Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thêm một tuổi mới với nhiều thăng trầm. Cùng với những biến động của các chỉ số, giao dịch trên sàn cũng sôi động hơn với các hoạt động của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo thống kê quy luật trong 5 năm trở lại đây, diễn biến thị trường khá tích cực. Bên cạnh dòng vốn ngoại có xu hướng mua ròng, các chỉ số thị trường cũng đều tăng điểm. Chính vì vậy, giới đầu tư khá kỳ vọng vào phiên giao dịch đầu năm mới (4/1/2016) sẽ khởi sắc.
Tuy nhiên, trải qua một tuần trước tết khá thận trọng, các chỉ số chưa xác lập xu thế rõ ràng, các phiên tăng-giảm vẫn tiếp tục duy trì khiến phiên giao dịch đầu tuần mới và cũng là phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 có những bước đi khá thận trọng trong đầu phiên.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm nhẹ 0,58 điểm (-0,1%) xuống 578,45 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức thấp với chỉ hơn 1,9 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 48,35 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu có dấu hiệu gia tăng giúp thị trường le lói sắc xanh. Tuy nhiên, gánh nặng từ các cổ phiếu lớn trên sàn khiến Vn-Index vẫn khó khăn tiếp cận mốc 580 điểm trong khi HNX-Index cũng giằng co quanh ngưỡng 80 điểm.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, sự trở lại của các cổ phiếu dầu khí đã hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục như GAS tăng 1,93%, PVS tăng 1,8%, PVB và PVD cùng tăng 0,36%, PLC tăng 0,55%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bluechip khác cũng đang giữ giá xanh như HSG, GMD, FPT…, hay trên HNX như NTP, HUT, SHS, SCR… Tuy nhiên, đà tăng của các mã này khá hẹp khiến thị trường hồi phục không mấy bền vững.
Đáng chú ý nhất trong phiên sáng nay là các cổ phiếu xây dựng và bất động sản. Dòng tiền hỗ trợ khá tốt giúp các cổ phiếu trong nhóm này hoạt động sôi động và tăng điểm tích cực. Tiêu biểu, CII tăng 4,17% và khớp 1,77 triệu đơn vị; FLC tăng 1,27% và khớp 1,58 triệu đơn vị; DLG sau 3 phiên tăng liên tiếp đã bị chốt lời và giảm 2,9% với lượng khớp 3,86 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Thị trường không nhiều biến động trong phiên giao dịch đầu năm. Áp lực bán có phần chiếm áp đảo khiến Vn-Index lùi về sát mốc 577 điểm, tuy nhiên, lực cầu gia tăng cuối phiên giúp thị trường lấy lại sắc xanh nhẹ. Thanh khoản khá cầm chừng bởi tâm lý giao dịch thận trọng sau kỳ nghỉ lễ.
Chốt phiên sáng, Vn-Index tăng 0,47 điểm (+0,08%) lên 579,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 55,37 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 949 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực đạt 11,38 triệu đơn vị, trị giá 250,787 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index cũng diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên không có được sắc xanh bởi sức ép của các cổ phiếu lớn. Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,26%) xuống 79,74 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 21 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 228,36 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,23 triệu đơn vị, trị giá 16,64 tỷ đồng.
Trong khi cặp đôi cổ phiếu chủ chốt ngành dầu khí là PVD và GAS đã hạ nhiệt khi PVD lùi về mốc tham chiếu, GAS chỉ còn tăng hơn 1,1% thì trong nhóm bluechip lại nổi lên một số mã như HSG tăng 1,59%, VIC tăng 1,75%, BVH tăng 0,94%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn thiếu tích cực khi hầu hết đang đứng giá hoặc giảm điểm. Đáng kể có STB giảm 3,82%, MBB giảm 2,74%, các mã khác như VCB, CTG, HCM, SSI cũng đều đỏ điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng vẫn là tâm điểm của dòng tiền với lượng giao dịch khá sôi động. Cụ thể, DLG vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với hơn 4,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và đóng cửa vẫn giữ mức giá 6.800 đồng/Cp, giảm 2,86%; trong khi đó, CII là điểm sáng với mức tăng 5,56% lên gần sát trần 22.800 đồng/CP và khớp 3,71 triệu đơn vị; FLC nhích nhẹ 1 bước giá và khớp 2,34 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã khác cũng có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị như IDI, HAG, SHI, HQC, HAR…
Trên HNX, nhiều mã trong nhóm xây dựng và bất động sản cũng có thanh khoản tích cực như TIG đứng đầu sàn với khối lượng khớp đạt 1,88 triệu đơn vị; SCR đứng giá tham chiếu 8.700 đồng/Cp và khớp hơn 1,2 triệu đơn vị; SHN tăng 4,62% và khớp 1,13 triệu đơn vị.
Với thông tin từ lãnh đạo Công ty cuối tuần trước cho rằng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 48,6 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm và Công ty dự kiến đảm bảo mức chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt đã giúp LIG tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Chốt phiên, LIG tăng 9,66% lên thẳng mức trần 10.100 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 1,22 triệu đơn vị và dư mua trần 57.300 đơn vị.