Kịch bản và động lực để đạt mức tăng trưởng 8%

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ quyết tâm đưa kinh tế tăng trưởng trên 8% trong năm nay. Kịch bản tăng trưởng sẽ được cập nhật và bằng mọi biện pháp phải hoàn thành mục tiêu đó.
Kích cầu nội địa là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Kích cầu nội địa là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Kịch bản tăng trưởng và “ẩn số” thuế quan

Bản dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, đã được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ cuối tuần qua, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Theo chỉ đạo này, Bộ Tài chính phải hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP, trình Chính phủ trước ngày 25/4/2025. Trong đó, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.

Việc điều chỉnh kịch bản tăng trưởng là cần thiết, trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2025 chỉ đạt 6,93%, chưa đạt mục tiêu đề ra (trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, với kịch bản tăng trưởng 8% cả năm, quý I phải tăng trưởng 7,7%).

Thực tế, kịch bản này đã được Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, tổ chức hồi đầu tháng 4/2025. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nhấn mạnh về “sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội” để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Sức ép quả thật rất lớn, bởi để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra. Mà sức ép trước mắt là làm sao tăng trưởng GDP có thể đạt 8,2% trong quý II/2025. Áp lực này càng nặng nề hơn trong bối cảnh “bão thuế quan” của Mỹ vẫn đang căng thẳng.

Dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, nhưng những thông tin gần đây cho thấy, vẫn sẽ có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Mỹ.

Nhiều dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. UOB là ví dụ điển hình. Sau mức tăng trưởng 6,93% của quý I/2025, ngân hàng này dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 6% trong năm nay. Trong đó, quý II, tăng trưởng 6,1% và quý III tăng 5,8%.

Theo các chuyên gia của UOB, thuế quan cao sẽ khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Biện pháp thương mại mới này có thể làm chệch hướng mục tiêu tăng trưởng 8% GDP của Việt Nam trong năm nay”, UOB nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của BIDV đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5-7%. Ở kịch bản này, giả định mức thuế quan đàm phán với Mỹ sẽ đạt được ở con số 20-25%. Với kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng đạt 7,5-8%, nếu kết quả đàm phán thuế với Mỹ là tích cực. Kịch bản thứ 3, tăng trưởng chỉ là 5,5-6%, nếu chiến tranh thương mại leo thang.

Kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%, nỗ lực thực hiện các giải pháp

Dù phía trước rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng trên 8%. Điều này đã được khẳng định từ hồi đầu tháng 4/2025, khi Chính phủ họp thường kỳ và họp trực tuyến với các địa phương. Sau Công điện số 47/CĐ-TTg và sau chỉ đạo về việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP, quyết tâm này càng rõ hơn nữa.

Câu chuyện thuế quan với Mỹ vẫn là một ẩn số đối với kinh tế Việt Nam.

Thông tin tích cực là Chính phủ vẫn đang nỗ lực để đàm phán với Mỹ về mức thuế đối ứng. Cuối tuần qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đăng thông cáo về cuộc họp giữa Trưởng đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Theo đó, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề và thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại giữa hai nước.

Những bước đi đầu tiên là tích cực, song vẫn phải chờ đợi kết quả đàm phán cuối cùng. Câu chuyện thuế quan với Mỹ vẫn là một ẩn số đối với kinh tế Việt Nam. Các khuyến nghị từ các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhấn mạnh việc đẩy mạnh đàm phán và đạt được những thỏa thuận tốt đẹp về thuế quan với Mỹ.

Nhưng cùng với việc theo sát tình hình để có phản ứng chính sách nhanh chóng và thích hợp, thì để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, quan trọng hơn hết vẫn phải thực thi các giải pháp như thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và cả các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích cầu nội địa là những giải pháp quan trọng.

Trong cuộc tọa đàm mới đây về giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đã nhấn mạnh việc phải coi trọng thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa gắn với khu vực tư nhân trong nước. Theo ông Thiên, chính chính sách thuế quan của Mỹ buộc Việt Nam xem lại mô hình phát triển, trong đó cốt lõi là thị trường nội địa.

Khu vực tư nhân trong nước, theo nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm, chính là “động lực tăng trưởng quan trọng nhất”. Đẩy mạnh phát triển khu vực này vừa là giải pháp trong dài hạn, đồng thời là giải pháp trong ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng được coi là một động lực quan trọng. Trong Công điện 47/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng nhiều địa phương trong cả nước đang nỗ lực.

Trong cuộc làm việc với các địa phương vùng Đông Nam bộ mới đây để thúc giải ngân đầu tư công, Phó thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung cao độ, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025. Nhiều địa phương đã cam kết. Nhưng Phó thủ tướng nói, đã cam kết là phải “có cơ sở”, tức là đã cam kết thì phải thực hiện được. Nếu các tỉnh đều nỗ lực, giải ngân tốt, vốn đưa nhiều vào nền kinh tế, sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế tăng trưởng trên 8% trong năm nay.

Tin bài liên quan