Để đánh giá cán cân XNK của một quốc gia, người ta chỉ cần làm một bài toán đơn giản: lấy tổng kim ngạch XK trừ đi tổng kim ngạch NK. Nếu hiệu số là một số dương, quốc gia được coi là xuất siêu, nếu hiệu số là âm thì quốc gia nhập siêu, còn nếu hiệu số bằng không thì cán cân ngoại thương là thăng bằng. Tuy nhiên, theo tôi, cách tính như trên không đúng hay ít nhất là từ vài chục năm trở lại đây đã không còn đúng nữa. Mức nhập siêu VN hiện nay không làm mất cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Lý do là khả năng thanh toán của VN không chỉ phụ thuộc vào kim ngạch XK, mà còn có nhiều nguồn thu ngoại tệ khác, trong đó đáng kể nhất là kiều hối và các nguồn thu gián tiếp nhờ sự gia tăng không ngừng của giá trị tài sản nội địa. Mức độ nhập siêu hiện nay lành mạnh và thấp hơn rất nhiều so với mức có thể gây nguy hiểm cho cán cân thanh toán quốc tế của VN.
Cách tính nhập siêu hiện nay có chính xác?
Trước kia, khi các nền kinh tế còn biệt lập, hầu như bất kỳ thứ hàng hóa nào cũng chỉ có thể được coi là XK hoặc NK khi nó vượt qua đường biên giới địa lý quốc gia. Nhưng sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia, xu hướng đầu tư ngoại quốc ngày càng gia tăng và đặc biệt là sự xuất hiện của các đặc khu kinh tế tự do trong lòng các quốc gia khiến cho quan niệm truyền thống về nhập siêu không còn có thể đứng vững. Thực tiễn mua bán, sáp nhập và chia tách các Cty cũng làm cho việc xác định kim ngạch XNK thêm khó khăn và thị trường chứng khoán thậm chí còn khiến công việc khó khăn hơn gấp bội. Ai có thể nói chính xác tỷ lệ cổ phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, và từ đó suy ra kim ngạch XNK thực sự của Cty?
Trong nền kinh tế truyền thống và biệt lập trước đây, XK hầu như đồng nghĩa với XK hàng hóa. Lý do đơn giản là sự khác biệt về bản chất của hàng hoá và dịch vụ. Nếu như hàng hóa là những sản phẩm đã hoàn chỉnh có thể bán cho bất kỳ ai thì dịch vụ cần phải thông qua tương tác. Người ta chỉ có thể cung ứng dịch vụ khi có tương tác giữa người cung ứng và người sử dụng dịch vụ. Vì thế, lâu nay, khi nói đến XNK, người ta chỉ nghĩ đến XNK hàng hóa mà thôi.
|
Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đáng kể đến cách tính kim ngạch XNK, đó là sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch. Tất cả những gì chúng ta bán cho khách du lịch ngoại quốc tại VN đều là XK, đúng hơn là XK tại chỗ. Thống kê của ngành du lịch cho biết rằng năm 2004 có gần ba triệu khách quốc tế đến VN. Nếu trung bình mỗi vị khách du lịch nước ngoài chi 1.000 usd cho mua sắm và tiêu dùng tại VN thì kim ngạch XK tại chỗ này đã là 3 tỷ usd. Kim ngạch XK tại chỗ còn lớn hơn nữa, nếu chúng ta tính cả số chuyên gia, thương nhân, nhân viên ngoại giao, lưu học sinh. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện số lượng người nước ngoài làm ăn và sinh sống lâu dài ở VN là hơn 81.000 người. Vì những người nước ngoài này sống lâu dài và rất nhiều người trong số họ là những thương gia giàu có, nên số tiền chi tiêu mua sắm có thể lớn hơn nhiều con số 1.000 usd mỗi năm. Thực ra không phải là chúng ta chưa bao giờ nói đến khái niệm "XK tại chỗ". Có điều, XK tại chỗ được nhìn nhận với nghĩa rất hẹp, chủ yếu là về lượng hàng hoá bán cho các Cty đang kinh doanh tại VN. Ngoài các nhân tố nói trên, còn có một nhân tố khác, quan trọng hơn, ảnh hưởng lớn và ngày càng lớn hơn đến quan niệm và cách tính xuất nhập siêu của chúng ta. Đó là sự thay đổi tính chất của nền kinh tế, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu XK giữa hàng hoá và dịch vụ.
Trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, thật khó có thể coi là hợp lý khi kim ngạch XNK của một xí nghiệp nuôi tôm 100% vốn VN cũng được tính vào kim ngạch XNK quốc gia giống hệt như kim ngạch XNK của một Cty sản xuất xe hơi 100% vốn nước ngoài. Mặt khác, tại sao trong mọi thống kê hiện nay, chúng ta đang... “quên” việc XK tại chỗ - phải chăng đó là sai lầm?
Sự việc đã và đang thay đổi. Khi các phương tiện đi lại nhanh chóng và tiện lợi như máy bay, tàu hoả siêu tốc... trở nên thông dụng, XK dịch vụ cũng dần dần tăng theo. Một hãng hàng không của Pháp, chẳng hạn, có thể cung ứng dịch vụ cho người Trung Quốc hay người
Không những thế, ngày nay ngay cả hoạt động mua bán hàng hóa giữa các đối tác thuộc các quốc gia khác nhau, tức là XNK, cũng có thể thực hiện qua mạng mà thậm chí không cần phải di chuyển vị trí của các hàng hóa đó. Theo nghĩa này, việc mua bán các Cty trong nhiều trường hợp cũng phải được nhìn nhận như là hoạt động XNK.
Thế nào là một cơ cấu XNK hợp lý?
Tôi đồng tình với quan điểm nhập siêu hiện nay không phải là điều đáng ngại, mà đáng ngại là cơ cấu nhập siêu. Tiến sĩ Trần Anh Phương (TS Kinh tế chính trị học) trong bài "Nhập siêu cao: có phải là bất lợi" (đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản VN) đã đưa ra những lập luận khá sâu sắc: "Nhập siêu mạnh - đó là một hiện thực phát triển khách quan đã mang tính quy luật không chỉ với riêng VN hiện nay mà chung cho nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Á và trên thế giới mà chúng ta cần thừa nhận và khai thác, vận dụng năng động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn VN".
TS Phương khẳng định rất đúng rằng: "Chúng ta cần phấn đấu tăng mạnh XK hơn nữa để có điều kiện tăng mạnh NK hợp lý; và mặc dù phấn đấu giảm nhập siêu cao nhưng chúng ta không sợ nhập siêu hợp lý mà chỉ sợ nhập sai và sử dụng không hiệu quả sự nhập siêu hợp lý đó". Đồng thời ông cũng đặt ra những câu hỏi còn để ngỏ: "Vậy như thế nào là nhập siêu hợp lý? những năm vừa qua VN đã nhập siêu mạnh và ngày càng cao hơn, nhất là 6 tháng đầu năm nay đã đạt tới mức kỷ lục so với cùng kỳ suốt 10 năm qua là vì sao?". Tôi hoàn toàn nhất trí với TS Trần Anh Phương rằng đó những vấn đề lớn và phức tạp. Vấn đề không chỉ có độ chính xác của các số liệu thống kê, tính hiệu quả của cơ quan hải quan hay mức độ trầm trọng của nạn tham nhũng. Vấn đề còn là và chủ yếu là, những thay đổi ở các bình diện và cấp độ khác nhau của quá trình sản xuất cũng như cấu trúc và bản chất nền kinh tế.
Trước hết, đó là những thay đổi của quá trình sản xuất. Trước đây, quá trình sản xuất là sự kết hợp của sức lao động với tư liệu sản xuất diễn ra hầu như trọn vẹn trong nhà máy. Trong quá trình này, tri thức gần như không được tính đến. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện nay, vai trò của trí tuệ con người ngày càng lớn, trong khi đó tỷ trọng của máy móc và nguyên vật liệu giảm đáng kể. Trên thực tế, hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao chủ yếu diễn ra ngoài nhà mày, bắt đầu từ công tác đào tạo nhân lực trong nhà trường, các hoạt động nghiên cứu và triển khai trong phòng thí nghiệm. đồng thời lại kéo dài đến quá trình sử dụng, cũng lại liên quan đến đào tạo và điều kiện sống của con người. Điều này có thể thấy qua ví dụ là giá nhân công rẻ mạt tại các nước đang phát triển. Đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến các nước đang phát triển như VN phải nỗ lực kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Điều này có nghĩa là sự phân biệt giữa "tư liệu sản xuất" và "hàng tiêu dùng" không còn rõ ràng như trước nữa. Việc NK thịt bò, sữa, xe hơi hay các chương trình và giáo trình đại học trong nhiều trường hợp cũng có thể coi là NK "tư liệu sản xuất", không chỉ vì các sản phẩm này có thể được dùng để kinh doanh trong các ngành như du lịch, nhà hàng... mà còn vì nó tham gia chuẩn bị lực lượng lao động phục vụ cho sản xuất, có khi trực tiếp (ví dụ, để phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài làm việc tại VN), có khi gián tiếp (thông qua giáo dục và tạo môi trường kinh doanh).
Thứ hai, đó là sự thay đổi cấu trúc và bản chất của nền kinh tế. Nền kinh tế thế giới và cả nền kinh tế nước ta, dù ở trình độ thấp hơn, đã chuyển mạnh trọng tâm từ sản xuất sang tiêu thụ. Một trong những dấu hiệu rõ nhất là sự gia tăng nhanh chóng của khu vực dịch vụ so với sản xuất. Lĩnh vực dịch vụ của VN hiện chiếm khoảng 40% GDP và đang tăng lên nhanh chóng, còn trên thế giới, dịch vụ chiếm trên 60% GDP toàn cầu. Khác với sản xuất hàng hoá, dịch vụ là lĩnh vực kinh tế liên quan đến các nhu cầu tương tác của con người. Phần lớn các hoạt động dịch vụ đòi hỏi các thứ mà chúng ta quen gọi là "hàng tiêu dùng", như lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, rượu bia... Xin lưu ý rằng trong kinh tế học gần đây người ta bắt đầu dùng một khái niệm mới là "Servuction", ghép hai từ "service" (dịch vụ) và "production" (sản xuất), nhằm mô tả sự giao thoa của hai lĩnh vực này.
Vấn đề thật ra còn sâu xa hơn thế. Hiện nay động lực của đa số các nền kinh tế trong đó có VN, không phải là khả năng sản xuất mà là khả năng tiêu thụ. VN có một lợi thế rất lớn để phát triển, đó là dân số đông và khao khát tiêu thụ. Chính sự gia tăng tiêu thụ đang khiến VN trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tôi không định cho rằng chúng ta cứ phó mặc việc XNK cho thị trường. Quan điểm của tôi là không thể xác định rạch ròi ranh giới giữa "hàng hoá tiêu dùng" với "tư liệu sản xuất" để mà có một tỷ lệ XNK hợp lý, lại càng không thể cho rằng luôn luôn phải hạn chế NK "hàng tiêu dùng". Vấn đề là phải cân nhắc, những gì là thế mạnh của chúng ta, dù đó là trong lĩnh vực "sản xuất", "dịch vụ" hay "tiêu thụ" thì cần phải có chiến lược để phát triển, còn nếu đó không phải là sở trường thì không nhất thiết phải bảo vệ bằng mọi giá.