Số dư hàng tồn kho tăng mạnh tại Khu công nghiệp Tân Đức, Khu E-City Tân Đức

Số dư hàng tồn kho tăng mạnh tại Khu công nghiệp Tân Đức, Khu E-City Tân Đức

ITACO: Chủ nợ không quan tâm đến tiền?

(ĐTCK) Lần thứ 3 liên tiếp, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO, mã ITA) xin phát hành vốn cổ phần để hoán đổi nợ. Nhưng, nhìn từ diễn biến hoạt động kinh doanh của Công ty, thị trường thấy những điều vô lý, khiến không ít người đặt câu hỏi: chất lượng các khoản nợ mà ITACO xin chuyển đổi cổ phần thực ra ở mức độ nào?

Tăng vốn chóng mặt nhờ chuyển nợ

Đầu năm 2013, vốn điều lệ của ITACO là gần 4.452 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 5.891 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, vốn điều lệ của ITACO đã tăng lên mức 6.190 tỷ đồng, trong đó 1.156,8 tỷ đồng tăng thêm nhờ chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần, 582 tỷ đồng tăng thêm do phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong năm 2014, vốn điều lệ của ITACO tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng do phát hành 1.000 tỷ đồng mệnh giá cổ phần cho các chủ nợ, với giá phát hành 6.600 đồng/CP. Năm 2015, câu chuyện tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ chuyển nợ thành vốn cổ phần tiếp tục được nhắc lại, với số lượng vốn cổ phần tăng thêm gần 1.194 tỷ đồng.

Tập đoàn Tân Tạo sẽ là đơn vị hỗ trợ ITACO nhiều nhất, khi chấp nhận cấn trừ gần 970 tỷ đồng để nhận về hơn 120,5 triệu cổ phần ITA, tương đương với mức giá mua bình quân hơn 8.000 đồng/CP trong 2 đợt hoán đổi thực hiện hồi tháng 1/2014 và tháng 2/2015.

Như vậy, chỉ sau 3 năm, vốn điều lệ của ITACO đã có bước tăng ngoạn mục thêm hơn 88%, đạt mức 8.384,248 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chuyển nợ thành vốn cổ phần, đưa Công ty thuộc Top những DN niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất trên TTCK.

Những cái tên quen thuộc xuất hiện trong quá trình chuyển vai từ chủ nợ thành cổ đông của Công ty có thể kể tới như: CTCP Tập đoàn Tân Tạo (hơn 120 triệu cổ phần trong 2 lần phát hành), CTCP Truyền thông - Giải trí và Sản xuất Media Ban Mai (tính cả dự kiến năm 2016 là gần 71 triệu cổ phiếu), CTCP Phát triển Hạ tầng Tân Tạo (hơn 62 triệu cổ phần)…

Như vậy, nếu lần phát hành cổ phần để hoán đổi công nợ năm 2016 diễn ra như kế hoạch, Tập đoàn Tân Tạo sẽ là đơn vị hỗ trợ ITACO nhiều nhất, khi chấp nhận cấn trừ gần 970 tỷ đồng để nhận về hơn 120,5 triệu cổ phần ITA, tương đương với mức giá mua bình quân hơn 8.000 đồng/CP trong 2 đợt hoán đổi thực hiện hồi tháng 1/2014 và tháng 2/2015.

Đơn vị chấp nhận chi nhiều tiền thứ 2 cho ITACO giai đoạn vừa qua là CTCP Truyền thông - Giải trí và Sản xuất Media Ban Mai, với số tiền cấn trừ 708,8 tỷ đồng, nhận về 70,88 triệu cổ phiếu, với mức giá mua 10.000 đồng/CP trong 2 đợt cấn trừ là năm 2013 và dự kiến năm 2016. Bên cạnh đó, CTCP Phát triển Hạ tầng Tân Tạo trong năm 2014, 2015 cũng đã chuyển đổi 531 tỷ đồng nợ sang vốn cổ phần, với mức giá mua bình quân gần 8.500 đồng/CP.

Thống kê 3 năm vừa qua cho thấy, giá cổ phiếu ITA cách rất xa mệnh giá, trừ giai đoạn đầu năm 2014. Như vậy, với việc chấp nhận hỗ trợ vốn cho ITACO, và đầu năm sau đó chuyển nợ thành vốn cổ phần, các DN này đã chấp nhận chịu lỗ khá nhiều. Ví dụ, CTCP Truyền thông - Giải trí và Sản xuất Media Ban Mai trong lần chuyển nhượng tới đây có thể sẽ chịu lỗ 150 tỷ đồng so với phương án mua cổ phiếu ngoài thị trường.

Tất nhiên, việc chịu lỗ này có thể cũng không quan trọng với DN, như trường hợp CTCP Hạ tầng Tân Tạo, đã mua hơn 28 triệu cổ phiếu ITA giá 6.600 đồng/CP từ cấn trừ nợ, nhưng đã tặng toàn bộ số cổ phiếu này vào dịp Giáng sinh năm 2015, khi giá cổ phiếu ITA chỉ còn chưa tới 6.000 đồng/CP. Như vậy, việc chấp nhận mua bơm thêm vốn và hoán đổi cổ phần cho thấy hoặc ITACO có nhiều tiềm năng hơn đánh giá thị trường, hoặc chủ nợ… không quan tâm đến tiền lắm.   

Những con số khó hiểu của ITACO

2013 là năm đầu tiên ITACO thực hiện chuyển nợ thành vốn cổ phần với hy vọng giảm bớt áp lực tài chính. Thế nhưng, nhìn vào BCTC của Công ty, nhiều điểm khó hiểu đã bắt đầu xuất hiện.

Thuyết minh lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong năm 2013, ITACO không nhận được vốn vay ròng. Hoạt động kinh doanh cũng èo uột, khi doanh thu thuần đạt 11 tỷ đồng. Vậy nhưng, bất chấp khó khăn, Công ty vẫn huy động được hơn 813 tỷ đồng tiền tạm ứng và đã kịp thời dùng số tiền này để tăng đầu tư vào đơn vị khác gần 488 tỷ đồng, tăng thêm hàng tồn kho 377 tỷ đồng.

Năm 2014, doanh thu thuần của ITACO đã khá hơn, đạt mức gần 344 tỷ đồng, nhưng số dư hàng tồn kho tiếp tục tăng mạnh thêm 767 tỷ đồng, chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác thêm 233 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ITACO tiếp tục âm tới gần 858 tỷ đồng, và lại được tài trợ bởi tiền tạm ứng hoạt động nhận được, lên tới 1.215 tỷ đồng.

Năm 2015 tiếp tục là một năm lặp lại kịch bản cũ của ITACO. Doanh thu thuần tăng lên mức 708 tỷ đồng, nhưng hàng tồn kho tăng ấn tượng hơn nữa, gần 988 tỷ đồng, khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ITACO âm tới 1.380 tỷ đồng. Và tất nhiên, tài trợ cho hoạt động này, lại là dòng tiền đến từ các khoản khác, với số dư cuối năm 2015 lên tới hơn 1.094 tỷ đồng.

Một câu hỏi đặt ra là, điều gì khiến ITACO liên tục nhận được sự hỗ trợ vốn từ các bên quen thuộc của mình, với số tiền các thời kỳ lên tới 4.350 tỷ đồng? Và đặc biệt hơn, thị trường sẽ rất khó lý giải nguyên nhân vì sao, các chủ nợ này lại hào phóng hỗ trợ ITACO hàng nghìn tỷ đồng, để rồi sau đó nhận về số cổ phần có thị giá chỉ còn một nửa tiền?

ITACO: Chủ nợ không quan tâm đến tiền? ảnh 1

Không chỉ vô lý về sự hào phóng đến khó tin của các chủ nợ, những con số hiển thị trên BCTC của ITACO cũng khiến không ít người cảm thấy băn khoăn.

Thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, hoạt động kinh doanh của ITACO dù đã tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn còn ở mức khó khăn. Năm 2013, Công ty đạt doanh thu thuần 11,2 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 87,2 tỷ đồng; năm 2014 doanh thu thuần 343,6 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 144 tỷ đồng; năm 2015, con số này tương ứng là 709 tỷ đồng và 182 tỷ đồng. Dù doanh thu khiêm tốn, không vay ngân hàng được, nhưng mức độ tăng số dư hàng tồn kho của Công ty lại tăng chóng mặt nhờ sự “chi viện” từ các DN khá quen thuộc.

Trong 3 năm (2013 đến 2015), hàng tồn kho của ITACO đã tăng mạnh từ mức 2.881 tỷ đồng đầu năm 2013 lên 5.291,73 tỷ đồng cuối năm 2015. Trong số này, số dư hàng tồn kho tăng mạnh ở dự án Khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 1 và 2, tương ứng từ 896 tỷ đồng lên 1.498,6 tỷ đồng; Khu E-City Tân Đức tăng từ 650 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng; đất chưa phát triển hạ tầng tăng thêm 430 tỷ đồng; Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tăng từ 71 tỷ đồng lên 431 tỷ đồng.

Sự thay đổi về số dư hàng tồn kho và sự hào phóng của các DN chủ nợ khiến thị trường băn khoăn, liệu chất lượng hàng tồn kho và các khoản tạm ứng từ các DN chủ nợ được hạch toán trên BCTC có phản ánh đúng với bản chất? Logic kinh tế nào cho tất cả những con số này?

Phản hồi từ ITACO

Từ năm 2013, do việc thắt chặt tín dụng nên ITACO không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, thậm chí có những ngân hàng còn gây áp lực buộc Công ty phải trả nợ trước hạn. Trong tình hình này, để duy trì hoạt động kinh doanh và giảm áp lực về tài chính, ITACO đã đàm phán với các đối tác chiến lược để thực hiện việc hoán đổi nợ thành cổ phiếu nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính và tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng vào các dự án đang triển khai để đưa vào kinh doanh khai thác trong thời gian tới. Điều này làm cho giá trị hàng tồn kho của Công ty liên tục tăng lên.

Tuy nhiên, với việc sở hữu hơn 1.200 héc ta đất thương phẩm tại các dự án đang triển khai thì giá trị hàng tồn kho thực tế nếu quy theo giá thị trường hiện nay sẽ cao gấp nhiều lần so với giá trị ITACO đang hạch toán. Đây được coi là một trong những lợi thế rất lớn của ITACO cho quá trình kinh doanh và phát triển trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập TPP.       

Kỳ 2: Chất lượng lợi nhuận và ma trận thu - trả các bên có liên quan

Tin bài liên quan