Phiên giao dịch chứng khoán sáng 16/9: Dòng tiền thận trọng, thị trường vẫn xuất hiện điểm nóng

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 16/9: Dòng tiền thận trọng, thị trường vẫn xuất hiện điểm nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng nay 16/9 kém sôi động hơn các phiên trước, nhưng không vì thế mà không có những điểm nóng.

Trong phiên giao dịch hôm qua 15/9, VN-Index đã thất bại trong việc chinh phục mốc 900 điểm, thậm chí chút nữa bị đẩy lại xuống dưới tham chiếu nếu không có sự hỗ trợ của một vài mã cổ phiếu lớn.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán Việt Nam không nhận thông tin tác động nào đáng kể khi chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch kết thúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam cũng lình xình là chủ yếu. Nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin quan trong từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc vào chiều thứ Tư (16/9) theo giờ Mỹ.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các chỉ số chỉ lình xình trong biên độ hẹp, gần như sát mốc tham chiếu, diễn biến giao dịch cũng chậm hơn so với các phiên gần đây.

Tuy nhiên, không vì thế mà thị trường không có những điểm nóng, trong phiên sáng nay đó là ASM.

Không phải trong phiên sáng nay, cổ phiếu ASM đã phát tín hiệu tăng giá từ đầu tháng 9, khi từ đầu tháng tới nay, cổ phiếu này chỉ có duy nhất 1 phiên điều chỉnh nhẹ ngày 4/9, còn lại đều tăng.

Trong đó, tính tới phiên hôm qua, cổ phiếu ASM đã có 7 phiên tăng liên tiếp, trong đó có phiên tăng trần ngày 14/9.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, đà tăng của ASM tiếp tục được duy trì, nhưng cũng không quá mạnh. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút, lực cầu bất ngờ gia tăng mạnh đã hấp thụ hết lượng dư bán, kéo ASM lên mức trần 7.970 đồng với thanh khoản hơn 5,5 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị.

Tuy nhiên, gần cuối phiên, lực cung bất ngờ gia tăng hấp thụ hết lượng dư mua giá trần này, khiến ASM có chút rung lắc, nhưng lực cầu không chịu thua, nên cổ phiếu này vẫn duy trì được sắc tím cho tới hết phiên sáng và lượng dư mua giá trần xuất hiện trở lại khi chốt phiên. Thanh khoản theo đó cũng tăng mạnh lên hơn 7,5 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE sau PVD.

PVD cũng có phiên giao dịch tích cực khi vượt qua tất cả các tên tuổi khác để trở thành mã có thanh khoản nhất sàn với 7,62 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,25% lên 11.350 đồng.

Ngoài ASM và PVD diễn biến chung của thị trường có sự phân hóa rõ nét, nhưng độ rộng nghiêng về số mã giảm, nhưng biên độ hẹp, khiến VN-Index cũng chỉ lình xình trong biên độ hẹp, chủ yếu sát mốc tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,01%), xuống 896,14 điểm với 160 mã tăng và 200 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 157,7 triệu đơn vị, giá trị 2.658 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,7 triệu đơn vị, giá trị 285,5 tỷ đồng.

Các mã lớn diễn biến như thị trường chung, đa số giảm giá, nhưng rất nhẹ, chỉ có BCM giảm mạnh nhất 2,67% xuống 42.000 đồng, còn lại chủ yếu trên dưới 0,5%.

Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất là STB với hơn 7 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HOSE, đóng cửa giảm 0,89%. Ngoài ra, chỉ có thêm 6 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CTG, HPG, VRE, VPB, MBB và FPT.

Trong các mã vừa và nhỏ, HSG vẫn duy trì được đà tăng 1,54% lên 13.200 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị. PVT, IDI, FLC cũng có sắc xanh, trong khi HAG, ITA giảm giá, số còn lại chủ yếu đứng giá tham chiếu.

Diễn biến trên HNX cũng tương tự khi chỉ số chính của sàn này lình xình quanh tham chiếu và đóng cửa với sắc đỏ nhưng gần như không đổi.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,07%), xuống 127,83 điểm với 62 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 369 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 32,2 tỷ đồng.

Trên sàn này, PVS có thanh khoản vượt trội với tổng khớp 8,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2% lên 12.900 đồng.

Ngoài PVS, có mức tăng tốt sáng nay trong nhóm cổ phiếu lớn trên sàn HNX còn có VIF tăng 4,22% lên 17.300 đồng, THD tăng 2,54% lên 80.800 đồng, nhưng thanh khoản 2 mã này rất thấp.

Trong khi đó, cả 4 mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB, SHB, VCG và VCS đều giảm giá, nhưng mức giảm khiêm tốn, trên dưới 0,5%. Trong đó, ACB và SHB khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, UPCoM chỉ dao động trong sắc xanh suốt phiên sáng nay, nhưng đóng cửa với số điểm tăng thêm không nhiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,16%), lên 59,66 điểm với 78 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,87 triệu đơn vị, giá trị 256 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,27 triệu đơn vị, giá trị 31,9 tỷ đồng.

Phiên sáng nay UPCoM ghi nhận sự đột biến trong thanh khoản của TLP khi cổ phiếu này được khớp 7,99 triệu đơn vị đứng đầu thị trường, đóng cửa tăng 4,95% lên 10.600 đồng.

Trong các mã lớn đáng chú ý, LPB vẫn giữ được phong độ về thanh khoản với 3,1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,01% xuống 9.800 đồng. BSR khớp 1,36 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1,47% lên 6.900 đồng.

Một mã khác có thanh khoản tốt sáng nay là G36 với 1,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,45% lên 5.800 đồng.

Trên thị trường phái sinh, trong 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30, loại hợp đồng có kỳ hạn đáo hạn ngày mai (17/9) giảm nhẹ theo VN30-Index, còn lại là tăng nhẹ. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,01% xuống 833,24 điểm, còn VN30F2009 giảm 0,02% xuống 832,8 điểm với 27.863 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.616 hợp đồng. Thanh khoản phiên này khá thấp trước ngày đáo hạn.

Trên thị trường chứng quyền, có 33 mã tăng và 47 mã giảm, trong đó CVRE2001 giảm sàn, mất 50% xuống 10 đồng/chứng quyền với 178.540 đơn vị được chuyển nhượng. Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CMWG2008 với 396.360 đơn vị, đóng cửa tăng 14,68% lên 1.250 đồng. Tiếp đến là CMWG2009 với 323.610 đơn vị, đóng cửa tăng 6,1% lên 1.740 đồng.

Tin bài liên quan