Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tăng mạnh nhờ hoạt động chốt NAV?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tăng mạnh nhờ hoạt động chốt NAV?

(ĐTCK) Giai đoạn cuối năm thường là thời điểm các quỹ chốt NAV và các công ty chứng khoán phải chốt “sổ sách”. Để làm đẹp báo cáo, các tổ chức này sẽ đẩy thị trường và đó là lý do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào tuần giao dịch cuối cùng của năm khả quan. Liệu điều này có thực sự diễn ra? Cùng ĐTCK tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.

Tuần sau là tuần giao dịch cuối cùng của năm 2015, nhưng giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm các quỹ chốt NAVcác CTCK cũng phải chốt “sổ sách”. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là lý do thị trường có thể phục hồi tích cực trong tuần tới, nhưng với khối lượng không nhiều. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Cũng có thể. Tuần tới, chính xác hơn là thứ Năm tới sẽ là ngày giao dịch cuối năm 2015 và do đó, những tổ chức có đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ sử dụng giá đóng cửa hôm đó làm căn cứ tính lời lỗ, hay trích lập/hoàn nhập dự phòng.

Với thanh khoản như bây giờ, chắc cũng sẽ có hiện tượng đẩy giá nhằm làm đẹp sổ sách. Thậm chí, cũng từng có nhận định rằng, VN-Index sẽ không thể đâm thủng đáy 545, bởi như thế sẽ xóa sạch thành quả kể từ đầu năm nay.

Chỉ còn 4 phiên nữa là hết năm, VN-Index chắc chắn sẽ cao hơn 545 điểm rồi, tuy nhiên, nói VN-Index tăng tích cực thì khó dự báo hơn so với cổ phiếu đơn lẻ.

"Tôi không nghĩ là có giải pháp nào hữu hiệu trong ngắn hạn để cải thiện tính thanh khoản của thị trường, ngoài việc chúng ta chờ đợi tin tức vĩ mô" - Ông Hoàng Thạch Lân

Chúng ta đều biết là VN-Index chịu tác động lớn nhất từ 2 nhóm cổ phiếu là ngân hàng và dầu khí, tất nhiên còn 1 vài cổ phiếu “lẻ” khác như VNM, VIC, MSN, BVH và FPT. Hai nhóm này có lẽ không có nhu cầu “làm đẹp” mấy, bởi vì đa số cổ phiếu ngân hàng đều vẫn được coi là tăng giá mạnh so với đầu năm. Ngược lại, nhiều cổ phiếu dầu khí đều giảm giá mạnh trong năm.

Trong tình hình giá dầu được dự báo sẽ vẫn còn ở mức thấp, có lẽ cổ phiếu dầu khí cũng khó tăng giá. Vậy thị trường phục hồi nhờ vào dòng midcap, nhất là 1 số thường được coi là hay có sóng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, điều này là khó, vì với xu hướng bán ròng như hiện nay và đặc biệt thanh khoản thấp thì khả năng phục hồi mạnh là ít có cơ sở.

Diễn biến tốt nhất thôi tôi là phục hồi nhẹ nhàng đã là rất đẹp, nếu không nói có thể lại tiếp tục giảm tiếp. Tuy nhiên, tôi nghiêng về xu hướng đi ngang trong biên độ 560-580 nhiều hơn khi không có nhiền thông tin mới nhưng quan trọng vào lúc này và dòng tiền yếu.

Ông Đỗ Quang Hợp, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Trong các phiên giao dịch gần đây, khối ngoại đã có diễn biến mua ròng nhẹ trở lại sau liên tiếp 16 phiên bán ròng rã với cường độ mạnh trước đó.

Đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động chốt NAV vào cuối năm của một số quỹ đầu tư nước ngoài đang bắt đầu diễn ra, đặc biệt tại một số mã mà các quỹ này tập trung mua nhiều như PVD, PVT, VCB, VIC…

Diễn biến này có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên tuần giao dịch cuối cùng của năm 2015, giúp thị trường có sự phục hồi tích cực sau khi thiết lập xong vùng đáy ngắn hạn. Tuy nhiên, trạng thái phân hóa sẽ diễn ra do tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng do đó thanh khoản sẽ không có nhiều cải thiện.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt

Tuần sau cũng là tuần giao dịch cuối cùng của năm, hai chỉ số vẫn biến động hẹp với thanh khoản thấp, đây là diễn biến thường xảy ra vào kỳ nghỉ cuối năm.

Điều này cũng đã diễn ra trên thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thanh khoản giao dịch trên thị trường Mỹ, cũng ở mức thấp trong các phiên gần đây.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tăng mạnh nhờ hoạt động chốt NAV? ảnh 1

 Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Do vậy, năm nay cũng không ngoại lệ. Với ý kiến cho rằng, cuối năm là thời điểm các quỹ chốt NAV, các công ty cũng phải chốt sổ sách, thị trường có thể phục hồi tích cực, điều này có thể đúng, nhưng chưa đủ, vì cuối năm, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, vì lời hay lỗ thì cũng đã gần chốt, cũng như giao dịch khối ngoại bán ròng cũng đã ít đi.

Cũng như vào cuối năm, một loạt tin tích cực liên quan đến các mã vốn hóa lớn như MSN... cũng sẽ hỗ trợ thị trường. Do vậy, thị trường sẽ tăng, nhưng với thanh khoản thấp.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư CTCK MBS

Tôi cũng đồng quan điểm là thị trường sẽ có 1 đợt hồi phục về mặt chỉ số từ nay tới những phiên cuối năm vì những nguyên nhân chính như sau:

Thị trường đã có đợt sụt giảm mạnh từ 617 đến vùng 557 trong hơn 1 tháng, nên trong ngắn hạn, thị trường khó có thể tiếp tục rơi thêm nữa và việc hồi phục kỹ thuật lên lại vùng 575 - 580 là hoàn toàn có thể. Chart tuần của VN-Index đang vào vùng quá bán, nên tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục kỹ thuật trong ngắn hạn khoảng 5 - 6 phiên nữa.

Những tuần cuối năm là khoảng thời gian thị trường sẽ không có nhiều thông tin mới, trong khi đây là thời kỳ nghỉ lễ của các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy đà bán ròng của nhóm nhà đầu tư này sẽ được giảm bớt trong những phiên cuối năm. Và đây chính là nguyên nhân thị trường sẽ hồi phục nhưng thanh khoản thị trường sẽ rất kém.

Nguyên nhân cuối cùng cũng là nguyên nhân quen thuộc của đó là “chốt NAV” của các tổ chức. Khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài hạn chế giao dịch, thì đây là cơ hội lớn cho các tổ chức “đẩy NAV” lên, vì chỉ cần 1 mua vào một chút ở một số mã có vốn hóa lớn là hoàn toàn có thể kéo được chỉ số và NAV của danh mục lên để có 1 báo cáo cuối kỳ đẹp.

Dòng tiền trong thời gian gần đây vẫn khá yếu dù thị trường có phiên tăng điểm nhẹ trong những phiên cuối tuần. Để thoát khỏi trạng thái giao dịch giằng co với thanh khoản thấp như hiện tại, theo các ông/bà, đâu là giải pháp?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi không nghĩ là có giải pháp nào hữu hiệu trong ngắn hạn, ngoài việc chúng ta chờ đợi tin tức vĩ mô. Gần đây nhất có một thông tin được nhiều người quan tâm là chu kỳ thanh toán T+2 sẽ chính thức áp dụng kể từ thứ năm tới, nhưng có lẽ cũng không gây được hiệu ứng gì lớn, ngoại trừ 1 số lợi ích nhỏ lẻ như đỡ được 1 ngày lãi margin (1 số công ty đang có chính sách khuyến mãi 2 ngày đầu không phải trả lãi margin), hay rút tiền sớm hơn mà không cần làm dịch vụ ứng tiền bán chờ về...

Có lẽ, chúng ta nên kỳ vọng vào chính sách tài chính tiền tệ của Nhà nước, hay thông tin tích cực hơn từ thế giới, những điều đó sẽ giúp tăng thanh khoản.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lúc này là khối ngoại liên tục bán ròng, nỗi lo tỷ giá. Như vậy, cần sự khẳng định cùng chính sách cụ thể trong điều hành tỷ giá để các nhà đầu tư có thể mạnh tay đầu tư mà không lo biến động tỷ giá.

Ngoài ra, chính sách thu hút dòng vốn, lãi suất và những chính sách hạn chế tác động xấu như việc FED tăng lãi suất, CNY giảm giá... và gia tăng lợi ích từ TPP, các hiệp định thương mại.

Ông Đỗ Quang Hợp, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Các thống kê lịch sử đều cho thấy, trong giai đoạn tháng 12, thị trường chứng khoán thường có xu hướng vận động nghiêng về hướng tích lũy với thanh khoản suy giảm khá mạnh so với bình quân các tháng trước đó.

"Những dự đoán cũng như những hé lộ về kết quả kinh doanh 2015 và kế hoạch tích cực trong năm 2016 của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ là nhân tố đầu tiên giúp dòng tiền quay lại" - Ông Đỗ Quang Hợp.

Các yếu tố có thể kể tới bao gồm hoạt động của khối ngoại diễn ra không sôi động do đang trong kỳ nghỉ lễ, thị trường thiếu vắng các cổ phiếu dẫn dắt giúp lôi kéo dòng tiền trở lại và các thông tin hỗ trợ từ cả kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp đều vắng bóng. Tuy nhiên, thị trường trong giai đoạn cuối tháng 12 trở đi sẽ xuất hiện nhiều yếu tố hứa hẹn sẽ giúp thanh khoản dần có sự cải thiện trở lại.

Những dự đoán cũng như những hé lộ về kết quả kinh doanh 2015 và kế hoạch tích cực trong năm 2016 của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ là nhân tố đầu tiên giúp dòng tiền quay lại tìm kiếm lợi nhuận tại các cổ phiếu này.

Ngoài ra,các vướng mắc liên quan tới vấn đề nới room dự kiến cũng sẽ sớm được giải quyết khi các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 118 sẽ sớm dc ban hành giúp tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt

Các tín hiệu tích cực trong thời gian tới như giá dầu Brent giữ mức hỗ trợ 36 USD/thùng và có chiều hướng hồi phục ngắn hạn (như báo cáo đánh giá giá dầu Brent đã được VCSC phát hành). Chỉ số USD vẫn trong xu hướng điều chỉnh và kỳ vọng tỷ giá sẽ ổn định hơn trong quý I/2016 (như dự báo trong báo cáo về việc Fed tăng lãi suất).

Ngoài ra, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam thường tăng điểm trong tháng 1. Tôi đưa ra bảng thống kê diễn biến chỉ số VN-Index và HNX-Index trong tháng 1 trong 5 năm trở lại đây như sau:

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư CTCK MBS

Dòng tiền hiện nay yếu là do thông tin xấu chưa bộc lộ hết và giá chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư đang cầm tiền mua vào, còn nhà đầu tư cầm cổ phiếu vẫn chưa chạm đến ngưỡng phải cắt lỗ/hạ margin. Cũng có nhiều nhà đầu tư muốn tiếp tục chờ đợi sự lặp lại của thị trường khi trong 5 năm gần đây thị trường đều có 1 nhịp tăng ngay đầu năm mới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tăng mạnh nhờ hoạt động chốt NAV? ảnh 2

 Ông Dương Văn Chung

Tôi cho rằng, trạng thái này có thể kéo dài tới tận tuần đầu tiên của năm mới. Vì vậy, với trạng thái thị trường hiện nay, tôi cho rằng, thị trường vẫn còn khả năng xuống tiếp 1 nhịp nữa thì mới đủ hấp dẫn để kéo dòng tiền trở lại thị trường. Do đó, giai đoạn này nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài thị trường quan sát.

Nhiều thống kê cho thấy, trong nhiều năm, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, thị trường đều có xu hướng tăng điểm sau giai đoạn Tết Dương lịch. Liệu xu hướng này có tiếp tục diễn ra trong năm nay?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Quả thực là trong 5 năm gần đây có hiện tượng chung là tăng điểm vào đầu năm, thậm chí có năm index còn tăng ngay từ tháng 12 năm trước. Tuy nhiên, về lý thuyết, không có tính mùa vụ trong chuỗi giá cổ phiếu hay điểm số của index, mà mọi vận động của giá cổ phiếu hay index là theo thông tin.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tăng mạnh nhờ hoạt động chốt NAV? ảnh 3

Ông Hoàng Thạch Lân 

Cuối năm 2014, đầu năm 2015, thị trường tăng nhờ kỳ vọng vào VAMC và nới room. Cuối năm nay, chuyện nới room vẫn còn đó, tức là vẫn còn kỳ vọng, ngoài ra còn có kỳ vọng vào các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ các hiệp định FTA, nhưng thị trường vẫn đang bị ám ảnh bởi nỗi lo nợ công, tỷ giá và ETF bán ròng, do đó chúng ta nên bình tĩnh chờ thêm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Kỳ vọng này là có thể có thứ nhất yếu tố lịch sử thường lập lại. Ngoài ra, giai đoạn cuối năm thị trường đã giảm khá nhiều, nên có thể kích thích tâm lý bắt đáy đồng thời dịp đầu năm mới sự kỳ vọng một năm tốt đẹp cũng giúp nhà đầu tư có tâm lý tốt hơn trong việc giải ngân đầu năm cũng hỗ trợ cho thị trường phục hồi.

Ông Đỗ Quang Hợp, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Dữ liệu lịch sử cho thấy, thị trường thường có xu hướng giao dịch tích lũy đi ngang trong giai đoạn cuối năm và tăng mạnh trong giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch.

Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay do mối tương quan đối với diễn biến dòng vốn trong giai đoạn hiện tại với thời điểm các năm trước. Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ xuất hiện trong thời gian tới hứa hẹn sẽ giúp thị trường khởi sắc trong ngắn hạn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư CTCK MBS

Tôi vẫn giữ quan điểm trong các bài trả lời phỏng vấn gần đây là thị trường sẽ có 1 nhịp tăng khá mạnh trong quý I. Tuy nhiên, tôi dự báo xuất phát điểm của chân sóng này nhiều khả năng phải đợi đến tận cuối tháng 1, đầu tháng 2 mới xuất hiện vì:

Tôi cho rằng, những thông tin xấu chưa bộc lộ hết khi mà tỷ giá hiện nay đang khá căng thẳng. Tôi cũng cho rằng, áp lực này sẽ được giải tỏa vào sát Tết Âm lịch. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ quay trở lại mua vào khi yếu tố tỷ giá được giải tỏa.

Các yếu tố kỹ thuật hiện nay chưa ủng hộ cho 1 đợt tăng mạnh cho những phiên đầu năm mới. Dòng tiền hiện nay rất yếu, mới chỉ đổ vào những cổ phiếu vốn hóa lớn để đẩy NAV, hoàn toàn chưa có dấu hiệu sự lan tỏa của dòng tiền.

Về mặt phân tích kỹ thuật, thị trường đang có dấu hiệu tạo vai phải của mẫu hình vai đầu vai. Mẫu hình vai đầu vai sẽ được xác nhận nếu VN-Index thủng 556 và hoàn thiện khi VN-Index về vùng 530+/-.

Hoạt động thoái vốn của Nhà nước đang được thực hiện gấp rút mà điển hình trong tuần qua là 2 cuộc đấu giá thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư là Khách sạn Kim Liên và Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Điều này có tác động đến TTCK khi mà một lượng vốn sẽ bị “hút” vào các thoái vốn này?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ là không ảnh hưởng mấy. Việc SCIC thoái vốn khỏi Khách sạn Kim Liên là bán theo lô, chỉ có 1 người mua. Còn trường hợp Gelex thì có lẽ cũng chủ yếu là số ít đại gia mua vào. Nhìn chung, giao dịch hàng ngày trên 2 sàn chủ yếu là tiền quay vòng, trong đó có cả tiền của nhà đầu tư, lẫn tiền margin cho vay từ các CTCK.

Nhà đầu tư sẽ quan tâm và đổ tiền nhiều hơn vào các đợt IPO, nếu họ biết rằng các công ty sau IPO sẽ sớm lên sàn, theo đúng như quy định  của Chính phủ. Cho đến nay, quy định thì có, nhưng thực hiện ra sao thì vẫn không ai dám nói trước.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, không ảnh hưởng gì nhiều, vì các đối tượng tham gia chủ yếu các nhà đầu tư lớn và mua những doanh nghiệp trên là mục tiêu hoạt động kinh doanh dài hạn không phải ngắn hạn hay chỉ dùng để đầu tư tài chính nên dòng tiền chủ yếu được chuẩn bị từ trước.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tăng mạnh nhờ hoạt động chốt NAV? ảnh 4

Ông Phan Dũng Khánh 

Ngoài ra, như Khách sạn Kim Liên bán theo lô lớn, nên lại càng không ảnh hưởng gì khi các nhà đầu tư khác dù có rút bớt vốn trên TTCK cũng sẽ sớm mang trở lại. Ngoài ra, quy mô của 2 doanh nghiệp này cũng chưa đủ để ảnh hưởng mạnh đến TTCK hiện nay.

Ông Đỗ Quang Hợp, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước đang ở trong giai đoạn nước rút với hàng loạt các doanh nghiệp lớn có tên tuổi được đưa ra bán đấu giá trong những ngày cuối cùng của năm. Điển hình như các tên tuổi lớn như Công ty Du lịch Kim Liên (Khách sạn Kim Liên), Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX), Nước khoáng Vĩnh Hảo…

Trong những ngày cuối cùng của năm 2015 tới đây, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến thêm phiên bán đấu giá 2 doanh nghiệp lớn của Bộ Giao thông Vận tải là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5).

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều được chào bán toàn bộ cổ phần Nhà nước nắm giữ theo lô lớn, các nhà đầu tư tham gia đều là các nhà đầu tư tổ chức, do vậy gần như không có tác động nhiều tới diễn biến thị trường niêm yết.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt

Quan điểm tôi cho rằng, nguồn vốn trong dân, của nhà đầu tư trong nước còn rất lớn. Do vậy, các hoat động IPO, thoái vốn vừa qua không hút tiền trên TTCK, mà thật ra sẽ có tác động tích cực, vì họ tìm được kênh đầu tư hấp dẫn hơn tiết kiệm gửi ngân hàng.

Cũng như đầu tư vào các đợt IPO, đầu tư vào các đợt thoái vốn thông thường là những nhà đầu tư dài hạn hoặc nhà đầu tư chiến lược. Do vậy, cũng không mâu thuẫn về đối tượng đầu tư.

Tin bài liên quan