Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK)  Dòng tiền vẫn chưa mấy nhập cuộc khiến thị trường thiếu động lực để bật cao. Chỉ số VN-Index tiếp tục có thêm một tuần giao dịch chủ yếu với diễn biến giằng co cùng thanh khoản ở mức thấp. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 14/1: Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã gặp phải lực cản khi các cổ phiếu bluechip có diễn biến thiếu tích cực. VN-Index đã rung lắc khá mạnh quanh mốc 900 điểm, tuy nhiên trong phiên chiều lực cầu gia tăng, đặc biệt trong đợt khớp ATC đã giúp một số trụ hồi phục, tiếp sức cho thị trường giúp ngưỡng kháng cự này được bảo toàn.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,91 điểm (-0,1%) xuống 901,8 điểm, HNX-Index giảm 0,29 điểm (-0,28%) xuống 101,58 điểm, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 53,14 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của BVSC khá đúng khi cho rằng chỉ số có thể gặp phải áp lực rung lắc điều chỉnh.

Trái lại BSC nhận định thị trường tiếp tục có một phiên hồi phục tích cực do mùa công bố kết quả kinh doanh cả năm.

Tương tự, TVSI, MBS, HSH cũng nhận định sai khi dự báo VN-Index sẽ tiếp tục hồi phục. Trong đó, HSH dự báo đà tăng của VN-Index có thể tiếp tục nhưng với dư địa không lớn với ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo tại 915 điểm (MA10 tuần).

* Sang phiên giao dịch ngày 15/1: Sau khi lấy lại sắc xanh trong phiên sáng nhờ dòng tiền hoạt động sôi động hơn, nhà đầu tư tiếp tục hưng phấn bước vào phiên giao dịch chiều. Với sự ổn định của nhóm cổ phiếu bluehips cũng như các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, chứng khoán, dầu khí..., đã giúp VN-Index leo lên mức cao nhất ngày khi chốt phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,88 điểm (+0,87%) lên 909,68 điểm, HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,99%) lên 102,58 điểm, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,03%) về 53,11 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định thận trọng khi cho rằng thị trường có khả năng sẽ giằng co tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp. Tương tự, SHS nhận định VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co với kháng cự gần nhất tại 905 điểm (MA20).

Trong khi đó, BSC và MBS có quan điểm khá chung chung khi dự báo VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 900 điểm.

Trái lại, PHS nhận định sai khi cho rằng xu hướng giảm điểm của thị trường vẫn đang tiếp diễn.

* Trong phiên giao dịch 16/1: Dù nỗ lực hồi phục trở lại, nhưng sự dè dặt của dòng tiền, cùng với việc VNM và các mã ngân hàng lớn đảo chiều đã khiến VN-Index thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 910 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,98 điểm (-0,11%), xuống 908,7 điểm, HNX-Index giảm 0,6 điểm (-0,58%), xuống 101,99 điểm, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,39%), lên 53,32 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định sai khi dự báo thị trường có khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm cho đến khi chạm vùng kháng cự 915-920 điểm.

Cũng có quan điểm đi ngược xu hướng thị trường còn có PHS, MBS, SHS. Đáng chú ý, MBS cho rằng khả năng thị trường điều chỉnh có lẽ cần cú shock mạnh, ở thời điểm này khả năng xảy ra thấp.

Trong khi đó, TVSI nhận định có phần đúng khi cho rằng xu hướng ngắn hạn, dao động đi ngang vẫn tiếp tục được đánh giá cao sẽ là xu hướng chính.

* Đến phiên giao dịch 17/1: VN-Index lình xình sát mốc tham chiếu với giao dịch diễn ra khá chậm trong suốt cả phiên sáng.

Sang phiên chiều, VN-Index nỗ lực đảo chiều đi lên sự hồi phục của một số mã lớn như VNM, VCB, BID… Tuy nhiên, chưa kịp chạm ngưỡng tham chiếu, lực cung đã được trung mạnh trở lại vào thị trường, đẩy VN-Index quay đầu. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực bán càng diễn ra mạnh hơn, nhất là ở các mã cổ phiếu lớn, khiến VN-Index rơi thẳng đứng xuống mức thấp nhất ngày khi chốt phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,81 điểm (-0,75%), xuống 901,89 điểm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%), xuống 101,92 điểm, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%), xuống 53,29 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định trái ngược xu hướng thị trường, bao gồm TVSI, MBS, SHS, BVSC.

Trong đó, TVSI cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục duy trì tăng điểm với sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn. Vùng giá 920-930 điểm là mục tiêu gần nhất mà chỉ số hướng tới.

Thậm chí, MBS còn cho rằng, thị trường không có gì mới, chỉ số vẫn trong xu hướng hồi phục, mức đáy đang ngày càng được củng cố bất chấp thanh khoản vẫn ở mức thấp.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/1: Thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực, tâm lý nhà đầu tư vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến giao dịch phiên cuối tuần khá đìu hiu và VN-Index gần như chỉ đứng yên so với phiên trước.

Đóng cửa, VN-Index nhích nhẹ 0,41 điểm (+0,05%), lên 902,3 điểm, HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,36%), xuống 101,56 điểm, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,06%), xuống 53,26 điểm.

Về phần các Dự, BVSC tiếp tục đưa ra nhận định trái ngược xu hướng thị trường khi dự báo VN-Index sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ 888-896 điểm trong các phiên tới trước khi hồi phục trở lại.

Tương tự, SHS cũng đưa ra nhận định thiếu chuẩn xác khi dự báo VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh nhằm test lại lực cầu quanh ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 900 điểm (MA20).

Trái lại, TVSI nhận định nhiều khả năng VN-Index sẽ sớm hồi phục, tuy nhiên dự báo của công ty này với kỳ vọng khá lớn khi cho rằng vùng giá 920-930 điểm vẫn đang là mục tiêu gần nhất mà chỉ số hướng đến trong nhịp hồi phục lần này.

Tin bài liên quan