Biên bản cuộc họp của Fed kiến nhà đầu tư mất hứng

Biên bản cuộc họp của Fed kiến nhà đầu tư mất hứng

(ĐTCK) Đang trên đà hồi phục khá tốt, phố Wall hạ nhiệt dần vào cuối phiên sau biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed được công bố.

Trong biên bản cuộc hợp cuối tháng 9 vừa công bố, Fed cho biết, sẽ tăng lãi suất sớm nhất khi thị trường lao động và lạm phát được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều của các nhà hoạch định chính sách của Fed xung quanh việc tăng hay không tăng lãi suất.

Trước lúc Fed công bố biên bản cuộc họp, phố Wall đang trên đà phục hồi khá tốt, nhưng sau đó, cùng với sự tác động của giá dầu thô tiếp tục giảm và những ý kiến trái chiều của các nhà hoạch định chính sách của Fed trong việc tăng lãi suất, phố Wall đã thu hẹp biên độ tăng, đóng cửa gần như ít thay đổi, trong đó Dow Jones và S&P 500 có được sắc xanh nhạt, còn Nasdaq tiếp tục giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số Dow Jones tăng 15,54 điểm (+0,09%), lên 18.144,20 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,45 điểm (+0,11%), lên 2.139,18 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,77 điểm (-0,15%), xuống 5.239,02 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày giao dịch thứ Tư do ảnh hưởng của giá dầu và ảnh hưởng từ sự lao dốc của đại gia viễn thông Thủy Điển Ericsson với mức giảm 20% sau khi cảnh báo rằng, lợi nhuận trong quý III của mình sẽ “thấp hơn đáng kể” so với dự kiến.

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,87 điểm (-0,66%), xuống 7.024,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 54,09 (-0,51%), xuống 10.523,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,50 điểm (-0,44%), xuống 4.452,24 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ kết quả kém khả quan của phố Wall trong phiên trước khi một số tập đoàn lớn công bố thua lỗ và chuẩn bị cho mùa báo cáo sắp tới, chứng khoán Nhật Bản cũng đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư từ mức cao nhất 5 tuần đạt được trước đó.

Ảnh hưởng từ sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục có phiên giảm điểm trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, việc đồng nhân dân tệ giảm giá cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài kém mặn mà với cổ phiếu Trung Quốc, khiến thị trường chứng khoán đại lục giảm trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 184,76 điểm (-1,09%), xuống 16.840,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 142,47 điểm (-0,6%), xuống 23.407,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,75 điểm (-0,22%), xuống 3.058,50 điểm.

Giá vàng có phiên giằng co khá mạnh trong phiên thứ Tư, nhưng cuối cùng đóng cửa chỉ có mức hồi nhẹ, lấy lại được một phần ba những gì đã để mất trong phiên trước đó. Giá vàng vào nửa đầu phiên Mỹ tăng khá mạnh, nhưng sau biên bản cuộc họp của Fed được công bố, khiến đồng USD lên mức cao nhất 8 tháng, giá vàng hạ nhiệt dần và chỉ kịp phục hồi vào cuối phiên có được mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 12/10, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD (+0,2%), lên 1.254,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,1 USD (-0,17%), xuống 1.253,8 USD/ounce.

Trong phiên trước, việc Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết, dù OPEC và Nga giảm sản lượng, thì vẫn cần thời gian để cân bằng lại cung cầu khiến giá dầu thô đảo chiều giảm hơn 1% từ mức cao nhất 1 năm. Sau báo cáo trên của OPEC, thị trường lại nhận thêm thông tin không khả quan khi báo cáo mới của OPEC cho biết, sản lượng của khối này trong tháng 9 đạt mức cao nhất 8 năm, khiến giá dầu thô tiếp tục giảm thêm hơn 1% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 12/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,61 USD/thùng (-1,20%), xuống 50,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,60 USD (-1,15%), xuống 51,81 USD/thùng.
Tin bài liên quan