Cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố dữ liệu GDP năm 2015 với mức tăng 6,68%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, CPI năm 2015 chỉ tăng 0,63%, mức thấp nhất trong 14 năm.
Những dữ liệu vừa công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rõ nét. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Một thông tin tích cực khác liên quan trực tiếp tới thị trường là Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 203/2015 thay thế Thông tư 74/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán với nhiều nội dung mới hỗ trợ cho thanh khoản của thị trường.
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được vừa mua, vừa bán chứng khoán cùng phiên; cho phép nhà đầu tư có thể thực hiện lệnh giao dịch khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký; với giao dịch bán chứng khoán chờ về, nhà đầu tư được đặt lệnh bán đối với số lượng chứng khoán đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch và số chứng khoán sẽ nhận được trước hoặc tại ngày thanh toán từ các giao dịch mua đã thực hiện trước đó.
Với những thông tin tích cực trên, thị trường đã tăng khá mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,9 điểm (+0,51%) lên 570,57 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,59 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 28,78 tỷ đồng.
Sau đó, chỉ số này nhanh chóng nới rộng đà tăng, lên sát 572,5 điểm. Tuy nhiên, đà tăng mạnh không thể duy trì lâu khi tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế nơi nhà đầu tư.
Sự rụt rè của dòng tiền khiến đà tăng của VN-Index hạ nhiệt và chỉ lình xình trong biên độ hẹp trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên sáng nay, trong khi HNX-Index thậm chí còn đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 2,69 điểm (+0,47%), lên 570,36 điểm với 76 mã tăng, trong khi có 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,14 triệu đơn vị, giá trị 869,34 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới hơn 10,85 triệu đơn vị, giá trị 166,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận lớn đến từ sự đóng góp của 4 triệu cổ phiếu KSA, giá trị 20,8 tỷ đồng, 2,3 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 12,65 tỷ đồng, 1,55 triệu cổ phiếu GMD, giá trị 67 tỷ đồng và 1 triệu cổ phiếu HSG, giá trị 34 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,29%), xuống 77,86 điểm với 60 mã tăng và 83 mã giảm. Thanh khoản cũng đứng ở mức thấp khi chỉ có 18,96 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 199,94 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,1 triệu đơn vị, giá trị 41,28 tỷ đồng.
Hỗ trợ đắc lực cho VN-Index duy trì được sắc xanh trong phiên sáng nay chính là MSN.
Cuối tuần trước, Masan vừa công bố chính thức ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd. Cụ thể, giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD hoàn toàn bao gồm nguồn vốn mới cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Công ty Masan Brewery. Masan Consumer Holdings sở hữu 66,7% cổ phần của Masan Brewery. Giao dịch được dự kiến hoàn tất trong tháng 1/2016 sau khi thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
Thông tin này như liều “thuốc bổ” cho thị trường khi sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ đang khiến thị trường giao dịch ảm đạm và buồn tẻ. Sau những phiên giảm mạnh đầu tuần trước áp lực bán mạnh của nhà đầu tư ngoại, MSN đã lấy lại đà tăng tích cực và đến phiên cuối tuần, cổ phiếu này đã leo lên mức trần.
Sức nóng của MSN vẫn không hề suy giảm khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, dòng tiền hạn chế đã ưu ái cho MSN giúp thanh khoản cùng giá bật mạnh và lên mức giá trần 80.000 đồng. Tuy nhiên, về cuối phiên, do tâm lý chung của thị trường quá yếu, nên một số nhà đầu tư đã hiện thực hóa lợi nhuận tại MSN, khiến mã này để mất mức giá trần khi đóng cửa ở mức 79.500 đồng, 6% với 1,13 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài MSN, VN-Index cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ một số mã lớn khác như VCB, VIC, VNM, BVH. Trong khi các mã dầu khí, BID và một số mã lớn khác đảo chiều giảm điểm đã hãm đà tăng của thị trường.
Sự thận trọng của dòng tiền khiến sáng nay không có mã nào trên HOSE được khớp trên 3 triệu đơn vị. Trong đó, DHM và HAR là 2 mã có thanh khoản tốt nhất, nhưng cũng chỉ hơn 2,46 triệu đơn vị mỗi mã và đều đóng cửa ở sát mức giá sàn.
Tương tự, trên HNX, cũng chỉ có 2 mã được khớp trên 1 triệu đơn vị là TIG (1,68 triệu đơn vị) và SCR (1,17 triệu đơn vị), nhưng cả 2 cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Sắc xanh tích cực chỉ đến từ một số mã như SHN, DGC, TVC, PVI…
Trong khi đó, ấn tượng lại đến từ một số mã từ sàn UPCoM. Cụ thể, sau khi Bộ Công thương công bố thoái toàn bộ vốn và nhiều khả năng đã thực hiện xong trong ngày 25/12, GEX đã có những phiên tăng ấn tượng. Trong phiên hôm nay, cổ phiếu này tăng lên mức giá trần 20.400 đồng với 1,76 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Cùng với GEX, VEF cũng là mã gây chú ý trên sàn UPCoM khi đóng cửa ở mức giá trần 13.500 đồng với tổng khớp hơn nửa triệu đơn vị và còn dư mua giá trần khá lớn.