, KLF sau những phiên lình xình dưới mốc tham chiếu đã tăng kịch trần trong phiên sáng nay, với mức tăng 9,5% leo lên mức giá 2.300 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 0,9 triệu đơn vị.
Trái lại, sau chuỗi ngày tăng nóng, ROS đang bị chốt lời mạnh và quay đầu giảm sâu. Hiện ROS giảm 3.600 đồng (-7%) xuống mức giá sàn 48.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,6 triệu đơn vị và dư bán sàn 0,25 triệu đơn vị.
Trong khi thị trường giao dịch vẫn khá thận trọng, dòng tiền tham gia hạn chế khiến thanh khoản tiếp tục sụt giảm thì sự hồi phục nhẹ ở một số cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh nhạt về cuối phiên.
Cụ thể, trụ cột VNM sau diễn biến thiếu tích cực đầu phiên cũng đã khởi sắc với mức nhẹ 0,21%, cùng các mã lớn khác như FPT, HPG, KDC đảo chiều thành công, đòng vai trò lực đỡ chính cho thị trường. Trong đó, HPG khá tích cực với mức tăng 1,2% lên 41.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,24 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu có thị giá cao MWG tăng điểm khá mạnh, với mức tăng 5.800 đồng (+4,2%), MWG đã leo lên mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng qua 143.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 0,41 triệu đơn vị.
Đáng chú ý nhất trong phiên sáng nay là các cổ phiếu bất động sản. Trong đó, bên cạnh “ông lớn” VIC tiếp tục tăng điểm, các mã lớn bé trong nhóm trên cả hai sàn cũng đều tăng điểm khá mạnh như ASM, CCL, FLC, hay HAR tăng trần… trên sàn HNX, 2 mã VCG, HUT cũng khởi sắc
Trong đó, ấn tượng nhất vẫn là FLC. Lực cầu hấp thụ vẫn tích cực giúp FLC duy trì đà tăng điểm cùng giao dịch sôi động. Chốt phiên, FLC tăng 3,17% lên 6.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 10,8 triệu đơn vị.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch thiếu tích cực dù đà giảm đã được hãm lại, cụ thể, các mã lớn như GAS, PVD, PVS, PVE giảm nhẹ.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 113 mã tăng và 96 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,01%) lên 683,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,24 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.011,13 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 21,57 tỷ đồng.
Tương tự, các cổ phiếu lớn trên sàn HNX như NTP, VCG, HUT, CEO, ACB… đã hỗ trợ giúp thị trường hồi xanh.
Với mức tăng 0,08 điểm (+0,09%), HNX-Index đứng ở mức 84,97 điểm. Trong đó, HNX30-Index tăng 0,64 điểm lên 153,11 điểm với 12 mã tăng, 6 mã giảm và 11 mã đứng giá. Thanh khoản cũng suy yếu với tổng khối lượng giao dịch đạt 25,69 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 261,39 tỷ đồng.