
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam
Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp xanh, hàng hải đang đối mặt với những thách thức trong việc giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Theo bà, những thách thức trước mắt của mục tiêu xanh hóa ngành hàng hải là gì?
Ngành vận tải biển toàn cầu đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong thập kỷ qua, hoạt động hàng hải quốc tế đã tiết kiệm năng lượng hơn, với lượng phát thải khí nhà kính (GHG) tính trên mỗi đơn vị vận chuyển thấp hơn. Ô nhiễm không khí từ hoạt động vận tải biển cũng đã giảm, phần lớn là nhờ các quy chuẩn quốc tế mới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng - vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua. Hiện phần lớn đội tàu trên thế giới vẫn sử dụng hệ thống động cơ truyền thống chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều rào cản khác như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong vận tải, khả năng tiếp cận các loại nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, tiếp tục phát triển công nghệ và triển khai các hệ thống đẩy mới cùng với hạ tầng hỗ trợ tương ứng. Hạ tầng phục vụ việc sản xuất, phân phối và tiếp nhiên liệu tái tạo chưa được phát triển ở quy mô thương mại, tạo ra mức độ rủi ro cao cho các quyết định đầu tư trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, thách thức cũng mở ra cơ hội. Na Uy đã dành ưu tiên cao cho vấn đề này cả ở cấp độ chính sách và quy định, bao gồm việc áp dụng các ưu đãi thuế. Quốc gia này cũng đi đầu trong nhiều lĩnh vực như sản xuất phà không phát thải, tàu cao tốc, tàu ngoài khơi hiện đại và tàu tự hành.
Hợp tác Na Uy - Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hàng hải xanh sẽ mang lại lợi ích cụ thể gì cho doanh nghiệp của cả hai nước?
Ngoài các biện pháp cấp quốc gia, Na Uy còn tích cực tham gia các sáng kiến quốc tế nhằm thiết lập các “hành lang vận tải biển xanh” - là những tuyến đường chuyên biệt giữa các cảng có thể vận hành các tàu thuyền không phát thải hoặc phát thải gần bằng “0”. Na Uy đang hợp tác với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, để phát triển các hành lang này. Sự hợp tác được điều phối bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), trong đó cả Việt Nam và Na Uy đều là thành viên.
Năm 2019, Chính phủ Na Uy cùng với IMO đã khởi động Chương trình GreenVoyage2050 (Hải trình xanh 2050), với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia giảm phát thải trong ngành vận tải biển, thông qua việc đánh giá lượng khí thải, xây dựng chiến lược giảm phát thải tại các cảng biển, đồng thời xây dựng chính sách và kế hoạch hành động quốc gia. Dự án cũng tài trợ cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ xây dựng các dự án thí điểm thông qua mô hình hợp tác công - tư.
Tháng 2/2025, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác mới của chương trình này và sẽ được Hợp phần Hỗ trợ tăng tốc thí điểm hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu khả thi về kỹ thuật và kinh tế, đánh giá rủi ro, xây dựng chiến lược thu hút các bên liên quan và hỗ trợ hành chính. Mục tiêu cuối cùng là tạo niềm tin vào các dự án phát triển hành lang vận tải biển xanh và gia tăng tính hấp dẫn của các dự án đó đối với các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy triển khai trên diện rộng.
Tại Triển lãm Vietship 2025 diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đã nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy phát triển ngành hàng hải ở Việt Nam theo hướng xanh hơn. Bà đánh giá thế nào về tín hiệu chính sách này?
Tín hiệu chính sách này là một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam và tôi mong muốn trong tương lai, hai nước chúng ta sẽ hợp tác tích cực hơn trong lĩnh vực này.
Tại Triển lãm Vietship 2025, Na Uy đã hiện diện ấn tượng với một gian hàng quy tụ 7 công ty hàng đầu mang đến các sáng kiến và giải pháp tiên tiến trong ngành hàng hải xanh. Trong số đó, nhiều công ty như VARD, Jotun hay DNV đã có mặt tại Việt Nam hàng chục năm nay, đóng góp tích cực trong việc tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Na Uy khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam hoặc đang tìm kiếm cơ hội hợp tác mới ở đây. Dù là đối tác lâu năm hay mới tham gia thị trường, tất cả các công ty này đều bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng phát triển của ngành hàng hải Việt Nam và bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước để phát triển ngành hàng hải xanh hơn và bền vững hơn không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu.
Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì từ Na Uy và các quốc gia khác trong quá trình phát triển ngành hàng hải xanh?
Một bài học quan trọng rút ra từ kinh nghiệm của Na Uy là quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực hàng hải đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và ngành công nghiệp. Ngành hàng hải xanh của Na Uy là minh chứng rõ nét cho sức mạnh tổng hòa của chính sách nhà nước, đổi mới công nghệ và hợp tác hiệu quả hướng đến mục tiêu bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa ngành hàng hải, Chính phủ Na Uy đã xây dựng một tầm nhìn dài hạn với các chính sách và quy định tích hợp yếu tố bền vững, đồng thời khuyến khích áp dụng công nghệ xanh ở mọi cấp độ - từ thiết kế và vận hành tàu tiết kiệm năng lượng, sản xuất nhiên liệu sạch cho đến quản lý chất thải.
Bản thân ngành hàng hải Na Uy cũng đang chủ động thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, với mục tiêu đạt mức trung hòa khí hậu vào năm 2050. Từ năm 2030, các công ty vận tải Na Uy sẽ chỉ đặt hàng đóng mới các tàu ứng dụng công nghệ không phát thải.
Nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh cũng là thế mạnh nổi bật của ngành hàng hải Na Uy. Các doanh nghiệp Na Uy nổi tiếng với những giải pháp giúp vận tải biển trở nên xanh hơn, an toàn hơn và tiết kiệm hơn - tất cả đều đạt được thông qua hợp tác chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu, khách hàng, cũng như các đối tác trong và ngoài nước.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các tổ chức ngành nghề và cộng đồng nghiên cứu là yếu tố then chốt trong thành công của ngành hàng hải Na Uy. Đồng thời, chúng tôi đánh giá cao vai trò của hợp tác quốc tế.
Tôi tin rằng, ngành hàng hải xanh là một lĩnh vực mà Na Uy và Việt Nam, cùng các doanh nghiệp hai bên, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.