Tại phiên giao dịch đầu tuần 13/4, với những thông tin vĩ mô và vi mỗ tích cực, cùng với việc khối ngoại hạn chế bán ra, cả 2 chỉ số đều giữ sắc xanh từ sớm khi nhóm VN30 và HNX30 cùng tăng điểm.
Chỉ số VN-Index dần nới rộng điểm số và chịu sự rung lắc khi tiếp cận ngưỡng cản 560 điểm, vì vậy mà đà tăng bị thu hẹp bớt khi kết thúc phiên sáng. Nhóm VN30 vẫn duy trì được sắc xanh tốt.
Trong khi đó, HNX-Index yếu dần về cuối phiên, nhưng vẫn may mắn giữ được sắc xanh. Đà giảm của HNX chủ yếu chịu tác động từ nhóm HNX30 khi nhóm này đảo chiều.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 4,94 điểm (+0,89%) lên 558,97 điểm, còn HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%), lên 83,03 điểm. Dòng tiền chỉ tập trung ở một vài mã dẫn dắt thanh khoản như FLC, DLG, HAI, ITA…(HOSE), hay FIT, KLF (HNX), vì vậy mà thanh khoản trong buổi giao dịch sáng chưa được cải thiện nhiều.
>> Phiên giao dịch sáng 13/4: Chạy đà tốt
Trong buổi giao dịch chiều, lực bán gia tăng mạnh ngay khi bước vào phiên, khiến độ rộng thị trường thu hẹp dần và chuyển sang hướng tiêu cực. VN-Index chịu rung lắc mạnh và có những thời điểm thót tim khi rơi về sát mốc tham chiếu. Nhưng VN-Index không chỉ đứng vững, thậm chí còn còn đóng cửa với mức điểm cao hơn phiên sáng, nhờ vào sự hỗ trợ đặc lực của các mã lớn như MSN, VIC, VCB, VNM, rồi GAS, PVD, BVH, DPM.
Trong khi đó, bởi không có may mắn được các “đại gia” chống lưng như VN-Index, nên HNX-Index chỉ giao dịch trong sắc đỏ trong suốt phiên chiều.
Đóng cửa, VN-Index tăng 5,51 điểm (+0,99%), lên 559,54 điểm, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,4%) xuống 82,66 điểm. Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, chỉ gần 1.900 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng tích cực trên cả 2 sàn với hơn 5 triệu đơn vị, tổng giá trị gần 114 tỷ đồng, tập trung nhiều ở các mã bluechips.
Các mã thị trường như FLC, DLG, HAI, CII... (HOSE), hay KLF, FIT, ITQ (HNX) vẫn là các mã thu hút được dòng tiền nên giữ mức thanh khoản cao, nhưng đa phần đóng cửa ở tham chiếu và mức giá đỏ trước sức ép bán ra.
>> Phiên giao dịch chiều 13/4: Thót tim
Về phần các Dự, phiên mở đầu tuần mới đóng cửa trong tình trạng trái chiều của 2 chỉ số. Vì vậy có thể khẳng định kết quả này chẳng có Dự nào có thể đoán trúng 100%.
Tuy nhiên, MSBS và IVS ghi được điểm ở phiên này đều là những Dự có nhận định về diễn biến của riêng VN-Index.
“VN-Index có thể đạt 560-565 trong tuần tới. Thị trường những phiên cuối tuần đã có sự cải thiện về thanh khoản, mặc dù chưa lớn nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực. Điểm số tăng lên cùng với dòng tiền tìm đến các cổ phiếu cơ bản. Chúng tôi cho rằng sang tuần, thị trường vẫn sẽ tăng điểm. Nhưng áp lực bán sẽ mạnh lên quanh vùng 560 điểm”, MSBS nhận định.
Tương tự là IVS: “Chỉ số VN-Index đã tái chiếm lại mốc 550 điểm nhưng đà tăng này chưa thực sự thể hiện rõ khía cạnh nào. Ngoài nhóm Ngân hàng có hơi hướng nhưng không thực sự nổi bật để nhìn nhận rằng nhóm này đã dẫn dắt thị trường. Nhìn chung, thị trường tăng điểm nhưng sự phân hóa là rất cao. Ngoài ra, ở điểm này cũng cần phải nhắc đến tác động lớn từ cổ phiếu vốn hóa lớn là VNM, MSN, BVH.... nên mới có được kết quả tích cực. Do đó, trong tuần giao dịch tới 13/4-17/4, nhiều khả năng chỉ số VN-Index vẫn duy trì là một nhịp tăng điểm. Thế nhưng khi chạm đễn vùng 560-570 điểm thì đó sẽ là một thử thách không hề nhỏ”.
Trong khi đó, việc các chỉ số liên tục kiểm nghiệm các mốc cản gần cho thấy nhận định của MBS là khá hợp lý.
“VN-Index tăng điểm đi kèm với thanh khoản cao đang hỗ trợ tốt cho đợt hồi phục hiện nay. Trước mắt, thị trường sẽ kiểm nghiệm mức kháng cự 560 điểm với VN-Index và 83 điểm với HNX-Index”, MBS đánh giá.
Phần đông các Dự còn lại gồm BVSC, MBKE, VDSC, SHS, BSC, SSI, KIS, VCSC chủ yếu đưa ra những ý kiến trung lập như “Thị trường phát tín hiệu cải thiện tốt”, hay “Thị trường sẽ tích cực hơn”.... Riêng VCSC bị xếp vào nhóm trung lập bởi mức độ trúng-trật là 50-50.
“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng tại các mức kháng cự của đường trung bình SMA20, tức là mức 558,53 của chỉ số VN-Index và 83,02 của chỉ số HNX-Index”, VCSC nhận định.
Sang phiên giao dịch 14/4, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” vẫn tiếp diễn, thanh khoản theo đó cũng trở nên eo uột hơn. Đà tăng vẫn được duy trì, nhưng VN-Index liên tục rung lắc khi đối diện với ngưỡng cản mạnh 560 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến giằng co quanh tham chiếu với thanh khoản nhỏ giọt.
Tuy nhiên, sau nửa thời gian đầu giằng co, lực mua tại các mã lớn một lần nữa gia tăng, giúp VN-Index vững vàng đi lên, vượt qua ngưỡng cản đầu tiên 560 điểm, bất chấp tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” vẫn diễn ra. Trong khi đó, HNX-Index đã không thể giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng 2,29 điểm (+0,41%) lên 561,83 điểm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 82,65 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 860 tỷ đồng.
Không phải các mã thị trường như FLC, DLG, HAI, GTN, CII, OGC, KLF, FIT..., mà cổ phiếu ngân hàng mới là nhóm lọt vào “tầm ngắm” của dòng tiền trong phiên giao dịch sáng nay. Trong đó, BID dẫn đầu thanh khoản với 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp sau là CTG với với 2,28 triệu đơn vị được khớp.
>> Phiên giao dịch sáng 14/4: Cổ phiếu ngân hàng vào tầm ngắm
Trong buổi giao dịch chiều, sự thận trọng của nhà đầu tư về khả năng thị trường sẽ diễn ra kéo xả đã không thừa. Sau khi kéo VN-Index lên sát 563 điểm, lực bán đã nhanh chóng tung ra, đẩy VN-Index lao thẳng và đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, HNX chịu áp lực bán từ phiên sáng và trong phiên chiều, áp lực bán càng gia tăng đẩy chỉ số này nới rộng đà giảm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,87 điểm (-0,16%) xuống 558,67 điểm, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,55%) xuống 82,2 điểm. Dù bên bán đã tăng cung giá thấp, nhưng bên mua vẫn không mấy mặn mà, khiến thanh khoản lại sụt giảm, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ gần 1.800 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng, đạt hơn 6,4 triệu đơn vị, giá trị trên 183 tỷ đồng, trong đó mua vào mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu lớn không còn giữ được sắc xanh đồng đều như phiên sáng. Nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm. Giống như trong phiên sáng, mức thanh khoản của nhóm này vẫn dẫn đầu và vượt qua hẳn nhóm thị trường, trong đó BID khớp hơn 5 triệu đơn vị, CTG khớp hơn 4,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mã SHB khớp được 2,4 triệu đơn vị. “Tân binh” KVC là điểm sáng khi tăng trần lên 20.800 đồng, thanh khoản mạnh với hơn 2 triệu đơn vị được khớp. Ngược lại, ITQ nằm sàn từ đầu phiên ở mức 18.000 đồng và khớp 2,3 triệu đơn vị.
>> Phiên giao dịch chiều 14/4: Kéo xả
Về phần các Dự, cả 2 chỉ số đã điều chỉnh nhẹ đúng như nhận định của IVS và VCSC.
“Diễn biến phiên đầu tuần đã thể hiện một số điểm chưa thực sự tích cực, mà nói đúng hơn là nó phản ánh khả năng tăng điểm tiếp theo là khó. Thứ nhất, dòng tiền có xu hướng chững lại nên khả năng dòng tiền mới là chưa sẵn sàng, điểm này là rất quan trọng. Thứ hai, sự tăng điểm phần lớn có sự đóng góp của nhóm mã lớn trong khi dư địa mã này tăng nữa là không nhiều. Vì thế, áp lực bán sẽ ngày càng mạnh hơn sẽ xuất hiện trong thời gian tới bởi dòng tiền nóng, đặc biệt tiền đòn bẩy. Áp lực này sẽ khiến cho thị trường phiên ngày 14/4 quay trở lại giảm điểm, tuy nhiên mức giảm sẽ không nhiều nhờ sự hỗ trợ của khối ngoại và nhóm LargeCap”, IVS nhận định.
Tương tự là VCSC: “Chúng tôi cho rằng áp lực bán sẽ còn tiếp tục gia tăng và khiến hai chỉ số có thể sẽ rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch kế tiếp, nhưng chúng tôi đánh giá lực cầu sẽ tăng dần về cuối phiên 14/4/2015. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy dòng tiền tiếp tục gia tăng và có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu”.
Ngược lại, nhận định của MSBS đã trật khi cho rằng thị trường tiếp tục tăng điểm.
“Dòng tiền chuyển dịch linh hoạt trong phiên ngày 13/4. Trong khi nhiều mã cơ bản tăng điểm hấp dẫn ở các phiên trước đó, thì phiên này lại bị bán mạnh trước áp lực chốt lời ngắn hạn. Thay vào đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại hút tiền, đẩy chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh. Chúng tôi cho rằng, trong những phiên tới, nhóm cổ phiếu này sẽ dẫn dắt thị trường chinh phục các mốc kháng cự tiếp theo. Ngày 14/4, thị trường vẫn sẽ tăng điểm, nhưng lực tăng chủ yếu tập trung ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, GAS, VNM, DPM…”, MSBS đánh giá.
Trong khi nhiều Dự như BVSC, MBKE, VDSC, SHS, BSC, SSI, KIS, MBS vẫn chỉ đưa ra những nhận định mang tính trung lập “Lực cầu cần ổn định trước áp lực chốt lời”, hay “Vẫn đang trong quá trình hồi phục tích cực”, hoặc là “Vẫn cần thêm dấu hiệu tích cực”...
Tới phiên giao dịch 15/4, sắc xanh cùng sự thận trọng cao tiếp tục được duy trì trên VN-Index ngay từ đầu phiên. Chỉ số vẫn chịu sự rung lắc khá mạnh tại ngưỡng cản 560 điểm. Nhóm ngân hàng bắt đầu bị chốt lời, nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí đã thay thế đễ hỗ trợ thị trường cả về điểm số và thanh khoản. Với đà tăng tốt của nhóm dầu khí, VN-Index đã vượt mốc 560 thành công khi chốt phiên sáng.
Trên sàn HNX cũng là diến biến giằng co. Chỉ số HNX-Index liên tục trồi sụt quanh mốc tham chiếu khi cả 2 bên cung cầu tỏ ra cân bằng. Có thời điểm, HNX-Index đã lùi xuống dưới tham chiếu khi lực lấn át, nhưng sắc xanh vẫn giữ được cũng nhờ vào sự ổn định của nhóm dầu khí.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,97 điểm (+0,71%) lên 562,64 điểm, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,39%) lên 82,65 điểm. Thanh khoản chung chưa được cải thiện khi tâm lý thận trọng vẫn được nhà đầu tư duy trì ở mức cao.
>> Phiên sáng 15/4: Cổ phiếu dầu khí đỡ thị trường
Trong buổi giao dịch chiều, sau những nghi ngại, nhóm dầu khí đã thực sự bùng nổ. Sự tích cực từ nhóm dầu khí đã lan tỏa ra thị trường, các chỉ số không chỉ gia tăng tốt về điểm số, dòng tiền cũng chảy mạnh và tích cực hơn hẳn.
Đóng cửa, VN-Index tăng 5,83 điểm (+1,04%) lên 564,5 điểm, HNX-Index tăng 0,83 điểm (+1,01%) lên 83,03 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước, đạt trên 2.300 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn giao dịch sôi động và duy trì trạng thái mua ròng gần 5 triệu đơn vị trên 2 sàn, giá trị hơn 133 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu bluechip.
Ở nhóm dầu khí, PVD tăng kịch trần, GAS cũng chỉ còn cách mức giá trần 1 bước giá, thanh khoản tăng mạnh khi cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Tín hiệu tích cực đã lan sang nhóm ngân hàng và các mã bluechips khác, trong đó nhóm ngân hàng đã hồi phục mạnh sau khi chịu sức ép chốt lời ở phiên sáng. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường đã chững lại đôi chút, FLC cũng đã phải nhường vị trí dẫn đầu thanh khoản cho CII.
Trên HNX, PVC và PVS vẫn là những “đầu tầu” kéo chỉ số, KLF giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản. Riêng ITQ tiếp tục đo sàn tại mức giá 16.200 đồng/CP và nằm trong số ít mã có khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.
>> Phiên giao dịch chiều 15/5: Tưng bừng Dầu khí
Về phần các Dự, với việc nhóm dầu khí bất ngờ trở lại mạnh mẽ sau thời gian khá dài điều chỉnh và tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác, thị trường đã có phiên bật tăng khá ấn tượng cả về thanh khoản lẫn điểm số. Chính diễn biến này đã khiến những nhận định của những IVS, SHS, MBS, SSI, VCSC bị trật khấc.
“Thực tế cho thấy cầu mua khá yếu minh chứng cho việc dòng tiền mới đã không xuất hiện. Điều này sẽ tạo áp lực cho những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, và buộc họ gia tăng bán ra trong thời gian tới nhằm kiếm chút lợi nhuận từ nhịp hồi phục vừa qua. Cho dù có sự hỗ trợ của nhóm LargeCap, nhưng sẽ không giúp được nhiều và VN-Index sẽ quay trở lại với mốc 550 điểm”, IVS nhận định.
VCSC cũng nhận định: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ còn điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp, đặc biệt chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mức hỗ trợ 556.3 (tức là đường trung bình SMA20). Đồng thời, chúng tôi đánh giá áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ không quá lớn và nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc trong 1 – 2 phiên giao dịch tới".
SHS thì đánh giá: “Tâm lý thị trường vẫn không có dấu hiệu tích cực trở lại mặc dù vùng đáy trong đợt giảm điểm mạnh lần này đã được kiểm nghiệm. Xu hướng chốt lời hiện đang lan dần sang một số mã trụ và dự kiến sẽ mạnh dần lên khiến thị trường điều chỉnh mạnh nếu không có sự cải thiện về lực cầu của khối nội trong một vài phiên tới. Tuy vậy điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục cần mẫn mua ròng trở lại trên cả 2 sàn, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Nếu tiếp tục duy trì được điều này, việc điều chỉnh sâu sẽ khó xảy ra”.
MSB cho rằng: “VN-Index và HNX-Index đã không thể vượt qua được mức kháng cự 560 điểm và 83 điểm khiến lượng bán chốt lời gia tăng và tạo áp lực điều chỉnh giảm. Thị trường chung có thể không giảm sâu nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn giữ giá, nhưng các cổ phiếu nhỏ và vừa có thể tiếp tục điều chỉnh trên diện rộng”.
SSI thì phân tích: “Thanh khoản tiếp tục giảm khiến thị trường quay đầu giảm điểm trong khi khối ngoại mua ròng rất mạnh các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Áp lực bán của nhà đầu tư nội có thể sẽ khiến Index phải kiểm định lại ngưỡng MA20 vừa vượt hôm qua (556,6). Trong trường hợp MA20 được giữ vững, về mặt kỹ thuật, đây sẽ là điểm mua vào. Tuy nhiên do thanh khoản vẫn còn thấp nên xác suất hình thành uptrend chưa cao”.
Trong khi những BVSC, MBKE, VDSC, BSC, MSBS, KIS đã “an toàn” trong phiên này khi giữ nguyên quan điểm nhận định trung lập.
Đến phiên giao dịch 16/4, tiếp đà hưng phấn của phiên trước, sắc xanh của thị trường tiếp tục được duy trì. Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là tâm điểm, kết hợp với nhóm cổ phiếu lớn để giữ đà tăng.
Tuy nhiên, việc áp bán gia tăng vào cuối phiên khiến VN-Index hãm đà tăng mạnh, trong khi HNX-Index không còn giữ được sắc xanh mà quay đầu giảm nhẹ. Dòng tiền sau chút thận trọng đầu phiên đã dần trở nên tích cực, giúp thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,47 điểm (+0,44%) lên 566,97 điểm, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 83,02 điểm. Tổng giao dịch trên thị trường đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.
PVD, GAS, PVS, PVC vẫn là các cổ phiếu dầu khí chủ chốt nâng đỡ thị trường. Trong đó, cầu ngoại mạnh mẽ giữ cho PVD duy trì sắc tím kèm mức thanh khoản cao. Nhưng GAS cũng như PVC và PVS đã yếu đà.
Trong khi đó, FLC vẫn tỏ ra “yếu thế”, để HHS và CII “qua mặt” và HHS đã vượt lên dẫn đầu về thanh khoản.
Tương tự, trên sàn HNX, ITQ cũng đã vượt qua KLF để dẫn đầu thanh khoản trên sàn này, đồng thời nhích nhẹ trên mức sàn 1 bước giá.
>> Phiên giao dịch sáng 16/4: Bán nhanh
Trong buổi giao dịch chiều, cùng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu dầu khí, sức bật mạnh của các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán giúp VN-Index có khoảng thời gian "leo núi", vượt qua mốc cản 570 điểm. Tuy nhiên, động lực của thị trường hiện chưa đủ mạnh, nên ngay khi vừa vượt quan ngưỡng này, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại.
Đóng cửa, VN-Index tăng 3,78 điểm (+0,67%) lên 568,28 điểm, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,44%) lên 83,4 điểm. Dù có đôi chút tiếc nuối về điểm số, nhưng bù lại, dòng tiền tích cực chảy đã giúp thanh khoản chung tiếp tục tăng so với phiên trước, đạt 2.550 tỷ đồng.
Khối ngoại duy trì việc giao dịch tích cực, đẩy mạnh mua ròng trong phiên, đạt 10,5 triệu đơn vị, giá trị gần 221 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, PVD vẫn giữ nguyên sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn, nhưng các mã GAS, PVS, PVC, PVX tiếp tục bị thu hẹp đà tăng.
Lực cầu mạnh giúp nhóm ngân hàng tô đậm sắc xanh, trong đó BID và CTG được giao dịch mạnh nên có thanh khoản cao nhất nhóm.
HHS với kết quả kinh doanh cao nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành nên được nhà đầu tư ngoại “chăm sóc” tận tình nhất, do vậy mà giữ vững vị trí số 1 về thanh khoản, cũng như đà tăng mạnh.
Trên HNX, KLF đã lấy lại vị trí số dẫn đầu thanh khoản, trong khi ITQ lại quay trở về mức giá sàn 14.600 đồng/CP.
>> Phiên giao dịch chiều 16/4: Leo đỉnh bất thành
Về phía các Dự, nhóm dầu khí đã quay trở lại dẫn dắt thị trường cùng giao dịch tích cực từ khối ngoại đã giúp thị trường duy trì nhịp tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản. Kết quả này giúp cho những MSBS, VCSC, BSC đã ghi điểm trở lại.
“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch kế tiếp, vùng kháng cự gần nhất của hai chỉ số là mức 585 của chỉ số VN-Index và 84.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xung lượng ngắn hạn vẫn duy trì đà tăng về gần vùng quá mua cho thấy lực cầu giá cao tiếp tục gia tăng”, VCSC nhận định.
BSC đánh giá: “Thị trường vẫn đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nhân tố như đã đề cập trong các báo cáo trước: (1) khối ngoại vẫn đang mua ròng và (2) diễn biến giá dầu thế giới vẫn đang tích cực. Tuy vậy, một số điểm không tích cực mà chúng tôi nhận thấy là: (1) dòng tiền vẫn chưa mạnh mẽ, thanh khoản phiên 15/ chỉ đạt hơn 1800 tỷ đồng trên cả hai sàn, và (2) đà tăng của các cổ phiếu dầu khí có thể là do hiệu ứng tâm lý của giá dầu thế giới tăng, và điều này sẽ không kéo dài. Phiên ngày 15/5, thị trường có thể vẫn duy trì sắc xanh, nhưng sẽ đuối dần về cuối phiên”.
MSBS thì cho rằng: “Thị trường tăng điểm mạnh nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, PVD, MSN... đồng loạt tăng điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí được mua mạnh và là tâm điểm của thị trường ngày 15/5. Động lực tăng điểm là khá lớn, VN-Index tiến sát mốc 565 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đích đến của VN-Index trong nhịp hồi phục này là mốc 570-575 điểm”.
Ngược lại, IVS tiếp tục mất điểm với nhận định:
“Thị trường thay đổi khá nhanh chóng và chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng áp lực bán sẽ gia tăng nhanh hơn khi thị trường tiếp tục tăng, và đó là thử thách cho dòng tiền. Ở giai đoạn này điều cần nhất để tạo hiệu ứng gia tăng là dòng tiền mới nhưng dường như thị trường vẫn chưa cho thấy tín hiệu này đã quay lại. Sự thay đổi nhanh chóng có thể sẽ lại xuất hiện ngay trong phiên giao dịch ngày 16/4. Áp lực bán gia tăng sẽ làm thị trường bớt hưng phấn hơn, nhưng điều đó lại khiến cho thị trường trở nên chậm lại, thanh khoản sẽ giảm xuống”.
Trong khi đó, phần đông các Dự gồm BVSC, MBKE, VDSC, SHS, MBS, SSI, KIS vẫn trung thành với phương án nhận định trung lập của mình.
Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 17/4, vẫn là sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn, nhất là nhóm dầu khí, ngân hàng, thị trường đã tăng khá tốt trong nửa đầu phiên sáng nay. VN-Index dễ dàng vượt qua ngưỡng cản 570 điểm. Tuy nhiên, khi chỉ số hướng đến mốc cản tiếp theo 575 điểm, áp lực bán đã gia tăng mạnh. Cả 2 chỉ số chịu sự rung lắc mạnh và thoái lui dần, nhưng VN-Index vẫn giữ được mốc 570 điểm, còn HNX-Index không thể trụ nổi, quay đầu giảm dưới tham chiếu.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,19 điểm (+0,39%) lên 570,47 điểm, còn HNX-Index giảm xuống 83,39 điểm. Tổng giá trị giao dịch giảm nhẹ so với phiên trước, đạt 1.360 tỷ đồng. Thanh khoản giảm, nhưng giao dịch của khối ngoại vẫn khá tích cực.
Cầu ngoại duy trì sức mua tốt ở nhóm dầu khí nên nhóm này vẫn có được đà tăng ổn. Sáng 17/4 GAS tổ chức ĐHCĐ thường niên 2015, cổ phiếu GAS diễn biến lình xình. Nhóm ngân hàng giữ sự phân hóa, trong khi nhóm bất động sản cũng khá ảm đảm ở cả thanh khoản và điểm số.
>> Phiên giao dịch sáng 17/4: Rung lắc mạnh
Trong phiên giao dịch chiều, khối ngoại bất ngờ chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu bất động sản giúp nhóm này bật tăng. Tuy nhiên, việc dòng tiền chuyển hướng sang bất động sản cũng đồng nghĩa với việc giải ngân vào nhóm cổ phiếu dầu khí bị chững lại. Điều này khiến nhóm dầu khí suy yếu, cộng thêm áp lực chốt lời tăng, nên VN-Index đảo chiều đi xuống và chỉ may mắn giữ được chút xanh nhẹ trước khi đóng cửa.
Trong khi đó, ngoài việc nhóm bất động sản tăng mạnh, một số mã dầu khí trên HNX, nhất là PVS vẫn được khối ngoại nâng đỡ, vì vậy HNX-Index đã lấy lại được sắc xanh.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,04 điểm (+0,01%) lên 568,32 điểm, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%) lên 83,61 điểm. Dòng tiền chảy mạnh, nhất là từ khối ngoại, giúp thanh khoản chung của thị trường được cải thiện khá tốt, đạt gần 2.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khối ngoại đã có phiên mua ròng kỷ lục trên cả hai sàn kể từ đầu năm 2015, với hơn 17,58 triệu đơn vị, giá trị gần 358 tỷ đồng.
Việc dòng tiền chuyển hướng sang nhóm bất động sản giúp nhóm này tăng mạnh cả về điểm số về thanh khoản. Nổi bật nhất là ITA với hơn 10 triệu đơn vị được sang tay và có thời điểm đã tăng trần, dẫn đầu thanh khoản trên HOSE. Ngược lại, các mã dầu khí như PVD, GAS, PVT, PET... đều đồng loạt giảm điểm.
Trên HNX, thanh khoản của FIT và KFL đã gia tăng mạnh so với nhiều phiên trở lại đây.
>> Phiên giao dịch chiều 17/4: Tiền chuyển hướng sang bất động sản
Về phía các Dự, MBS, KIS, VCSC đã có nhận định khá hợp lý cho phiên giao dịch cuối tuần này.
“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 17/4 và có thể kiểm định các mức kháng cự 585 của chỉ số VN-Index và 85.0 của chỉ số HNX-Index trong vài phiên tới. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ tiếp tục gia tăng và khiến hai chỉ số xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên. Ngoài ra, thị trường có thể sớm bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực”, VCSC đánh giá.
MBS cũng cho rằng: “Thị trường đang duy trì xu hướng tăng điểm khá tích cực, VN-Index và HNX-Index đã vượt qua các mốc kháng cự 565 điểm và 83 điểm khá dễ dàng với thanh khoản tăng. Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lượng mua vào mạnh như hiện nay, thị trường sẽ duy trì tăng điểm trước khi chạm ngưỡng kháng cự 575-580 điểm với VN-Index và 84,5-85 điểm với HNX-Index”.
KIS nhận định: “VN-Index đã vượt qua 565 và có thời điểm đã vượt qua ngưỡng 570. Dù vậy, áp lực chốt lời khá mạnh nên trước mắt 570-572 sẽ là thử thách tiếp theo của VN-Index trong phiên cuối tuần. Nhìn chung, quan điểm của chúng tôi là tích cực và thiên về xu thế tăng”.
Ngược lại, IVS có thêm một phiên trật khi đưa ra nhận định:
“Trở lại diễn biến, với tâm lý tích cực từ phiên trước đó, thị trường tăng mạnh ngay sau giờ mở cửa. Tuy nhiên chỉ với nhóm “P” thì nhịp tăng này tỏ ra khó duy trì, thanh khoản tụt giảm mạnh cho thấy khả năng đảo chiều sẽ diễn ra. Tuy nhiên, điều bất ngờ thứ hai trong 2 ngày là nhóm Ngân hàng đã trở lại đúng lúc và đẩy VN-Index chạm tới mốc 570 điểm. Đáng tiếc là thị trường vẫn suy giảm nhẹ về cuối phiên và dù thanh khoản đã gia tăng nhưng đó là điểm không tích cực. Vì thế, phiên giao dịch ngày 17/4 áp lực chốt lời sẽ gia tăng mạnh hơn và tiếp tục là thử thách với dòng tiền. Nhóm Dầu khí, và rồi nhóm Ngân hàng đã đỡ thị trường, nhóm nào sẽ dành cho phiên 17/4. Thật khó, và điều này sẽ khiến cho thị trường suy giảm sau khi cố gắng tiếp cận mốc 570 điểm”.
Đối với những BVSC, MBKE, VDSC, SHS, SSI, BSC, MSBS thì nhận định trung lập trong giai đoạn hiện tại vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Tổng kết tuần giao dịch từ 13/4 đến 17/4, Thị trường tiếp tục có tuần hồi phục tăng điểm tích cực với động lực tới từ nhóm các cổ phiếu trụ cột, đặc biệt là sự quay trở lại dẫn dắt của nhóm dầu khí. Thanh khoản có sự hồi phục tích cực, nhất là về các phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đáng kể nhất chính là việc hoạt động khối ngoại vẫn giao dịch hết sức tích cực, đồng thời duy trì việc mua ròng mạnh trong cả tuần qua.
Về các chỉ số, với 01 phiên điều chỉnh nhẹ và 04 phiên tăng giá liên tục, VN-Index đã tăng tới 14,29 điểm (+2,55%) lên 568,32 điểm. Với 02 phiên giảm và 03 phiên tăng, HNX-Index chỉ tăng 0,61 điểm (+0,75%) lên 83,61 điểm.
Đối với các Dự, VCSC tiếp tục giữ được phong độ trong tuần dự báo này khi có được 03 phiên trúng. Đứng tiếp theo là MSBS, IVS và MBS với cùng 02 phiên trúng. Còn lại cũng chỉ có thêm BSC và KIS là trúng được 1 phiên.
Ở chiều ngược lại, đây là tuần kém may mắn của IVS khi Dự này bị trật 03 phiên, trong khi các những MSBS, SHS, MBS, SSI, VCSC cùng chỉ trật có 1 phiên.
Có lẽ đây là tuần thành công nhất đối với phe trung lập. Bởi vậy, danh hiệu “còi vàng” có sự cạnh tranh gay gắt. BVSC, MBKE, VDSC cùng tranh nhau “còi vàng” với cả 05 phiên nhận định trung lập. Bám sát là SHS, BSC, SSI, KIS khi cùng có 04 phiên trung lập.
TRÚNG |
TRUNG LẬP |
TRẬT |
|
T2/13/4 HOSE(+5,51/0,99%/559,54) HNX(-0,33/0,4%/82,66) |
MBS, MSBS, IVS |
BVSC, MBKE, VDSC, SHS, BSC, SSI, KIS, VCSC |
|
T3/14/4 HOSE(-0,87/0,16%/558,67) HNX(-0,46/0,55%/82,2) |
IVS, VCSC |
BVSC, MBKE, VDSC, SHS, BSC, SSI, KIS, MBS |
MSBS |
T4/15/4 HOSE(+5,83/1,04%/564,5) HNX(+0,83/1,01%/83,03) |
BVSC, MBKE, VDSC, BSC, KIS, MSBS, |
IVS, SHS, MBS, SSI, VCSC |
|
T5/16/4 HOSE(+3,78/0,67%/568,28) HNX(+0,36/0,44%/83,4) |
MSBS, VCSC, BSC |
BVSC, MBKE, VDSC, SHS, MBS, SSI, KIS |
IVS |
T6/17/4 HOSE(+0,04/0,01%/568,32) HNX(+0,21/0,25%/83,61) |
MBS, KIS, VCSC |
BVSC, MBKE, VDSC, SHS, SSI, BSC, MSBS |
IVS |