Cú sụt mạnh cuối phiên thứ Sáu tuần trước không chỉ khép lại 2 tuần giao dịch khởi sắc mà còn tạo ra chút tâm lý nhất định với nhà đầu tư khi việc rơi mạnh xảy ra ở cuối phiên, sau khi VN-Index không thể chinh phục được ngưỡng cản 1.350 điểm.
Đây có thể là lý do thị trường giao dịch thăm dò ở đầu phiên sáng nay khi điểm số rơi thấp và lực mua yếu. Lực bán khá lớn xuất hiện trên diện rộng khiến chỉ số VN-Index giảm sâu, về dưới mức giá 1.335 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu nhập cuộc sôi động giúp thị trường nhanh chóng lấy lại thăng bằng và dần hồi phục sắc xanh. Các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, thép có diễn biến phục hồi thận trọng khi phân hóa trong ngành rõ nét, ngược lại nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón đã chứng minh rằng phiên cuối tuần trước chỉ là nhịp nghỉ ngơi, đà tăng chưa chấm dứt.
Cụ thể, sau chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu DPM tiếp tục bật cao khi dễ dàng leo lên mức giá trần ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch. Hiện DPM vẫn đứng tại mức giá trần 31.000 đồng/CP và là 1 trong 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường sau khoảng 1 giờ giao dịch.
Bên cạnh đó, các mã khác cũng ngành như DCM có thời điểm cũng tăng kịch trần và hiện đang tăng trên dưới 6%; BFC, PCE, PMB tăng trên dưới 4%, LAS ghi nhận mức tăng hơn 7%, tạm đứng tại mức giá 16.500 đồng/CP.
Ngoài nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hỗ trợ tích cực góp phần giúp thị trường có những nhịp hồi với các mã KDH, DIG, SCR, KBC, IJC… đều khởi sắc. Trong đó, DIG có thời điểm được kéo sát trần và hiện tăng gần 5% với thanh khoản tăng vọt lên hơn 7 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng dần hồi phục sau nhịp rung lắc đầu phiên. Các mã như SSI, HCM, VCI đều tăng trên dưới 3%, hay AGR, APG... cũng lấy lại sắc xanh.
Còn trên toàn sàn HOSE, tính đến 10h30 đã có tới hơn 200 mã tăng giá với thanh khoản ở mức cao so với các phiên sáng trong tuần trước cho thấy dòng tiền tiếp tục lan tỏa thay vì tập trung chủ yếu vào một số mã trụ.
Thực ra trong chuỗi phục hồi của chứng khoán trong 2 tuần vừa qua có một đặc điểm khá đáng chú ý đó là VN-Index tăng liên tục, xét về điểm số thì có tới 9/10 phiên tăng điểm liên tiếp. Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư bị "lỡ sóng" vì không thấy nhịp điều chỉnh để mua vào. Chính vì vậy, phiên giảm điểm cuối tuần qua và đầu phiên sáng nay là cơ hội tốt để "lên tàu", đây có thể là lý do khiến thị trường không kịp có nhịp điều chỉnh và chỉ rung lắc nhẹ để rồi nối tiếp đà tăng để tìm về đỉnh cũ.
Với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip và thiếu sự dẫn dắt của các trụ đỡ, đã khiến VN-Index lình xình đi ngang trên mốc tham chiếu trong thời gian còn lại của phiên sáng mà chưa có sự bứt phá mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 203 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 3,27 điểm (+0,24%), lên 1.344,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn hơn 383 triệu đơn vị, giá trị 11.865,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% về lượng nhưng tăng gần 2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 6/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24 triệu đơn vị, giá trị 569,35 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau khi đảo chiều thành công đã đua nhau nới rộng biên độ. Điểm nhấn là SSI có thời điểm áp sát mức giá trần và chốt phiên sáng nay tăng 5,9% lên mức 59.700 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường khi có gần 15,3 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.
Bên cạnh đó, HCM tăng 3,7% lên mức 51.100 đồng/CP, VCI tăng 3,1% lên 56.100 đồng/CP, CTS tăng 3,7% lên 22.700 đồng/CP, FTS tăng 5,6% lên 43.300 đồng/CP, VDS tăng 3% lên 25.600 đồng/CP, AGR, VIX, APG cũng ghi nhận mức tăng hơn 1%...
Nhóm cổ phiếu phân bón vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với DPM bảo toàn sắc tím vững chắc với khối lượng dư mua trần gần 715.000 đơn vị và khớp lệnh sôi động đạt 7,32 triệu đơn vị, tạm chốt phiên sáng tại mức giá trần 31.000 đồng/CP. Ngoài ra, DCM tăng 5% lên 22.250 đồng/CP, BFC tăng 3,5% lên 36.800 đồng/CP.
Một trong những điểm sáng thị trường trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh những mã trong nhóm VN30 như VHM, VRE, KDH ghi nhận mức tăng hơn 1%, các mã khác như DIG, SCR, LCG, IJC, TDH… cũng đồng loạt khởi sắc. Trong đó, DIG vẫn giữ mức giá trên 30. và ghi nhận mức tăng 4,5% với thanh khoản đạt gần 10,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cảng biển vẫn giữ xu hướng đi lên với GMD và SFI đều tăng hơn 1%, HAH tăng 5,2% lên 54.700 đồng/CP, TCL tăng 3% lên 39.000 đồng/CP, STG tăng 6,9% lên mức giá trần 23.900 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn khác trong rổ VN30 cũng hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường như GVR tăng 2,2% lên 34.950 đồng/CP, các mã khác như ACB, FPT, HPG, SAB chỉ nhích nhẹ chưa tới 0,5%.
Trong khi đó, việc đặt kỳ vọng không cao vào sự trở lại của dòng bank cũng khiến nhóm này trở nên mờ nhạt hơn trong phiên sáng nay. Bên cạnh sắc xanh nhạt nhòa của ACB, HDB, STB hầu hết các mã khác như VCB, CTG, BID, VPB, OCB, MSB, LPB, TPB… đều mất điểm. Đây chính là điểm trừ khá lớn mà thị trường vẫn chưa lấp được.
Thêm vào đó, một số mã lớn cũng giao dịch trong sắc đỏ dù đà giảm không quá sâu chỉ trên dưới 0,5% như BVH, PLX, GAS, VNM, VJC…, VIC giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 với mức giảm 1,2% xuống mức 111.900 đồng/CP.
Trên sàn HNX, dòng tiền chảy mạnh đã tiếp sức giúp HNX-Index đảo chiều hồi phục mạnh trong nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 90 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 2,99 điểm (+0,92%), lên 328,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 80,62 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.041 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,2 triệu đơn vị, giá trị 19,28 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, nhóm chứng khoán trên HNX đều giao dịch khởi sắc cả về giá và thanh khoản. Trong đó, cặp đôi VND và SHS đều tăng hơn 4% cùng dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 8,18 triệu đơn vị và 7,22 triệu đơn vị. Ngoài ra, BVS, MBS, BSI, APS… cũng tăng tốt.
Ở nhóm phân bón, LAS tăng 7,1% lên mức 16.500 đồng/CP; nhóm cảng biển có DXP tăng 3% lên 16.900 đồng/CP, PHP tăng 10% lên mức giá trần 27.600 đồng/CP…
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng ghi nhận đà tăng tích cực như PAN tăng 3,2% lên 28.700 đồng/CP, IDC tăng 3,5% lên 35.300 đồng/CP…
Dòng bank phân hóa với BAB đứng giá tham chiếu, SHB rung lắc và chốt phiên giảm 1% xuống 28.700 đồng/CP, trong khi NVB tiếp tục tăng 3,4% lên mức giá cao nhất trong phiên sáng 27.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, sau chút điều chỉnh nhẹ đầu phiên thị trường cũng đã hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,58%) lên 88,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39 triệu đơn vị, giá trị 748,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,22 triệu đơn vị, giá trị 25,79 tỷ đồng.
Cũng như hầu hết các cổ phiếu dầu khí, BSR đã giảm 2% và chốt phiên sáng nay tại mức giá 19.300 đồng/CP, nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM, với 8,29 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi đua nhau khởi sắc. Đáng kể là SBS tăng 3,1% lên mức 13.400 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, lên mức hơn 3,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cặp đôi tạo ấn tượng trong những phiên gần đây là DDV và HHV vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Chốt phiên, DDV tăng 3,1% lên 16.500 đồng/CP và khớp 2,74 triệu đơn vị, trong khi HHV tăng 5,4% lên mức 19.500 đồng/CP và khớp 2,65 triệu đơn vị.