Thế nhưng nhìn vào hiệu quả kinh doanh, sự luân chuyển của các khoản giao dịch, phải thu, phải trả với các bên liên quan này, thị trường còn lắm ngạc nhiên hơn.
Khoản phải thu nghìn tỷ kéo dài 5 năm
Năm 2010, ITACO phát sinh giao dịch cho thuê đất và cung cấp dịch vụ với CTCP Năng lượng Tân Tạo, tổng trị giá 1.082,24 tỷ đồng, bên cạnh giao dịch góp vốn đầu tư 311 tỷ đồng và nhận cổ tức 88 tỷ đồng. Cuối năm này, ITACO ghi nhận khoản phải thu Năng lượng Tân Tạo trị giá 1.004,2 tỷ đồng và phải trả 206,06 tỷ đồng tiền đơn vị này ứng trước tiền thuê đất.
Sang năm 2011, không thấy ITACO thuyết minh về giao dịch bán hàng với CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo và giao dịch tiền với Năng lượng Tân Tạo, nhưng phần hạch toán phải thu khách hàng của ITACO xuất hiện khoản gần 961,555 tỷ đồng phải thu tiền bán hàng với CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo.
Năm 2012, khoản phải thu với CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo tiếp tục tăng thêm 362,25 tỷ đồng, với lý do điều chỉnh đơn giá chuyển nhượng lô đất thuê tại Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, Kiên Giang của ITACO cho CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo lên mức 150 USD/m2 thay vì mức 100 USD/m2 như hợp đồng ban đầu.
Việc duy trì khoản phải thu lớn kéo dài nhiều năm, lợi nhuận kinh doanh duy trì ở mức rất thấp và sự lòng vòng trong các giao dịch với bên có liên quan, khiến công chúng đầu tư đặt câu hỏi: điều gì đang diễn ra tại ITACO?
Số dư phải thu tiền từ nghiệp vụ này của ITACO với CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo là 1.323,8 tỷ đồng vào cuối năm 2012, và tới 31/12/2015, số phải thu này vẫn còn tới hơn 1.287 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo là một công ty có vốn góp của ITACO, trong đó, ITACO đầu tư gần 19% vốn điều lệ, với giá trị vốn điều lệ thực tế đến thời điểm trên là 1.752,75 tỷ đồng.
Các năm qua, mặc dù nợ tiền của ITACO kéo dài, nhưng CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo lại có mức chia cổ tức khá đều đặn. Năm 2012, ITACO ghi nhận 64,5 tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp này, năm 2012 là 45 tỷ đồng, 2013 là 50 tỷ đồng, 2014 là 120 tỷ đồng và 2015 là 100 tỷ đồng.
Ma trận sở hữu, giao dịch khoản phải thu – trả các công ty có liên quan
Cuối năm 2012, ITACO góp 640 tỷ đồng vào CTCP Đại học Tân Tạo, tương đương tỷ lệ sở hữu 12%. Thế nhưng, tại thời điểm này, Đại học Tân Tạo lại đồng thời sở hữu hơn 11 triệu cổ phiếu ITACO và đã tạm ứng cho Công ty 454,772 tỷ đồng. Hiểu một cách đơn giản, ITACO tham gia đầu tư 12% vốn vào Đại học Tân Tạo và đơn vị này lại chuyển gần như toàn bộ vốn này vào ITACO.
Đến nay, ITACO có phần vốn góp thực tế vào Đại học Tân Tạo là 611,56 tỷ đồng, tương đương 11% vốn điều lệ Công ty (năm 2015 thoái 200 tỷ đồng vốn góp), nhưng đơn vị này cũng sở hữu hơn 49,1 triệu cổ phiếu ITA, với thị giá chỉ còn chưa tới 250 tỷ đồng.
Nhìn lại chi tiết giao dịch với bên có liên quan của ITACO năm 2012, có thể thấy, ngoại trừ giao dịch giá trị lớn với Phát triển Năng lượng Tân Tạo, ITACO có 2 giao dịch cấn trừ công nợ với Đại học Tân Tạo và Quỹ ITA “Vì tương lai”, với giá trị lần lượt là 458,558 tỷ đồng và 168,99 tỷ đồng. Đây chính là 2 khoản trong tổng số 4 khoản nợ được chuyển đổi nợ thành cổ phần của Công ty đầu năm 2013.
Năm 2013, ITACO tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính khá lớn từ các bên có liên quan, trong đó đáng kể nhất là khoản nhận tiền từ CTCP Tập đoàn Tân Tạo (đơn vị có cùng thành viên quản lý chủ chốt) trị giá 504 tỷ đồng, CTCP Phát triển Hạ tầng Tân Tạo (là đơn vị có liên quan) trị giá 338,9 tỷ đồng.
Nhìn lại chi tiết giao dịch với bên có liên quan của ITACO năm 2012, có thể thấy, ngoại trừ giao dịch giá trị lớn với Phát triển Năng lượng Tân Tạo, ITACO có 2 giao dịch cấn trừ công nợ với Đại học Tân Tạo và Quỹ ITA “Vì tương lai”, với giá trị lần lượt là 458,558 tỷ đồng và 168,99 tỷ đồng.
Đó là ở chiều nhận được, nhưng ở chiều ngược lại, cũng trong năm này, ITACO phát sinh thêm một số giao dịch đáng kể với các bên có liên quan khác như: Góp vốn bằng tiền vào CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (416,66 tỷ đồng), mua đất từ CTCP Đầu tư Đô thị Sài Gòn - Mekong (214 tỷ đồng).
Ngoài ra, cuối năm 2013, ITACO có số dư phải thu khác với các bên có liên quan lên tới 609 tỷ đồng bao gồm: tạm ứng hơn 197 tỷ đồng cho cổ đông là CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Đông Phương, tạm ứng 108 tỷ đồng cho CTCP Năng lượng Tân Tạo, tạm ứng 57 tỷ đồng cho Đại học Tân Tạo, tạm ứng 47 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Tin học và Tư vấn Xây dựng Phương Nam, phải thu hơn 176 tỷ đồng cổ tức của các bên có liên quan.
Như vậy, nếu chỉ tính ròng giá trị thu - chi từ các bên có liên quan, thì tại thời điểm cuối năm 2013, ITACO thực tế hầu như không chiếm dụng dòng tiền từ nhóm này. Và, dòng tiền vào ITACO đã sớm được quay trở ra nhóm có liên quan, với các giao dịch khác.
Đến năm 2014, mặc dù tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng ITACO vẫn được chi viện lớn bởi CTCP Tập đoàn Tân Tạo (hơn 528 tỷ đồng) và CTCP Phát triển Hạ tầng Tân Tạo (252 tỷ đồng).
Phải nhận chi viện từ các bên có liên quan, nhưng ITACO dường như lại khá phóng tay, khi thực hiện tạm ứng cho khá nhiều bên như: CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (115,3 tỷ đòng), Đại học Tân Tạo (154,88 tỷ đồng). Như vậy, Đại học Tân Tạo đã chuyển từ vai trò công ty có vốn góp của ITACO sang cổ đông lớn năm 2013 và thành con nợ vào năm 2014. Tiền đọng của ITACO tại Phát triển Năng lượng Tân Tạo không chỉ có khoản nghìn tỷ đồng từ bán đất, mà thêm cả 130 tỷ đồng tiền cổ tức và 115,3 tỷ đồng phải thu tạm ứng.
Mặc dù Đại học Tân Tạo đang là cổ đông lớn của ITACO, nhưng trong năm 2014, ITACO vẫn tiếp tục tăng góp vốn bằng tiền vào đây, với số vốn góp tăng thêm là hơn 157 tỷ đồng. Sang năm 2015, dù thoái bớt 200 tỷ đồng vốn đầu tư vào đây, nhưng số dư phải thu tạm ứng của ITACO tại Đại học Tân Tạo tiếp tục nhích lên mức 171 tỷ đồng.
Góp vốn vào doanh nghiệp, rồi để doanh nghiệp quay trở lại cho vay vốn và cuối cùng chuyển nợ thành vốn cổ phần. Dư luận đặt câu hỏi: ITACO phải chăng đang tạo một vòng hoàn chỉnh của sở hữu chéo? Điều quan trọng nữa, dòng tiền nhận từ các khoản vay này, có vẻ như chưa được sử dụng một cách tối ưu, đúng với hoàn cảnh của một doanh nghiệp “khó trăm bề” như ITACO đã từng lên tiếng nói về mình.
Dấu hỏi chất lượng lợi nhuận
Năm 2013, ITACO lãi trước thuế 116 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 150 tỷ đồng, với phần thu nhập từ cổ tức đạt 232,787 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng cổ tức từ CTCP Đầu tư Tân Đức, 20 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Tân Tạo, 50 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo. Hoạt động bán đất khu công nghiệp đã phát triển cơ sở hạ tầng lỗ gộp khoảng 40 tỷ đồng.
Đến năm 2014, hoạt động bán đất khu công nghiệp đã có lãi gộp hơn 110 tỷ đồng, mảng dịch vụ lãi gộp khoảng 30 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay cũng lên tới trên 100 tỷ đồng. Thu nhập của ITACO lại tiếp tục trông vào cổ tức trả từ Phát triển Năng lượng Tân Tạo (120 tỷ đồng) – đơn vị vẫn đang nợ ITACO trên 1.287 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014.
Năm 2015, tình hình kinh doanh của ITACO có vẻ khởi sắc hơn, nhưng chi phí lãi vay tăng mạnh (gấp gần 4 lần năm 2014) đã khiến lợi nhuận Công ty tiếp tục duy trì ở mức thấp (đạt hơn 182 tỷ đồng sau thuế trên vốn điều lệ 8.384, và thu nhập của Công ty tiếp tục phụ thuộc nhiều vào con nợ Phát triển Năng lượng Tân Tạo – với mức cổ tức năm 2015 là 100 tỷ đồng.
Chưa rõ vì sao Phát triển Năng lượng Tân Tạo kinh doanh hiệu quả, chia cổ tức đều đặn, nhưng vẫn nợ lớn ITACO như vậy. Nhưng, việc duy trì khoản phải thu lớn kéo dài nhiều năm, lợi nhuận kinh doanh duy trì ở mức rất thấp và sự lòng vòng trong các giao dịch với bên có liên quan, khiến công chúng đầu tư đặt câu hỏi: điều gì đang diễn ra tại ITACO?
Kỳ 3: Sẽ quản chặt việc chuyển nợ thành vốn cổ phần