Lãnh đạo TP.HCM cho biết, sẽ  tập trung tín dụng cho những doanh nghiệp đang có thể hoạt động và mở rộng hoạt động hiện nay. Ảnh Lê Toàn

Lãnh đạo TP.HCM cho biết, sẽ tập trung tín dụng cho những doanh nghiệp đang có thể hoạt động và mở rộng hoạt động hiện nay. Ảnh Lê Toàn

Ông Đặng Văn Thành đề xuất “nhà băng” nên thành lập tiểu ban xử lý tình thế gỡ khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Tại buổi toạ đàm trực tuyến Khôi phục và Phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC cho rằng, ngoài việc cần sớm triển khai thị trường vốn phát triển lành mạnh thì giai đoạn này nên thành lập một tiểu ban xử lý tình thế. Nếu không, các kiến nghị của doanh nghiệp khó có thể xử lý, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại vì Covid không nên phân biệt

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), việc doanh nghiệp có thể chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp, vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể. Do đó, đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được hưởng chính sách này không kèm theo điều kiện giảm trên 50% lao động hoặc thiệt hại 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh.

Trước đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng đã kiến nghị cho tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ mà không phải chứng minh bị tác động của dịch Covid-19, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Vì dịch Covid-19 ảnh hưởng lên toàn xã hội và tác động tới tất cả các doanh nghiệp, khó có thể chứng minh được mức độ thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp.

“Căn cứ Thông tư 01/2020 ngày 13/3 của Ngân hàng Nhà nước và một số văn bản khác về các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay một số doanh nghiệp đã được tiếp cận. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thuộc FFA phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn trước; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi”, bà Chi phản ánh.

Bà Chi kiến nghị Chính phủ cần tăng cường xây dựng các chính sách giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh, thay vì vẫn nộp rồi lại làm đơn xin xét nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, FFA cũng kiến nghị thời gian gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất kéo dài thêm 7 tháng (thời gian tối đa theo quy định ban đầu là 5 tháng). Vì nếu tình hình dịch tại Việt Nam diễn biến theo chiều hướng tốt nhưng trên thế giới vẫn rất phức tạp thì 80% doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng trong việc sản xuất, kinh doanh (bởi lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu). Khi đó, việc giãn các thời hạn nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp…

Ông Đặng Văn Thành đề xuất “nhà băng” nên thành lập tiểu ban xử lý tình thế gỡ khó cho doanh nghiệp ảnh 1

TP.HCM đang nỗi lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hâm nóng lại thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Đại diện FFA cũng kiến nghị UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực được xác định là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp do Covid-19 được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch. 

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp cũng có những áp lực từ cổ đông

Trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, không thiếu vốn cho sản xuất - kinh doanh, bởi hiện có 12 ngân hàng tham gia chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố với tổng vốn cho vay khoảng 274.000 tỷ đồng. Đến nay mới giải ngân được 22.000 tỷ đồng, nên dư địa còn rất lớn.

Nếu không có giải pháp tình thế thì các kiến nghị của doanh nghiệp khó mà xử lý, vì suy cho cùng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng có những áp lực từ cổ đông   

- Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC

Ngoài ra, TP.HCM cũng đã lập Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 và đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Sở Công Thương để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng của ngân hàng theo cách thuận tiện nhất.

Theo ông Minh, chương trình này có nhiều lợi thế như hầu như tất cả các đối tượng, thành phần kinh tế tham gia đều hưởng lãi suất ưu đãi (5,5%/ năm với 5 lĩnh vực ưu tiên cho khoản ngắn hạn và 8-9% cho khoản vay dài hạn). Sau một tháng thực hiện Thông tư 01/2020 của Ngân hàng, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã cơ cấu 63.000 tỷ đồng nợ, miễn/giảm lãi tiền vay khoảng 12.300 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, tiểu thương…

Ông Đặng Văn Thành đề xuất “nhà băng” nên thành lập tiểu ban xử lý tình thế gỡ khó cho doanh nghiệp ảnh 2

Ông Đặng Văn Thành

Về khoản vay mới, theo ông Minh, từ cuối tháng Giêng đến nay, ngành ngân hàng cho cho 13.672 khách hàng vay hơn 88.800 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng và các công ty tài chính đưa ra bộ tiêu chí cụ thể về dòng tiền, doanh thu, khả năng trả nợ với ngân hàng của đối tượng thụ hưởng theo Thông tư 01.

Tại cuộc họp, gợi ý với TP.HCM về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, cùng với việc tiếp tục xã hội hóa thêm nhiều lĩnh vực cho kinh tế tư nhân, hâm nóng lại thị trường bất động sản thì Thành phố cần đầy mạnh đầu tư công để có “đầu kéo” các ngành kinh tế.

Cùng với đó, Thành phố cần sớm triển khai thị trường vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp không trường vốn khó có thể phát triển, trong khi thị trường vốn hiện nay vẫn còn đang méo mó.

Trong khi đó, đối với các ngân hàng, theo ông Thành, giai đoạn này nên thành lập một tiểu ban xử lý tình thế. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên ngồi lại phân tích sàng lọc các doanh nghiệp nhằm giảm lãi hay giãn nợ….

”Nếu không có giải pháp tình thế thì các kiến nghị của doanh nghiệp khó mà xử lý, vì suy cho cùng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng có những áp lực từ cổ đông”, ông Thành nhìn nhận và cho rằng, hậu dịch Covid-19 cũng là thời điểm cơ cấu lại đầu vào đầu ra để không quá lệ thuộc vào một thị trường nước ngoài, cũng như việc thiết lập lại thị trường nội địa.

Thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường

Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung tín dụng cho những doanh nghiệp đang có thể hoạt động và mở rộng hoạt động hiện nay và khoanh nợ cho những doanh nghiệp không thể hoặc hoạt động một phần.

“Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng hướng giải quyết như vậy”, ông Phong nói và cho biết, đầu tháng 4/2020, TP.HCM lập Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-91 do ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng và đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Chúng tôi đặt chỉ tiêu đến tháng 10/2020, Thành phố phải đạt được 80% giải ngân cho đầu tư công, bởi giải quyết được vấn đề này mới thúc đẩy được tổng cầu của Thành phố phát triển  

- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Trên cơ sở đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo các lĩnh vực khác nhau, Thành phố cũng đã giao cho Giám đốc Sở Công thương để hình thành bộ tiêu chí để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Tôi có gợi ý cho Giám đốc Sở Công thương là lưu ý đối với những doanh nghiệp đang tạo công ăn việc làm lớn cho người lao động, đóng góp cho xuất khẩu hoặc kinh doanh những ngành nghề trọng điểm hiện nay của Thành phố, đang kinh doanh những ngành nghề đã sử dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường… với tinh thần làm sao có chính sách và nguồn lực hỗ trợ sát với nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp”, ông Phong nói.

Ông Phong cho biết thêm, Thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới và cấu trúc lại thị trường, mở rộng thị trường nội địa, cũng như triển khai các giải pháp nhằm đánh giá tốt hơn tiềm năng thị trường trong nước, không chỉ trên địa bàn Thành phố.

Theo ông Phong, kiến nghị này là đề xuất của HUBA. Thành phố tiếp thu và nhận thức được việc này rất rõ.

“Thị trường nội địa cũng như vấn đề chuyển đổi số chính là những cơ hội mới cho chúng ta”, ông Phong bày tỏ với các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch TP.HCM, vì các doanh nghiệp ở mỗi lĩnh vực có những vướng mắc khó khăn riêng, nên các doanh nghiệp cần đặt hàng cho lãnh đạo Thành phố giải quyết vấn đề gì, lãnh đạo Thành phố sẽ gặp gỡ giải quyết những vướng mắc phát sinh này theo từng kỳ chứ không phải một năm.

Đối với các vấn đề doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất có thể giải quyết được hay không được, lãnh đạo các sở, ban ngành cũng phải trả lời ngay không để mòn mỏi chờ đợi cả năm trời. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ triển khai mạnh mẽ các kế hoạch đầu tư công.

“Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm từ công tác giải ngân đầu tư công năm 2019 có chậm trễ nên đã giao cho lãnh đạo Thành phố phụ trách vấn đề này tìm hiểu từng doanh nghiệp có khó khăn chỗ nào cần giải quyết ngay. Chúng tôi đặt chỉ tiêu đến tháng 10/2020, Thành phố phải đạt được 80% giải ngân cho đầu tư công, bởi giải quyết được vấn đề này mới thúc đẩy được tổng cầu của Thành phố phát triển”, ông Phong cho biết.

Đối với thị trường bất động sản, ông Phong cho biết, khó khăn trong lĩnh vực này là các quy định pháp luật chồng chéo nhau.

“Chúng tôi đang tích cực triển khai các cơ chế tháo gỡ. Chỉ 1 quý đầu năm tôi nhận được 57 hồ sơ vướng mắc khó khăn từ một đầu mối gửi về. Trách nhiệm của Thành phố là phải tạo điều kiện và môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp phát triển, nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Có những vấn đề Thành phố phải báo cáo lên cấp cao hơn”, ông Phong chia sẻ. 

Tin bài liên quan